Cách nhà văn Ngô Tất Tố dạy con

Từ khi các con còn nhỏ, ông đã dạy đọc thuộc 'Truyện Kiều' và ca dao thành ngữ. Khi cuộc sống khó khăn, niềm tin và sự lạc quan là bài học lớn nhất ông dành cho các con.

Bà Ngô Thị Thanh Lịch (con gái của nhà văn) đã chia sẻ về những kỷ niệm xúc động với cha tại Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố.

Tại lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố được tổ chức vào sáng ngày 20/4, bà Ngô Thị Thanh Lịch (con gái của nhà văn) đã chia sẻ về những kỷ niệm xúc động với cha. Ông là một người luôn dạy con cái về sự lạc quan và truyền đi tình yêu văn chương của mình. Nhân dịp này, nhiều nhà văn, nhà thơ và nhà nghiên cứu có mặt để chia sẻ về những đóng góp của Ngô Tất Tố cho nền nghệ thuật Việt Nam.

Những mảng vùng ký ức còn sót lại

Ông Ngô Tất Tố đã dạy các con học thuộc Truyện Kiều và nhiều câu ca dao tục ngữ từ lúc các con còn bé. Bà Lịch khi ấy dù chưa biết chữ nhưng thấy mọi người đọc, bà cũng dần ghi nhớ từng câu một. Cuộc sống yên bình chẳng được bao lâu thì chiến tranh ập đến. Gia đình ông Ngô Tất Tố phải sơ tán lên ấp Cầu Đen (hay còn gọi là Đồi Cháy). Nơi đây hiện thuộc thôn Sậu, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Xung quanh nơi gia đình nhà văn Ngô Tất Tố chỉ toàn rừng núi heo hút. Một vài gia đình dân tộc thiểu số sống cách xa khu vực đó. Lương thực hạn hẹp chỉ ăn cơm với muối. Muốn có nước uống phải đi xuống con suối dưới chân đồi gánh lên, đánh phèn cho sạch rồi mới sử dụng, nấu nướng được.

Bà Lịch kể lại: "Một hôm ông vào bếp đem theo một quả trứng. Chị tôi bảo thầy phải cho nhiều tương để mặn hơn mới ăn được lâu. Một quả trứng mấy người ăn nhưng ngày đó không ai nghĩ vậy lại khổ. Sau này mới thấy thương thầy và mọi người biết bao".

Chân dung nhà văn Ngô Tất Tố.

Cũng vì điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, bệnh sốt rét và tiêu chảy trở thành cơn ác mộng với cả gia đình nhà văn Ngô Tất Tố. Hồi mới lên, sức khỏe còn đảm bảo, ông vẫn cùng nhà văn Nguyên Hồng, Trần Huy Liệu, Nguyễn Huy Tưởng đi công tác. Sau yếu dần, Hội Nhà văn cử một người tên Diễm lên đón ông. Hai người đi bộ với nhau khắp các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội...

Nhưng sức khỏe con người có hạn, ông Ngô Tất Tố yếu dần không ăn được, chỉ uống nước không. Sốt rét kéo dài khiến ông lịm dần đi và rời xa mọi người mãi mãi.

Dẫu cuộc sống bận rộn và đầy khó khăn, ông Ngô Tất Tố luôn dạy các con mình về tinh thần lạc quan và niềm hy vọng ở một tương lai tươi sáng hơn. Khi đi qua một cây cầu để sơ tán, ông Tố có ngâm câu thơ: "Dưới cầu nước chảy trong veo / Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha". Bà Lịch hỏi rằng: "Thưa thầy, tơ liễu là cây gì ạ?". Ông đáp: "Tơ liễu là một loài cây rất đẹp, nhưng nơi đây toàn cây rừng, các con không thấy được". Ngẫm một lúc, ông cười và hứa rằng: "Mai này Hà Nội bình yên, thầy sẽ đưa các con về".

Ngoài giờ làm việc, ông Ngô Tất Tố thường dẫn các con đi chơi quanh đồi. Dù khung cảnh không được rộn ràng như phố thị nhưng khoảnh khắc đó khiến bà Lịch cảm thấy đời sống tinh thần tại ấp Cầu Đen bỗng chốc sống động hơn và tin tưởng vào một ngày nào đó không còn tiếng bom quân thù.

Nhà nho tham dự kỳ thi chữ Hán cuối cùng

Ngô Tất Tố là bậc lão làng từng sắp lều chõng dự kỳ thi chữ Hán cuối cùng. Tác phẩm của Ngô Tất Tố là ranh giới giữa văn hóa phong kiến và hiện đại. Ông từng dịch và giới thiệu những tác phẩm thuộc Nho Giáo, Lão Tử, Mao Tử, Kinh Dịch, Thơ Đường... Tính hiện đại của ông được thể hiện trong những tác phẩm phóng sự độc đáo, phản ánh sâu sắc chân thực bức tranh làng quê, những sự thay đổi của văn hóa phong kiến suy tàn, "bút lông chuyển sang bút sắt".

"Tại hội thảo quốc tế về văn chương Việt Nam giai đoạn 1914-1915 tại đại học Harvard (Mỹ), Giáo sư Phan Cư Đệ đã trình bày về Ngô Tất Tố. Nhà nghiên cứu Boudarel (trường Đại học Paris 7) ca ngợi tinh thần phê phán của Ngô Tất Tố qua tác phẩm Việc Làng. Hội thảo diễn ra rất sôi động và nhiều ý kiến xung quanh nhà văn Ngô Tất Tố", GS Hà Minh Đức chia sẻ tại Lễ kỷ niệm.

Series 3 tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố. Nguồn: VOV.

Với văn chương thì chỉ có một Ngô Tất Tố. Nhưng với báo chí, ông lấy nhiều bút danh như: Thôn Dân, Lộc Hà, Phó Chi, Lục Đình, Tuệ Nhỡ, Đạm Hiên... Ngô Tất Tố là người đến sau trong thời kỳ báo chí Việt Nam diễn ra sôi nổi. Ông được ghi nhận như một nhà báo tâm huyết với nghề. Ông phê phán gay gắt chế độ thuộc địa. Chủ đề mà ngòi bút Ngô Tất Tố hướng đến còn là làng quê với nỗi khổ cực của dân nghèo, sự đè nén của cường hào ác bá.

Còn theo góc nhìn của nhà thơ Vũ Quần Phương, Ngô Tất Tố là một cây bút giao thời, ông giữ được những nét đẹp trong Nho Giáo nhưng cũng tiếp thu các giá trị mới từ lớp người Tây học. Các tác phẩm của Ngô Tất Tố cho đến nay đã được tái bản nhiều lần và luôn được các công ty sách, nhà xuất bản làm mới lại về hình thức trình bày.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-van-ngo-tat-to-day-con-nhu-nao-post1423829.html