Cách nhận biết và xử trí, điều trị tại nhà khi trẻ bị sốt

Đa số trường hợp sốt ở trẻ có thể được theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ cần biết khi nào nên đưa trẻ đi khám bệnh và khi nào cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt.

Sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể đối với các tác nhân gây rối loạn điều hòa thân nhiệt. Hầu như đứa trẻ nào cũng bị sốt, có thể sốt do nhiễm trùng, do thay đổi thời thiết, do chuyển hóa…

Những cách phát hiện trẻ bị sốt

Theo các bác sĩ, bình thường nhiệt độ của cơ thể con người nằm trong khoảng từ 36,5 - 37,5 độ C. Về mặt sinh học, trẻ em cũng có nhiệt độ như người lớn nhưng ở trẻ do trung tâm điều hòa thân nhiệt chưa hoàn chỉnh nên dễ bị sốt và sốt cao.

Các kiểu sốt ở trẻ như sốt hầm hập; sốt dây dưa vài bữa sốt, vài bữa hết sốt; sốt kéo dài và mức độ sốt của trẻ dựa vào nhiệt độ cơ thể trẻ. Cha mẹ có thể nhận ra trẻ đang bị sốt bằng cách sờ ở bụng hoặc nách của trẻ thấy nóng hoặc cũng có thể nhìn thấy môi và má trẻ đỏ hơn bình thường, mắt trẻ không còn linh hoạt, cử chỉ lừ đừ, trẻ có thể bị lạnh run, tăng tiết mồ hôi.

Để xác định tình trạng sốt hiện tại của trẻ, cha mẹ nên đo thân nhiệt cho trẻ, nếu nhiệt độ của trẻ từ 37,5 - 38,5 độ C là sốt nhẹ; nhiệt độ từ 38,5 - 39 độ C là sốt vừa; nhiệt độ từ 39 - 40 độ C là sốt cao và khi nhiệt độ hơn 40 độ C là sốt rất cao.

Nguyên nhân hàng đầu gây sốt ở trẻ là do nhiễm vi rút, trong đó vi rút gây bệnh sởi, sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, viêm gan, viêm não...

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) trẻ bị sốt kèm theo các triệu chứng như ho, sổ mũi, tiêu chảy thì có thể do bệnh của cơ quan hô hấp hay tiêu hóa. Khi trẻ bị sốt đột ngột và không kèm theo các biểu hiện gì thì phụ huynh cần phải theo dõi. Thường trẻ sốt ở 2 ngày đầu khó biết là do nguyên nhân gì. Chỉ khi qua 48 giờ lo nhất là sốt xuất huyết. Trẻ có các biểu hiện như ói nhiều, đau đầu thì có thể liên quan đến não. Bệnh sốt do vi rút thường 3 - 7 ngày sẽ bớt.

Trong đa số trường hợp sốt có thể được theo dõi và điều trị tại nhà.

Sốt cao thường là triệu chứng của bệnh nhiễm trùng. Co giật xảy ra thường do bệnh nhiễm trùng thần kinh trung ương như viêm màng não, viêm não. Tuy nhiên, thường gặp hơn là sốt cao co giật lành tính. Sốt cao co giật lành tính thường chỉ xảy ra ở những trẻ từ 6 tháng – 5 tuổi, gia đình có anh chị em hoặc bản thân bệnh nhi đó trước đây đã bị sốt cao co giật.

Khi trẻ sốt kéo dài có thể do nhiều bệnh, nhưng nguyên nhân chủ yếu do nhiễm trùng ở một cơ quan nào đó, trong đó có viêm màng não, nhiễm trùng tiểu, thậm chí là bệnh lao. Khó xác định nguyên nhân hơn là những bệnh liên quan đến huyết học, có thể là giai đoạn đầu của ung thư, giai đoạn đầu của bệnh về máu như rối loạn miễn dịch.

Tùy bệnh ở lứa tuổi nào cũng có sốt kéo dài, từ ba tháng tuổi đến người lớn, vì sốt kéo dài không phải là bệnh theo mùa mà do cơ địa, bệnh tiềm ẩn. Những trẻ sốt kéo dài đa số cần nhập viện. Theo đó, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để xác định xem có nhiễm trùng không và lấy nước ở lưng trẻ coi có viêm màng não không. Khi cần phải chụp hình phổi, cấy máu, lấy nước tiểu xem cơ quan nào nhiễm bệnh gây sốt.

Xử trí khi trẻ bị sốt

Dùng thuốc khi trẻ sốt cao từ 39 độ C trở lên, khi trẻ đã có 1 lần co giật do sốt, khi trẻ sốt mà bức rức khó chịu. Dùng tốt nhất là theo cân nặng của trẻ, dùng theo độ tuổi thường không đủ liều và chỉ nhét hậu môn khi không uống được, vì nhét hậu môn khó đúng liều và tác dụng chậm hơn. Thuốc hạ sốt chỉ được sử dụng khi cần thiết và sẽ ngưng khi các triệu chứng không còn.

Hiện có 2 loại thuốc có thể dùng hạ sốt: loại thứ nhất là Paracetamol lấy cân nặng nhân cho 10 - 15mg, liều uống 1 lần, mỗi liều phải cách nhau ít nhất 4 tiếng (trẻ dưới 3 tháng vẫn dùng theo liều cân nặng). Loại thức 2 là Ibuprofen, lấy cân nặng nhân cho 6-10mg là liều uống 1 lần, mỗi liều phải cách nhau 6 tiếng (trẻ dưới 3 tháng không dùng).

Khi trẻ bị sốt, phụ huynh đặt trẻ trong chậu tắm và dùng khăn đắp nước ấm khắp thân trẻ. Trẻ sẽ mát hơn khi nước bốc hơi qua da. Không nên đắp bằng khăn ướt hay tắm bằng nước mát khi trẻ đang sốt. Đắp mát cần được kết hợp với thuốc hạ sốt khi trẻ không dung nạp được thuốc.

Sốt làm tăng nguy cơ mất nước ở trẻ. Để giảm nguy cơ này, cha mẹ nên khuyến khích trẻ uống đủ nước. Trẻ bị sốt có thể không đói và không cần thiết ép trẻ ăn. Tuy nhiên, các loại nước uống như sữa (sữa bò hay sữa mẹ), sữa bột và nước cần phải uống thường xuyên. Trẻ lớn hơn có thể ăn bột, soup hoặc kem lạnh. Nếu trẻ không chịu uống hoặc không uống được, cha mẹ cần tham vấn bác sĩ.

Khi trẻ bị sốt cao kèm với co giật, phụ huynh cần bình tĩnh đặt trẻ nằm nghiêng sang phải để đờm nhớt dễ chảy ra ngoài, không gây tắt đường thở khi bé đang co giật. Phụ huynh tuyệt đối không vắt chanh vào miệng trẻ vì có thể gây tắc nghẽn đường thở, không quấn kín trẻ, không lau mát bằng nước đá hoặc bằng rượu.

Sốt là nguyên nhân gây mệt mỏi và đau nhức. Trong thời gian này, cha mẹ nên khuyến khích trẻ nghỉ ngơi như trẻ mong muốn. Không cần thiết ép trẻ ngủ hoặc nghỉ ngơi nếu trẻ đã cảm thấy khỏe hơn. Trẻ có thể đi học lại hoặc tham gia các hoạt động khác khi thân nhiệt đã trở về bình thường sau 24 giờ.

Phương Thy/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/suc-khoe/cach-nhan-biet-va-xu-tri-dieu-tri-tai-nha-khi-tre-bi-sot-20171015004344265.htm