Cách thoát hiểm khi cháy quán karaoke ai cũng cần phải biết

Trong những tình huống khẩn cấp như xảy ra hỏa hoạn, nắm vững cách thoát hiểm khi cháy quán karaoke ai cũng cần phải biết dưới đây sẽ vô cùng có ích.

Vụ cháy tại quán karaoke xảy ra ngày 1/11/2016 tại đường Trần Thái Tông- Hà Nội gây thiệt hại lớn cho người và tài sản.

Vụ cháy tại quán karaoke xảy ra ngày 1/11/2016 tại đường Trần Thái Tông- Hà Nội gây thiệt hại lớn cho người và tài sản.

Thời gian gần đây, nhiều vụ cháy quán karaoke xảy ra ở Hà Nội, TP.HCM, cũng như một số thành phố khác, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Mới đây nhất, tối 18/10, vụ cháy ở tòa nhà nhiều tầng kinh doanh karaoke - cafe Felix tại số 908 đường Tạ Quang Bửu, phường 5, quận 8, TP. HCM khiến nhiều người e ngại về công tác phòng cháy chữa cháy. Trước tình hình này, người lớn, trẻ nhỏ ai cũng nên học cách thoát hiểm khi cháy quán karaoke.

Quán karaoke là một địa hình đặc thù do mỗi phòng đều được trang bị vô số đèn led, đèn nháy, phần lớn các vách tường cách âm được làm bằng gỗ, thạch cao và mút xốp... những vật liệu thuộc nhóm dễ bắt lửa. Một khi cháy sẽ bùng phát rất nhanh và sinh ra khí độc Carbon Monoxide (CO). Khi hít phải khí này, cơ thể sẽ ngừng hô hấp trong vòng 5 hơi thở - tức chỉ trong 10 giây. Vì thế, khi bị cháy trong quán karaoke, cần cố gắng thoát ra ngoài nhanh nhất có thể.

Dưới đây là những gợi ý từ các chuyên gia phòng cháy chữa cháy, giúp bạn thoát hiểm an toàn khi hỏa hoạn xảy ra.

Video Hướng dẫn 8 kỹ năng thoát nạn khi có cháy ở nhà cao tầng. Nguồn Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Sử dụng vải thấm nước để chống khí độc

Khi ở trong đám cháy, hãy thấm ướt một mảnh vải, cuốn quanh mũi và miệng. Lúc này, tấm vải sẽ trở thành mặt nạ phòng độc, giúp bạn lọc khí và thở dễ dàng hơn. Nếu không có vải, bạn cũng có thể sử dụng khẩu trang đã được thấm ướt bằng nước.

Muốn thoát ra khỏi đám lửa, dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên người và chạy nhanh ra ngoài, tránh để lửa bén vào trang phục. Nếu bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt.

Xác định vị trí ngọn lửa, nguồn khói

Theo website Đại học Phòng cháy chữa cháy, việc đầu tiên cần phải làm là giữ bình tĩnh. Hãy xác định vị trí của ngọn lửa, vị trí của nguồn khói.

Trong trường hợp luồng khói từ trên cao, hoặc ngay trong tầng của bạn, hãy nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm và chạy thoát xuống các tầng dưới. Đặc biệt, không sử dụng thang máy.

Còn nếu khói xuất phát từ các tầng dưới, nhiều khả năng cầu thang bộ đã bị khói bít kín. Trong trường hợp bạn đang ở tầng thấp, có thể tìm cách di chuyển xuống dưới và thoát ra ngoài.

Nhưng nếu ở tầng cao, hãy tìm cách di chuyển ngược lên trên tầng thượng, vì di chuyển trong môi trường dày đặc khói quá lâu sẽ khiến bạn gục ngã trước khi thoát.

Video Hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa. Nguồn Youtube.

Phương pháp di chuyển

Bò, trườn hoặc cúi thấp sẽ giúp bạn tránh khỏi nguy cơ bị nhiễm độc khói, vì khói bốc lên trên, mặt sàn chính là nơi ít khói nhất.

Bạn cũng không nên chạy, ngay cả khi bạn vẫn chịu đựng được khói, vì khói độc gây ảnh hưởng đến cơ thể nhanh hơn bạn tưởng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể nín thở vài mươi giây khi khói độc tới, chú ý không la to vì sẽ bị ngạt khói ngay.

Hãy tập thói quen khi đến bất cứ căn nhà lạ nào, bạn phải nhìn ngay lối thoát có chữ 'Exit', để ý xem có bao nhiêu cầu thang bộ, hay cửa sổ.

Nguyễn Trang - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/cach-thoat-hiem-khi-chay-quan-karaoke-ai-cung-can-phai-biet-30777-9.html