Cách doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008

Ban lãnh đạo được chỉ thị rằng họ không những phải lưu ý đến nhân viên có biểu hiện xuất sắc mà còn phải tìm kiếm những người có đóng góp cơ bản.

Vào giữa giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tổng giám đốc công ty WD- 40 Garry Ridge bắt đầu lo sợ rằng phải chăng mình đã mắc bệnh gì đó.“Mỗi lần dạo quanh công ty, tôi cứ bị mọi người hỏi rằng: ‘Ông thế nào rồi Garry?’. Hỏi suốt luôn ấy. Một đêm nọ nằm trong phòng khách sạn, tôi trằn trọc tự hỏi: ‘Không lẽ có tin đồn mình bị bệnh sao?’”

Thế rồi khoảnh khắc à há lóe lên trong đầu vị giám đốc người Australia.“Tôi bỗng nghiệm ra: họ không hỏi tôi thế nào rồi; họ muốn hỏi chúng ta thế nào rồi. Họ muốn xác nhận rằng công ty vẫn ổn định”.

Vào giai đoạn đó, nỗi sợ gần như bao trùm mọi nơi làm việc. Ridge kể: “ Tôi quyết định: đừng lãng phí một cuộc khủng hoảng tốt. Người của chúng tôi đi đến đâu cũng nghe toàn tin xấu; nhưng khi đến chỗ làm, họ sẽ được nghe thấy hy vọng”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay/Pexels.

Một nhiệm vụ không đơn giản, xét đến tình trạng kinh tế lúc bấy giờ, nhưng Ridge đã vượt qua thách thức bằng cách trò chuyện với nhân viên hằng ngày. Ông đặt ra chính sách “Không nói dối, không giả vờ, không giấu giếm”. Ông nói rằng công ty này sẽ không sa thải bất kỳ một người nào, không từ bỏ bất kỳ khoản phúc lợi nào, và thậm chí sẽ tăng cường đầu tư đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn suy thoái.

Chưa hết, Ridge còn hướng dẫn các giám đốc phương pháp lãnh đạo bằng lòng biết ơn, cho họ thấy được lợi ích của việc thường xuyên thể hiện lòng biết ơn chân thành với “ bộ tộc” của mình.

Sau khi tuyên bố rằng lãnh đạo bằng lòng biết ơn là điều mà ông đề cao và đòi hỏi ở mọi người, tập thể ban lãnh đạo của Ridge đã ra sức tận dụng mọi cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn với nhân viên vì đã đáp ứng được giá trị cốt lõi.

Một người quản lý có thể công khai cảm ơn Mark vì đã “xuất sắc” giới thiệu cho khách hàng vô số công dụng của sản phẩm mới. Một quản lý khác thì tuyên dương Lisa vì đã giúp đỡ đồng đội vượt qua thách thức, thể hiện rõ giá trị “tập thể cùng thành công”.

Các quản lý này bắt đầu sáng tạo ra nhiều phương pháp để nhân viên hiểu được cách thức đóng góp cho công ty. Giám đốc chuỗi cung ứng làm một bài thuyết trình để nhân viên của mình thấy rõ được cách họ đóng góp vào việc “duy trì nền kinh tế doanh nghiệp”, một giá trị cốt lõi khác của công ty.

Ban lãnh đạo được chỉ thị rằng họ không những phải lưu ý đến những nhân viên có biểu hiện xuất sắc mà còn phải tìm kiếm những người có đóng góp cơ bản.

Kết quả: năm 2010, công ty đưa ra báo cáo tài chính tốt nhất trong suốt lịch sử 57 năm của mình. Nhưng thành công vẫn chưa dừng ở đó. Trong 10 năm kế tiếp, vốn hóa thị trường của công ty đã tăng gần 300%, và tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm của tổng lợi tức cổ đông là 15% (tương đương với giảm đi hàng triệu bản lề cửa cọt kẹt và tăng lên hàng triệu cô cậu tuổi teen vui vẻ lẻn vào nhà sau giờ giới nghiêm!). Mức độ gắn kết của nhân viên cũng tăng trưởng vượt bậc, với 99% thành viên bộ tộc nói rằng họ rất thích được làm việc ở công ty.

Tất cả những điều đó đã biến WD-40 thành một tổ chức ưu tú hàng đầu.

Adrian Gostick, Chester Elton/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/cach-doanh-nghiep-vuot-qua-khung-hoang-kinh-te-toan-cau-2008-post1474921.html