Cách đơn giản để giảm muối trên bàn ăn

Không rót mắm, tương, đồ chấm để sẵn trên bàn; hoặc nêm nếm ít khi chế biến thức ăn là những mẹo đơn giản nhằm giảm lượng tiêu thụ muối vào cơ thể.

LỜI TÒA SOẠN

Hầu hết bữa ăn của người Việt đều đang thừa muối, lượng muối tiêu thụ của mỗi người đang gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Đây là nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch.

Giảm muối đã được đưa vào các chiến lược, chính sách của Việt Nam như: Chiến lược Quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025, đề ra chỉ tiêu giảm 30% lượng muối tiêu thụ/người/ngày vào năm 2025; Chương trình Sức khỏe Việt Nam; Kế hoạch quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2018-2025.

Với mục tiêu vì một Việt Nam khỏe mạnh, bắt đầu bằng thay đổi thói quen nhỏ nhất trên bàn ăn của mỗi gia đình, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả tuyến bài Người Việt ăn mặn, rước bệnh tật.

Bài 1: Lựa chọn ăn nhạt hay ăn ngon?

Bài 2: Bệnh nhân suy tim gây choáng vì 3 ngày hết một chai nước mắm

Trách nhiệm trong bữa ăn gia đình

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Kim Chi, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM, với người trưởng thành, để thay đổi khẩu vị và thói quen ăn mặn không dễ dàng. Rất nhiều người từ chối ăn nhạt dù biết rõ cần thiết cho sức khỏe.

Bác sĩ Chi cho rằng cần có những thay đổi nhỏ và từng bước một. Người đầu bếp của gia đình nên đọc nhãn trước khi chọn thực phẩm chế biến sẵn để xác định hàm lượng muối, nên mua thực phẩm tươi sống và không có chất bảo quản, chọn tự nấu ăn tại nhà thay vì đi hàng quán.

Ngoài ra, khi chế biến có thể nêm các gia vị khác để thay thế hoặc giảm lượng muối, như tiêu, ớt, gừng, nghệ, riềng, sả, hành, ngò, rau mùi, tỏi, mù tạt… tạo hương vị cho món ăn. Thay các món rim, kho bằng các món hấp và luộc

Một mẹo nhỏ nhưng rất hữu dụng là không để lọ đựng muối, chén nước chấm sẵn ở trên bàn ăn để ngăn việc chấm thêm vì... quen tay. Ngoài ra, các gia đình cần hạn chế tiêu thụ đồ chua, đồ muối, khô cá... Nếu dùng phải rửa, ngâm, vắt xả trước khi ăn để loại bớt muối.

Thói quen chấm thêm gia vị khiến người Việt tiêu thụ muối cao hơn khuyến cáo. Ảnh: GL.

Cũng theo bác sĩ Chi, phụ huynh cần hình thành thói quen ăn giảm muối cho trẻ nhỏ. Thực tế, vị giác của trẻ nhỏ rất nhạy, nếu được cho ăn chế độ nhiều muối từ nhỏ sẽ khiến trẻ hình thành thói quen thích ăn mặn.

Do đó, khi nấu ăn cho trẻ, cần cố gắng giữ nguyên hương vị có sẵn bởi đa số thực phẩm tươi sống đều đã có hàm lượng muối nhất định. Nếu nêm nếm, cần nêm nhạt hơn so với cảm nhận của người lớn. Chủ động nấu ăn tại nhà để dễ kiểm soát lượng muối nêm trong khẩu phần của trẻ.

Khi nấu cháo và súp, có thể cho một lượng phô mai phù hợp để giúp món ăn thơm ngon, tăng lượng chất béo mà không quá mặn.

Nhà sản xuất thực phẩm có trách nhiệm gì?

Không chỉ giảm muối từ mỗi gia đình, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các cơ sở dịch vụ ăn uống cũng có trách nhiệm góp phần thực hiện can thiệp giảm muối trong khẩu phần ăn của người dân.

Mục tiêu này đã được đặt ra trong Kế hoạch quốc gia Truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2018-2025.

Cụ thể, các chỉ tiêu cần thực hiện để đạt mục tiêu trên gồm:

- Trên 30% các cơ sở kinh doanh, cung cấp dịch vụ ăn uống thực hiện ít nhất một biện pháp giảm muối trong nấu ăn, chế biến và cung cấp thực phẩm.

- Trên 30% số cơ sở sản xuất thực phẩm bao gói sẵn có ít nhất 1 sản phẩm được giảm muối và dán nhãn sản phẩm có công bố hàm lượng muối, chỉ báo thực phẩm có nhiều muối và cảnh báo sức khỏe của ăn nhiều muối.

Ngoài ra, Bộ Y tế đề xuất chậm nhất đến ngày 1/1/2025, các sản phẩm sản xuất theo phương pháp thủ công phải ghi nhãn dinh dưỡng theo dự thảo thông tư hướng dẫn về ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm.

Theo đó, quy định nội dung ghi thành phần dinh dưỡng gồm 7 chỉ tiêu: năng lượng (energy); chất đạm (protein); carbohydrate (chất bột đường); total sugar (đường tổng số/tổng đường); chất béo (fat); chất béo bão hòa (saturated Fat); natri (sodium).

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm lưu thông tại Việt Nam; cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm.

Quy định về hàm lượng muối như sau: Ít muối: 0,12g/100g; rất ít muối: 0,04g/100g; không có muối: 0,005g/100g.

Tuân thủ chế độ ăn giảm muối rất quan trọng với bệnh nhân tim mạch. Ảnh: GL.

Trăn trở với suất ăn bệnh lý

Tiến sĩ, bác sĩ Lưu Ngân Tâm, Chủ tịch Liên chi hội dinh dưỡng lâm sàng TP.HCM, cho hay nếu thói quen ăn mặn vẫn âm thầm diễn ra kéo dài sẽ dẫn đến một cộng đồng không khỏe mạnh với tỷ lệ tăng huyết áp, bệnh lý thận mạn, tim mạch... tăng cao.

Nếu việc thay đổi và thích ứng của cộng đồng về bữa ăn giảm muối khó khăn thì bữa ăn trong bệnh viện cũng không dễ dàng.

Bác sĩ Tâm dẫn chứng ngay tại Bệnh viện Chợ Rẫy, người bệnh thường có mức độ nặng và rất nặng, ít khi có một bệnh đơn thuần mà thường kèm theo các bệnh lý khác nhau. Do đó, bệnh nhân phải ăn theo chế độ điều trị, gọi là suất ăn bệnh lý.

Suất ăn này do Khoa Dinh dưỡng tính toán và xây dựng theo từng cá thể. Mỗi suất ăn được cân đong đo đếm về năng lượng, đạm, béo, đường, hàm lượng natri, kali… để phù hợp với người bệnh. Từ đó, giúp việc điều trị hiệu quả hơn, hạn chế biến chứng do chế độ ăn, nhanh phục hồi, tiết kiệm chi phí nằm viện.

"Dinh dưỡng là điều trị", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Bác sĩ Tâm cho hay dù có những yêu cầu khắt khe nhưng giá tiền 3 suất cơm/ngày cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy là 58.000 đồng, nghĩa là chưa đến 20.000 đồng/suất. Khảo sát trước cổng bệnh viện, một phần cơm hộp có giá thấp nhất là 35.000 đồng.

"Người bệnh phải tự chi trả cho suất ăn bệnh lý là một hạn chế. Tuy nhiên, trên vai Bệnh viện Chợ Rẫy là người bệnh nghèo và khó khăn nên tiên quyết vẫn phải đảm bảo dinh dưỡng điều trị. Giá mỗi suất cơm được đối chiếu với mức thu nhập của công nhân, mức lương cơ sở, giá thực phẩm ngoài thị trường... sao cho người bệnh đủ sức gánh vác", bác sĩ này trăn trở.

Chị cũng cho biết ở Nhật Bản hay các nước tiên tiến, với quan điểm xem dinh dưỡng là điều trị nên suất ăn bệnh lý được bảo hiểm y tế thanh toán.

Băn khoăn về hàm lượng muối trong gia vị và bữa ăn

Trưởng khoa Dinh dưỡng của một bệnh viện lớn tại TP.HCM cho biết đã thực hiện đo hàm lượng muối trong gia vị đang sử dụng tại bếp ăn bệnh viện.

“Chúng tôi đã lấy mẫu hạt nêm, bột canh, tương đen, tương ớt, nước mắm, nước tương… đi xét nghiệm định lượng sodium. Tất cả những số liệu ở trung tâm đo lường cho thấy hàm lượng sodium cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với con số tự công bố. Thậm chí, có mẫu hạt nêm và tương ớt còn gấp 4 lần, cực kỳ mặn", người này nói.

Theo bác sĩ, việc chênh lệch số liệu về hàm lượng sodium sẽ ảnh hưởng đến suất ăn và sức khỏe người bệnh, nhất là với bệnh nhân suy tim, tiểu đường, cao huyết áp, suy thận...

Bác sĩ này cho biết đã cùng đồng nghiệp mua các phần ăn bên ngoài như bún đậu, bún bò.... để thực hiện đo lường độc lập. Từ đó, định lượng calo, sodium... trong các suất ăn ngoài thị trường để xây dựng tài liệu tham khảo.

"Chúng tôi sẽ sớm công bố tài liệu này", bác sĩ nói.

Linh Giao

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cach-de-giam-muoi-thay-doi-thoi-quen-an-man-tren-ban-an-2181744.html