Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng thế nào tới ngành tài chính?

Tại Hội thảo CMCN 4.0 và ngành tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa ngành tài chính phải hướng đến nền tài chính công khai, minh bạch, bền vững.

Ngày 12/10, phát biểu tại Hội thảo Cách mạng công nghiệp 4.0 và ngành tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa ngành tài chính phải hướng đến nền tài chính công khai, minh bạch, bền vững; quản lý, phát triển và cung cấp các sản phẩm tài chính công hiện đại phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Hội thảo cách mạng công nghiệp 4.0 và ngành tài chính. Ảnh: Đức Minh

Hội thảo cách mạng công nghiệp 4.0 và ngành tài chính. Ảnh: Đức Minh

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, ngành tài chính cần xây dựng thành công nền tài chính điện tử vào năm 2020, từng bước thiết lập nền tài chính mở vào năm 2025. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu chuyển đổi sang nền tài chính số đầy đủ vào năm 2030. Các nghiệp vụ tài chính với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến phấn đấu đạt tiêu chuẩn quốc tế và đạt mức độ hiện đại hóa lĩnh vực tài chính Chính phủ thuộc nhóm đầu các nước khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính là kho dữ liệu mở, kho thông tin tri thức trong nền kinh tế tri thức; đến năm 2025, 100% các lĩnh vực tài chính có cơ sở dữ liệu mở, với các công cụ phân tích, khai thác dữ liệu thông minh, phục vụ toàn diện nhu cầu thông tin của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho biết ngành tài chính cần thiết lập thành công nền tảng công nghệ mới (điện toán đám mây, IoT, Big) để hỗ trợ tối đa cho việc phát triển các sản phẩm tài chính định hướng dịch vụ, tạo thành một hệ sinh thái tài chính số sẵn sàng cho việc nhanh chóng ban hành các dịch vụ tài chính thông minh, sáng tạo.
Thứ trưởng cho biết, đến nay công nghệ thông tin đã được ứng dụng sâu, rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành mạch máu không thể thiếu trong các hoạt động nghiệp vụ chủ chốt như: Quản lý điều hành ngân sách nhà nước; quản lý thu - chi ngân sách nhà nước; thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu chính phủ; quản lý trong lĩnh vực thuế, hải quan; triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; quản lý nợ công; quản lý giá, quản lý tài sản công; quản lý dự trữ nhà nước....; cùng các nhiệm vụ quản lý nội ngành.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng sự dịch chuyển tất yếu từ số hóa đơn giản (cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3) sang sự sáng tạo dựa trên sự kết hợp giữa các công nghệ (cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) đang đặt mỗi ngành trước yêu cầu phải từng bước hoàn thiện để thích nghi. Đối với lĩnh vực tài chính, để sẵn sàng và chủ động trong cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính then chốt, đột phá.
Theo ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và thống kê tài chính thì thời gian tới Bộ Tài chính cần tiếp tục đẩy mạnh và xây dựng thành công tài chính điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu tài chính mở, ứng dụng các công cụ phân tích dữ liệu.
Trước tiên, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2020); nghiên cứu triển khai công nghệ phân tích dữ liệu lớn và phân tích đa chiều trên cơ sở dữ liệu về tài chính, từng bước xây dựng chính sách mở về dữ liệu, các quy định về bảo mật và tính riêng tư.
Nêu rõ hơn những nhiệm vụ cụ thể mà ngành tài chính cần thực hiện, ông Đặng Đức Mai cho rằng cần thuê tư vấn tổ chức đánh giá mô hình trưởng thành Chính phủ số DMM; thiết kế mô hình cơ sở dữ liệu quốc gia tài chính và kiến trúc chính phủ điện tử; tiếp tục xây dựng và cung cấp các dịch vụ công điện tử của ngành tài chính tối thiểu mức độ 3, cho phép khai dịch vụ mọi lúc mọi nơi (di động).
Ngoài ra, tiếp tục tăng cường đảm bảo an toàn thông tin ngành tài chính; nghiên cứu ban hành chính sách liên quan đến tài chính điện tử, tài chính mở và tài chính số./.

Thùy Dương/Bnews/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/anh-huong-cach-mang-cong-nghiep-4-0-toi-nganh-tai-chinh/61591.html