Cách nào tránh bệnh truyền nhiễm có thể tử vong sau 24 giờ khởi phát?

Bệnh khó chẩn đoán sớm, diễn biến rất nhanh, có thể gây tử vong chỉ 24 giờ sau khi khởi phát, thậm chí có thể gây thành dịch vì lây qua hô hấp. Mới đây, Hà Nội đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm màng não do não mô cầu năm 2017. Cách nào để phát hiện sớm và phòng bệnh?

Tiêm vaccine phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu. Ảnh: Chí Cường

Sốt cao tưởng sốt xuất huyết...

Giữa tháng 8/2017, chị Nguyễn Thị Q (18 tuổi, trọ ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị sốt cao. Hai ngày liền không hạ sốt, lại đang trong “tâm dịch” sốt xuất huyết, chị Q cho rằng mình mắc bệnh này nên đi khám ở viện gần nhà, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2, Đông Anh, Hà Nội).

Chị Q cho biết, hai ngày trước khi vào viện, cùng với việc bị sốt, chị còn thấy ý thức lơ mơ, nôn, đau đầu. Khi tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chị Q đã trong tình trạng cổ cứng, ban xuất huyết hoại tử vùng ngực, bụng, đùi. Chị được bác sĩ chỉ định chọc dịch não tủy xét nghiệm. Kết quả chẩn đoán, chị Q bị nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do não mô cầu. Ngay lập tức, chị được cách ly để điều trị. Bệnh viện cũng thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Nội thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch viêm não mô cầu tại nơi bệnh nhân cư trú. Do được phát hiện sớm, diễn tiến không quá nặng nên sau 4 ngày điều trị, chị Q đã có thể ra viện.

Chị Q là bệnh nhân viêm màng não do não mô cầu đầu tiên ở Hà Nội trong năm 2017. Năm ngoái, ca đầu tiên mắc bệnh ở Hà Nội được phát hiện vào tháng 3. Vào cuối năm, một ổ dịch viêm màng não do não mô cầu cũng được phát hiện ở Trung tâm Nhật Ngữ (Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội). Ở Hải Dương, đầu năm 2016 cũng ghi nhận trường hợp tử vong vì bệnh viêm màng não do não mô cầu. Đó là một nữ sinh lớp 12, tử vong chỉ sau 2 ngày sốt nhẹ, đau đầu.

TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh viêm màng não do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính xảy ra đột ngột, diễn tiến rất nhanh. Không như bệnh viêm màng não do virus, bệnh này có thể lấy đi sinh mạng của trẻ nhỏ đang khỏe mạnh chỉ trong vòng 24 giờ sau những triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Ngày nay, nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong từ 5% - 15%. Ở thể tối cấp, tỷ lệ tử vong của bệnh lên đến 60 - 70%; thể viêm màng não mủ 30 - 40% nếu việc điều trị không kịp thời. Theo số liệu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đây là bệnh xếp thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ chết cao nhất (0,03/100.000 dân). Bệnh cũng thường để lại di chứng nặng nề.

Trong cộng đồng, tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng 5-25%. TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Nội cho biết, bệnh lây truyền qua đường hô hấp, khi tiếp xúc thông thường người với người sẽ lây truyền qua nước bọt, dịch tiết đường hô hấp, ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây truyền gián tiếp qua tiếp xúc với đồ vật, dụng cụ, bị nhiễm vi khuẩn nhưng ít gặp hơn. Vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ thể sẽ gây viêm họng. Với những người cơ địa yếu, vi khuẩn tiếp tục lan vào máu đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Trường hợp diễn tiến cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.

Cách nào “nhận dạng” bệnh nhanh nhất?

Bệnh viêm màng não do não mô cầu xuất hiện rải rác quanh năm. Ai cũng có thể mắc bệnh, kể cả người rất khỏe mạnh. Nhưng nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ và cũng ở nhóm tuổi này có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất. Tại Hà Nội, năm 2016, đa số các ca bệnh mắc viêm màng não do não mô cầu đều ở lứa tuổi thanh niên.

Dù là bệnh nguy hiểm, có diễn tiến rất nhanh và tỷ lệ tử vong cao, nhưng viêm màng não do não mô cầu khó phát hiện, nhất là trong giai đoạn sớm bởi triệu chứng của bệnh giống như những triệu chứng viêm màng não siêu vi thông thường khác.

Các chuyên gia về y tế dự phòng cho biết, khi nhiễm vi khuẩn não mô cầu, thời gian ủ bệnh 2-10 ngày, thường 3-4 ngày. Bệnh nhân có các biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn... Biểu hiện này tương tự viêm não, màng não do virus thông thường khác. Bệnh cũng có ban hoại tử trên da nên dễ nhầm với bệnh liên cầu khuẩn. Ngoài ra, bệnh còn khó phát hiện sớm vì biểu hiện ban đầu như viêm họng thông thường nhưng diễn biến cấp tính.

Tại Hà Nội, hiện dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp. Vậy làm thế nào để nhận dạng hai bệnh này? PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân viêm màng não do não mô cầu có thể sốt cao đột ngột (39-40oC) giống như triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết. Tuy nhiên, viêm màng não do não mô cầu có xuất hiện chấm xuất huyết hoại tử hình sao rất đặc trưng do hoại tử nội mạch dưới da. Ban xuất hiện sớm khoảng từ 5-15 giờ hoặc muộn hơn. Ban có thể xuất hiện toàn thân và thường ở các đầu ngón chân, tay, vành tai, cánh mũi. Kích thước của mỗi ban không đồng đều từ 1-2mm, có thể to hơn, bờ nham nhở không tròn, có xu hướng lan rộng ra và chập lại với nhau. Đặc biệt các nốt ban to và ở trung tâm có nốt đen, sau đó tạo thành nốt phỏng rồi hóa thành mủ.

Bên cạnh đó, người bệnh còn có các hội chứng màng não (đau đầu, cổ cứng…), trong khi người bệnh sốt xuất huyết chỉ mệt mỏi, lờ đờ. Bệnh nhân viêm màng não do não mô cầu cũng có thể bị sốc ngay từ ngày đầu phát bệnh, trong khi với bệnh sốt xuất huyết thường diễn biến nặng từ ngày thứ 3 trở đi. Ngay khi có các triệu chứng trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Để tăng cường phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

- Bệnh do vi khuẩn gây nên, việc đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nguồn lây cũng có hiệu quả phòng bệnh.

- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

- Đặc biệt, người dân cần chủ động tiêm vaccine để phòng bệnh. Vaccine này được tiêm ở các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Võ Thu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/y-te/cach-nao-tranh-benh-truyen-nhiem-co-the-tu-vong-sau-24-gio-khoi-phat-20170907083851186.htm