Cách cứu sự nghiệp đang tuột dốc của ca sĩ Hàn Quốc

Trong ngành công nghiệp đầy biến động và sự nghiệp chỉ tồn tại thời gian ngắn như Kpop, các thần tượng đang tìm kiếm con đường mới thông qua nhạc kịch.

Trong vài năm trở lại đây, các thần tượng Kpop mở rộng cơ hội thông qua các sân khấu nhạc kịch. Họ dần bước vào nơi từng được coi là vương quốc tinh hoa chỉ dành cho những người được đào tạo bài bản.

Ca sĩ thần tượng lấn sân nhạc kịch

Người mới nhất xuất hiện trên sân khấu nhạc kịch là Solar - thành viên nhóm nhạc Mamamoo. Nữ ca sĩ lần đầu thử sức với lĩnh vực này thông qua vở kịch Mata Hari vào tháng 5. Dàn diễn viên gồm nhiều ca sĩ thần tượng khác như Chang Sub của nhóm nhạc nam BTOB và Lee Hong Ki - thành viên ban nhạc FT Island. Lee Hong Ki vào vai nam chính Armand.

Bất chấp những nghi ngờ về năng lực, Solar đã chứng tỏ bản thân với vở kịch có nội dung bí ẩn như Mata Hari. Vở kịch xoay quanh những nữ điệp viên khét tiếng nhất thế giới. Nhiều khán giả khen ngợi khả năng và diễn xuất tự nhiên của Solar. Vốn là ca sĩ chính của nhóm nhạc Mamamoo nên giọng hát là điều không đáng ngại với Solar khi lấn sân nhạc kịch.

“Chúng tôi sẵn sàng tuyển chọn thần tượng trong các vở kịch. Khi Seo Hyun của SNSD tham gia vở kịch Mamma Mia với vai Sophie vào năm 2016, cô ấy cống hiến cho vai diễn và mang đến màn trình diễn đáng kinh ngạc", một quan chức tại Seensee - công ty sản xuất vở nhạc kịch Mamma Mia - nói với The Korea Herald.

Theo The Korea Herald, khả năng biểu diễn không phải điều đáng lo ngại khi các ca sĩ thần tượng lấn sân nhạc kịch. Lý do là họ đã phải trải qua nhiều buổi tuyển chọn nghiêm ngặt trước khi được giao vai diễn.

Solar đảm nhận vai chính trong vở kịch Mata Hari. Ảnh: Korea Herald.

Tiffany Young - thành viên nhóm SNSD - được giao vai Roxie Park trong vở kịch Chicago sau khi vượt qua buổi casting diễn ra năm 2020. Đây cũng là lần đầu tiên công ty Seensee tổ chức các buổi casting công khai. Trước đó, họ thường chọn lựa diễn viên thông qua những buổi tuyển chọn nội bộ.

“Một số thần tượng thường ngại đến các buổi casting vì họ xấu hổ trong trường hợp không được chọn. Tuy nhiên, Tiffany hiểu rõ nhân vật và có đầy đủ kỷ năng để thể hiện tốt vai diễn. Khi tham gia casting, cô ấy không được đối xử đặc biệt dù là thành viên của một nhóm nhạc nổi tiếng”, đại diện của công ty Seensee chia sẻ.

Đặc biệt, các công ty sản xuất thường cố gắng tận dụng sự nổi tiếng của thần tượng nhằm tăng doanh thu bán vé.

“Một trong những điều tuyệt vời khi làm việc với thần tượng như Tiffany là sự chú ý từ người hâm mộ với quá trình sản xuất. Cô ấy có lượng fan lớn và số lượt xem các video quảng bá của chúng tôi chứng minh điều đó. Trong thế giới của nhạc kịch, thật khó để có hàng triệu người biết về tác phẩm của bạn. Đó là điều các diễn viên nhạc kịch khó làm được, nhưng Tiffany có thể”, đại diện công ty sản xuất nói thêm.

Mỗi buổi diễn của Chicago đều cháy vé. Năm đó, lượng khách nam tới xem các vở diễn của công ty Seensee cũng tăng mạnh. Tiffany không phải nghệ sĩ Kpop đầu tiên thành công trên sân khấu nhạc kịch.

Bada - người ra mắt với tư cách giọng ca chính trong nhóm nhạc nữ SES vào năm 1997 - là thần tượng đầu tiên chuyển sang sân khấu nhạc kịch. Cô tham gia vở diễn The Peppermint năm 2003.

Ock Joo Hyun, thành viên của nhóm nhạc Kpop thế hệ thứ nhất Fin.KL, gia nhập lĩnh vực này vào năm 2005. Cô đảm nhận vai chính trong vở Aida. Ba năm sau, cô đóng vai Roxie trong Chicago và giành giải nữ diễn viên chính xuất sắc tại The Musical Awards. Các vở diễn Ock Joo Hyun tham gia, chẳng hạn Rebecca, rất thành công. Hiện tại, Ock Joo Hyun được coi là một trong những ngôi sao có khả năng bán vé tốt nhất tại các rạp hát Hàn Quốc.

Hướng đi lợi cả đôi bên

Xuất hiện trong các sân khấu nhạc kịch có thể là cơ hội vàng cho những thần tượng Kpop. Họ xuất thân từ ngành công nghiệp cạnh tranh khốc liệt và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Tuổi thọ của giới thần tượng rất ngắn ngủi và sân khấu nhạc kịch đang mở ra hy vọng mới cho họ sau khi đi qua thời hoàng kim.

“Khi các thần tượng cảm thấy sự nghiệp của họ có nguy cơ kết thúc, họ có thể bắt đầu suy nghĩ về con đường mới. Sân khấu nhạc kịch là lựa chọn tiềm năng sinh lợi cho họ. Với các công ty sản xuất, đây cũng là con đường lợi cả đôi bên. Thần tượng có thể bắt đầu sự nghiệp mới và thu hút người hâm mộ đến rạp. Từ đó, họ kiếm được nhiều tiền hơn”, Lee Hye Jin, giáo sư truyền thông tại Đại học Nam California, cho biết.

Các ca sĩ thần tượng đã chứng tỏ họ là một mối đe dọa với diễn viên nhạc kịch. Họ có khả năng ca hát, diễn xuất và vũ đạo. Bởi vậy, số lượng nghệ sĩ Kpop xuất hiện trên sân khấu ngày càng tăng. Họ thậm chí giành được giải thưởng với lĩnh vực này.

Năm 2010, Junsu của JYJ ra mắt với tư cách nhân vật chính trong vở kịch Mozart!. Cùng năm, nam ca sĩ mang về giải tân binh tại Korean Musical Awards lần thứ 16. Giải thưởng này chứng tỏ ngoài khả năng bán vé, Junsu còn được giới chuyên môn trong ngành nhạc kịch công nhận.

Khi diễn tại Trung tâm Văn hóa Sejong, Junsu thu hút lượng lớn khán giả. Các vở kịch Mozart! do anh đảm nhận vai chính bán hết 3.000 vé mỗi đêm.

Tiffany thành công trên sân khấu nhạc kịch.

Khi các ngôi sao Kpop lấn sân sang sân khấu, khả năng ca hát vẫn là điều kiện tiên quyết và quan trọng. Do đó, sân khấu kịch không chỉ mở ra cơ hội kiếm tiền mới cho những thần tượng đang đứng trước nguy cơ hết thời mà còn giúp họ thể hiện chiều sâu và chứng tỏ năng lực.

“Công chúng có xu hướng xem thường thần tượng. Với họ, ca sĩ thần tượng đơn thuần là sản phẩm của ngành giải trí. Tuy nhiên, thông qua các nhà hát, giới thần tượng có cơ hội thể hiện họ là ai và chứng tỏ kỹ thuật điêu luyện”, Lee Hye Jin nhận định.

“Các thần tượng vốn đã có những kỹ năng phù hợp với yêu cầu của nhạc kịch, đó là khả năng ca hát, vũ đạo và làm chủ sân khấu. Khả năng diễn xuất có thể còn hạn chế nhưng những kỹ năng trên giúp giới thần tượng thể hiện tốt các nhân vật nhạc kịch”, chuyên gia nói thêm.

Bên cạnh Kpop, phim điện ảnh, truyền hình, Lee Hye Jin cho rằng ngành công nghiệp sân khấu có khả năng thúc đẩy sự nổi tiếng của nội dung văn hóa Hàn Quốc. Đó cũng là một trong những lý do các thần tượng đang lấn sân sang lĩnh vực này ngày càng nhiều. Đây cũng là cơ hội để các thần tượng tiến tới thị trường toàn cầu.

“Ngành công nghiệp âm nhạc của Hàn Quốc được xếp hạng cao so với các quốc gia khác. Điều đó chứng tỏ âm nhạc Hàn Quốc có tiềm năng vươn ra toàn cầu. Một vở nhạc kịch của Mỹ tên là Kpop có sự góp mặt của các thần tượng như Luna - thành viên nhóm f(x), Kevin Woo của U-Kiss và Min của miss A. Nhạc kịch chính là cơ hội để các nghệ sĩ biểu diễn Kpop có thể mở rộng tầm nhìn và chuyên nghiệp hơn", Lee Hye Jin bình luận.

Minh Hạo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-cuu-su-nghiep-dang-tuot-doc-cua-ca-si-han-quoc-post1348075.html