Cải cách quản lý trị giá hải quan: Nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan và chất lượng phục vụ người khai hải quan, doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đang xây dựng Đề án cải cách công tác quản lý trị giá hải quan đến năm 2030.

Liên tục cải cách qua từng thời kỳ

Quản lý trị giá hải quan là một lĩnh vực kỹ thuật nghiệp vụ đặc thù, giữ vai trò then chốt trong hoạt động quản lý hải quan nói chung, quản lý thuế đối với hàng hóa nói riêng. Chính vì thế, qua các thời kỳ, Tổng cục Hải quan luôn có những đề án cải cách công tác quản lý trị giá để dần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống thực thi quản lý trị giá và nâng cao năng lực cho cán bộ công chức chuyên sâu lĩnh vực trị giá hải quan.

Trên cơ sở các đề án cải cách, Hải quan Việt Nam đã sửa đổi văn bản pháp luật về kiểm tra trị giá hải quan trong thông quan, ban hành các quy trình nghiệp vụ kiểm tra trị giá hải quan trong thông quan, quy chế xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu trị giá hải quan, thành lập và đào tạo nhóm chuyên gia về trị giá hải quan tại các cục hải quan tỉnh, thành phố…

Với công tác quản lý trị giá hải quan, cơ quan hải quan đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra, góp phần từng bước ngăn chặn các hiện tượng gian lận thương mại, chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Youngbag ViiNa khu Công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Youngbag ViiNa khu Công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).

Trong bối cảnh mới, khi các đối tượng gian lận ngày càng tinh vi với những thủ đoạn đa dạng hơn, Bộ Tài chính đang yêu cầu Tổng cục Hải quan tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn công tác quản lý trị giá thông qua việc nghiên cứu để ban hành và triển khai thực hiện một Đề án cải cách công tác quản lý trị giá hải quan đến năm 2030 trong khuôn khổ thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Đề án cải cách lần này được kỳ vọng sẽ xử lý triệt để hơn, đưa ra những giải pháp dài hơi hơn để giải quyết những vấn đề còn bất cập, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiện đại trong thời gian tới. Đồng thời, đây cũng là bước tiến nhằm đạt đến các chuẩn mực của thế giới và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Đề án đã được xây dựng, lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các cục hải quan tỉnh, thành phố và các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc tổng cục.

Doanh nghiệp tự xác định và kê khai trị giá

Đánh giá về lợi ích khi Đề án được phê duyệt và đi vào thực hiện, ông Trần Bằng Toàn - Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho rằng, chính cộng đồng doanh nghiệp (DN) sẽ có được những lợi ích rất rõ rệt.

Trước tiên là sẽ giảm bớt việc kiểm tra trị giá hải quan trong thông quan, giúp đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa. Theo chuẩn mực quốc tế thì DN là người xác định và kê khai trị giá hải quan, cơ quan hải quan chỉ thực hiện biện pháp kiểm tra sơ bộ trong giai đoạn thông quan. Hầu hết việc kiểm tra trị giá hải quan sẽ được thực hiện sau thông quan. Điều này giúp DN tiết kiệm chi phí thông quan, gia tăng lợi nhuận trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, các quy định được dự kiến đưa ra sẽ loại bỏ việc áp đặt xác định trị giá hải quan cho DN. “Hiện nay, chúng ta đang thực hiện theo cách nếu cơ quan hải quan bác bỏ trị giá hải quan do DN kê khai thì cơ quan hải quan sẽ tự xác định trị giá hải quan, ấn định thuế và xử lý vi phạm hành chính đối với DN. Sau khi triển khai Đề án, cơ quan hải quan sẽ chỉ thực hiện xác định trị giá hải quan khi kiểm tra sau thông quan tại DN, còn trong thông quan, việc xác định trị giá hải quan là trách nhiệm và quyền lợi của DN, công chức hải quan không làm thay nữa. Khi đó, DN sẽ được nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo đúng số tiền thuế mà DN phải nộp” – ông Toàn nêu.

Số lượng cuộc kiểm tra sau thông quan giảm do ảnh hưởng dịch Covid-19

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng các cuộc kiểm tra sau thông quan trong năm 2020 và 2021 giảm so với năm 2019. Theo đó, tổng số cuộc kiểm tra sau thông quan là 6.895 cuộc, trong đó 2.304 cuộc kiểm tra sau thông quan có nội dung về trị giá (chiếm khoảng 33% tổng số cuộc kiểm tra sau thông quan), kết quả phát hiện được 805 vụ vi phạm về trị giá với tổng số tiền thuế ấn định khoảng 527 tỷ đồng.

Số cuộc kiểm tra sau thông quan đối với các hồ sơ hải quan đã thông quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hàng hóa được thông quan 2.640 cuộc, trong đó có 1.253 cuộc kiểm tra sau thông quan có nội dung về trị giá, ấn định khoảng 30 tỷ đồng về trị giá.

Cũng theo Đề án, cơ quan hải quan sẽ thiết lập cơ chế để DN có thể tham vấn chính thức với cơ quan hải quan trước khi kê khai trị giá hải quan. Thông qua cơ chế này, DN được công chức hải quan trực tiếp hướng dẫn cách xác định trị giá hải quan cho hàng hóa, từ đó kê khai đúng trị giá hải quan, giảm thiểu việc kiểm tra trong thông quan, đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa.

Đề án sẽ tiếp tục phát triển hệ thống quản lý trị giá hải quan phù hợp với chuẩn mực quốc tế bảo đảm hoạt động có hiệu lực, hiệu quả trên nền tảng hệ thống chính sách minh bạch, chuẩn hóa toàn diện quy trình nghiệp vụ trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại hợp pháp, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt, cơ quan hải quan cũng sẽ thường xuyên có các chương trình đào tạo, tập huấn cho DN để nâng cao nhận thức và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho DN. Cơ chế khuyến khích tuân thủ của cơ quan hải quan thậm chí còn giúp khẳng định thương hiệu của DN trên thị trường quốc tế, từ đó gián tiếp hỗ trợ DN gia tăng kinh doanh XNK để phát triển hơn nữa.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cai-cach-quan-ly-tri-gia-hai-quan-nhieu-loi-ich-cho-doanh-nghiep-110074.html