Cái bẫy giá sàn

(TBKTSG) - Tại cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thành Biên, cho rằng Chính phủ sẽ không đề ra chỉ tiêu cứng về xuất khẩu gạo trong năm 2010 là bao nhiêu, mà điều hành xuất khẩu gạo sẽ theo hướng linh hoạt nhằm tiêu thụ tốt lúa hàng hóa của nông dân, ổn định thị trường nội địa. Có thể hiểu, đó là cách điều hành theo hướng “mở”? Nhưng thực tế không như vậy.

Hồ Hùng Đầu ra co, giá giảm lại Những động thái của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) gần đây cho thấy, điều hành theo hướng “mở” là điều xa xỉ. Bởi lẽ, chính VFA đã đưa ra giá sàn cho gạo 5% tấm là 475 đô la Mỹ/tấn, còn gạo 25% tấm là 435 đô la Mỹ/tấn, cao hơn từ 10-20 đô la Mỹ/tấn so với giá thị trường. Lý do mà VFA đưa ra là nhằm bảo vệ giá gạo xuất khẩu Việt Nam, tránh những hợp đồng nóng vội trong bối cảnh giá gạo thế giới đang có dấu hiệu tăng và nhằm giãn bớt tiến độ đăng ký giao hàng cho phù hợp năng lực cung ứng. Nhờ vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã ở chung mặt bằng với giá của nước xuất khẩu hàng đầu thế giới là Thái Lan. Bảo vệ đến đâu chưa biết, chỉ có điều, hiện nay những hợp đồng thương mại gần như tê liệt vì nếu doanh nghiệp căn cứ theo giá VFA đưa ra thì nhà nhập khẩu cho rằng quá cao, nhưng nếu chiều theo nhà nhập khẩu thì VFA khó lòng làm thủ tục cho xuất vì sai quy định về giá. Và nếu cao hứng tuyên bố giá gạo Việt Nam đã xấp xỉ giá Thái Lan, thì đó là một ảo tưởng vì giá mà chúng ta đưa ra là giá ảo: không có bao nhiêu doanh nghiệp ký bán với giá này. Một quy luật tất yếu đã xảy ra khi đầu ra bị “kẹp”, theo Trung tâm Thông tin thương mại (Bộ Công Thương), giá gạo đã giảm nhẹ do nhu cầu xuất khẩu không cao. Đầu tuần này, giá gạo nguyên liệu đã giảm khoảng 300 đồng/ki lô gam, giá lúa cũng giảm từ 300-400 đồng/ki lô gam so với 15 ngày trước. Trong khi đó, nhiều vùng như ở Cần Thơ… nông dân đang thu hoạch lúa vụ ba sớm, và đang lo lắng lợi nhuận sẽ giảm sút. Vì đâu? Trong khi đó, theo một số doanh nghiệp, giá gạo thế giới vẫn đang bình ổn và chưa có dấu hiện tăng. Nếu vậy, động thái của VFA nhằm mục đích gì? Nếu cho rằng bình ổn giá lương thực để hạn chế lạm phát, e rằng không thuyết phục. Vì giá lương thực chỉ ảnh hưởng đến lạm phát ở mức độ vừa phải. Bởi lẽ, theo cách tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới của Tổng cục Thống kê, lương thực chỉ chiếm 8,18% trong rổ hàng hóa. Và theo một chuyên gia kinh tế, nếu lưu thông lương thực bình thường, thì giả như giá lúa gạo có tăng cũng không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số lạm phát, bởi còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới CPI. Ngay như các yếu tố không nằm trong rổ hàng hóa tính CPI như tỷ giá hay giá vàng cũng có tác động gián tiếp đến CPI cao hơn nhiều. Do vậy, nếu chỉ cố mà kìm giá lúa gạo, e rằng quá bất công với nông dân, khi giá vàng tăng phi mã trong những ngày qua, rồi giá thực phẩm, chiếm đến 24,35% trong rổ hàng hóa, cũng đã tăng vọt trong thời gian qua, mà chưa ai tính toán làm cách nào “níu” lại. Theo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hồi tháng 4 và tháng 5, đã có nhiều hợp đồng với giá thấp được ký. Ngay sau đó giá lúa gạo nguyên liệu tăng vọt lên gần 2.000 đồng/ki lô gam và những hợp đồng này trở thành gánh nợ. Như tháng 9 này, bình quân các lô hàng gạo xuất đi chỉ có giá hơn 377 đô la Mỹ/tấn, còn hồi tháng 8 chỉ đạt mức hơn 371 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn nhiều so với giá sàn hiện nay. Cùng lúc này, lượng tồn kho của các doanh nghiệp cũng khá mỏng. Do đó, dựng hàng rào giá sàn, kìm giá chính là mục đích mà VFA nhắm đến nhằm “cắt lỗ” và cân đối lại lượng lúa gạo trong bối cảnh tồn kho khá mỏng. Nếu vậy, có lẽ không ít người dễ hiểu, giá sàn hiện nay là nhằm vào mục đích gì và bảo vệ quyền lợi cho ai. Giá sàn vào thời điểm này không giúp nhiều trong việc nâng giá lúa gạo xuất khẩu. Để làm được điều đó, cần sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn để giúp nông dân nâng chất lượng giống, tạo những vùng sản xuất lúa cùng phẩm chất, chất lượng, hạn chế thất thoát sau thu hoạch… Theo một chuyên gia kinh tế, giá sàn chỉ là tấm mạng che chắn để các công ty xuất khẩu gạo Việt Nam quay lưng với những thực tế đầy biến động, không giúp nông dân hưởng lợi nhiều hơn so với thành quả của họ. Những cái lợi thu về khi so sánh lúc có giá sàn và khi không có giá sàn, thực ra có thể nhỏ hơn nhiều so với tổn thất lớn từ chính sự yếu kém của các công ty xuất khẩu gạo của Việt Nam, cũng như cách điều hành xuất khẩu. Và giá sàn cùng việc hỗ trợ mua tạm trữ của Chính phủ khi giá xuống là biểu hiện của sự dựa dẫm của các công ty xuất khẩu vào Nhà nước, vào cái ô an ninh lương thực quốc gia, mà không thể tự mình lớn lên, dù đã 20 năm tham gia xuất khẩu.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/41225/