Cách để doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu do mình tạo ra

Sử dụng nhãn hiệu không có căn cứ pháp lý, không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu thì khả năng bị pháp luật xử lý là không tránh khỏi.

14 năm trước, bà Trần Thị Hiệp thành lập Công ty TNHH Sản xuất bánh kẹo Thanh Lan và thuê ông Mỹ làm kẹo thành phẩm, trong đó có kẹo Sìu Châu (hay còn gọi là kẹo lạc). Tuy nhiên, bà Hiệp chưa xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu này.

Sau đó, ông Mỹ tách ra làm riêng. Năm 2015, ông được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Toàn Mỹ Kẹo Sìu Châu và hình” tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN).

Bị xử hình sự vì xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của người khác

Đến năm 2020, bà Hiệp thành lập Công ty TNHH Sản xuất bánh kẹo Toàn Mỹ và sản xuất sản phẩm kẹo lạc gắn dấu hiệu “Toàn Mỹ và hình”. Ông Mỹ đã cảnh báo nhưng công ty của bà Hiệp vẫn sản xuất và mang sản phẩm đi chào hàng.

Phiên tòa xử vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại TAND quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội ngày 22-6. Ảnh: BÙI TRANG

Hậu quả của việc sản xuất và bán hàng này là bà Hiệp phải lãnh 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, phải bồi thường hơn 356 triệu đồng. Tòa kết luận sản phẩm kẹo lạc gắn dấu hiệu “Toàn Mỹ và hình” là hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ.

Trong vụ án này, ông Mỹ đã đăng ký nhiều nhãn hiệu và được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nên căn cứ theo luật, ông là chủ của nhãn hiệu này.

Xét về lý, hành vi sử dụng nhãn hiệu của người khác có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý theo Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009, 2019, 2022) và Điều 226 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Bà Hiệp có hành vi sử dụng nhãn hiệu của người khác để kinh doanh là hành vi vi phạm pháp luật. Khi đưa ra xét xử, tòa án đã căn cứ vào các chứng cứ, giấy tờ có giá trị pháp lý để xét xử là đúng theo quy định pháp luật.

Việc xác lập quyền sở hữu còn tránh được việc bị làm nhái nhãn hiệu, gây ảnh hưởng đến thương hiệu và khách hàng.

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Tuy nhiên, xét về mặt tình, trong một số trường hợp, chúng ta lại tâm tư rằng “mình là người tạo ra nhãn hiệu nhưng bị người khác đăng ký quyền sở hữu trước; nay mình sử dụng lại hình ảnh, bao bì của nhãn hiệu của mình để kinh doanh mà sao bị xử lý”?

TS NGUYỄN THÁI CƯỜNG

Sở dĩ hành vi này là vi phạm pháp luật vì người sử dụng nhãn hiệu không có căn cứ pháp lý hay giấy tờ chứng minh mình là chủ sở hữu, cho dù có thể anh là người có ý tưởng sáng tạo, có thể đã cho ra lò sản phẩm. Nếu vì ấm ức mà sử dụng lại hình ảnh, bao bì, thương hiệu “của mình” nhưng “người ta đã đăng ký rồi” thì khả năng bị pháp luật xử lý là không tránh khỏi.

Trong khi đó, luật yêu cầu các doanh nghiệp tự bảo vệ nhãn hiệu của mình bằng cách xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Vậy đâu là cách để doanh nghiệp có thể làm để bảo vệ thương hiệu và bảo vệ nhãn hiệu do mình tạo ra?

Đầu tiên, trước khi kinh doanh, doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định pháp luật liên quan; phải đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu. Việc xác lập quyền sở hữu còn tránh được việc bị làm nhái nhãn hiệu, gây ảnh hưởng đến khách hàng. Đã có nhiều vụ vì không đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp mà mất đi nhãn hiệu.

Cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Như vậy, luật cũng tạo điều kiện để cá nhân, hộ kinh doanh kịp thời ngăn chặn và bảo vệ nhãn hiệu do chính mình tạo ra.

Ngoài ra, khi doanh nghiệp phát hiện bị xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu thì cần thu thập chứng cứ, gửi giám định để làm căn cứ; sau đó khởi kiện hoặc yêu cầu xử lý hành chính, hình sự đối với người vi phạm.

Những vụ tranh chấp về nhãn hiệu

• Đầu tháng 2-2023, một quán phở mở tại TP Thủ Đức (TP.HCM) với tên “Phở Thìn” và giới thiệu là truyền nhân của Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Thìn (chủ quán Phở Thìn 13 Lò Đúc) khẳng định không nhượng quyền kinh doanh, không có truyền nhân hay sở hữu công ty nào.

Theo công bố chính thức của Thư viện số về sở hữu công nghiệp của Việt Nam thì tính đến ngày 26-2-2023, tên gọi “Phở Thìn” xuất hiện trong 13 đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Tuy nhiên, thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc chưa được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận cấp văn bằng bảo hộ cho ai trong 13 đơn trên. Do văn bằng bảo hộ nhãn hiệu này đã được cấp cho một quán phở trên phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

• Hơn 10 năm trước có tranh chấp nhãn hiệu giữa Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại cơ điện và điện tử Hán Sinh với Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại cơ điện và điện tử Hàn Sinh trong việc sở hữu những nhãn hiệu ổn áp, điện tử Hanshin hay Hansinco. Công ty Hán Sinh đã có văn bản đề nghị Sở KH&ĐT TP.HCM đổi tên Công ty Hàn Sinh, bởi hai cái tên chỉ khác nhau ở dấu sắc, dấu huyền, khi dịch sang tiếng Anh sẽ tạo nên sự nhầm lẫn (trong giấy phép là Hanshin Co.ltd và Hansin Co.ltd).

Tuy nhiên, nhãn hiệu của Công ty Hàn Sinh đã được đăng ký bảo hộ. Người đại diện Công ty Hàn Sinh từng giữ chức phó giám đốc kinh doanh tại Công ty Hán Sinh. Đến năm 2008, ông ra riêng và đặt tên công ty là Hàn Sinh. Doanh nghiệp này cũng sản xuất và kinh doanh các thiết bị điện, ổn áp... như Hán Sinh, với nhãn hiệu được bảo hộ là HANSINCO và HASICO…

TS NGUYỄN THÁI CƯỜNG, Trường ĐH Luật TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/cach-de-doanh-nghiep-bao-ve-thuong-hieu-do-minh-tao-ra-post739241.html