Các vùng biển Việt Nam được quy định thế nào trong Công ước Luật biển 1982?

Quốc gia ven biển như Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với 5 vùng biển là: Nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được quy định rất rõ trong công ước Luật biển 1982.

Công ước Luật biển 1982 là văn bản pháp lý quốc tế quy định phạm vi điều chỉnh và chế độ pháp lý cho triển khai các hoạt động khai thác biển và đại dương phù hợp với xu thế phát triển chung, bảo đảm công bằng lợi ích cho các quốc gia có biển và không có biển.

Năm 1967 Liên hợp quốc đã bảo trợ tổ chức Hội nghị quốc tế về Soạn thảo công ước Luật biển theo sáng kiến khởi xướng của Đại sứ Arvid Pardo của Malta, một quốc gia ven biển nhỏ bé ở châu Âu, một luật gia có tầm nhìn sắc sảo và vượt trước thời đại. Sau 9 năm kiên trì đàm phán, ngày 30/4/1982 với sự tham gia của hơn 150 quốc gia nhiều tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ Hội nghị đã chính thức thông qua công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển.

Công ước Luật biển 1982 ra đời ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo cộng đồng quốc tế với 107 quốc gia tham gia ký vào ngày 10/12/1982 tại Jamaica. Đây là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng của thế giới, công ước Luật biển 1982 còn được ví như “Hiến pháp đại dương” của Cộng đồng quốc tế sau Hiến chương Liên hợp quốc.

Sau khi Guyana (quốc gia thứ 60) phê chuẩn, Công ước Luật biển 1982 chính thức có hiệu lực từ tháng 11/1994. Đến nay đã có 164 quốc gia là thành viên của Công ước Luật biển 1982.

Các vùng biển Việt Nam được quy định rõ trong Công ước Luật biển 1982 (ảnh minh họa)

Các vùng biển Việt Nam được quy định rõ trong Công ước Luật biển 1982 (ảnh minh họa)

Công ước Luật biển 1982 là điều ước quốc tế yêu cầu các thành viên phải chấp nhận sự điều chỉnh cả gói. Điều này có nghĩa là các quốc gia thành viên có trách nhiệm thực hiện toàn bộ các quy định của Công ước và không được phép đưa ra các bảo lưu, trừ việc có những tuyên bố được quy định cụ thể trong Công ước.

Công ước Luật biển 1982 gồm 320 điều khoản và 9 phụ lục kế thừa từ các điều ước quốc tế có trước về biển và pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán quốc tế tồn tại qua một thời gian dài trong thực tiễn của các quốc gia, cũng như các xu hướng phát triển mới trong thực tiễn khai thác, sử dụng biển và đại dường.

Công ước Luật biển 1982 đưa ra cách tiếp cận quản lý biển theo không gian lần đầu tiên trên thế giới. Theo đó, Công ước chia bề mặt biển và đại dương thành 5 vùng không gian biển khác nhau: Nội thủy, tiếp giáp lãnh hải, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển công.

Dưới đáy biển và đại dương được chia thành hai vùng không gian: Thềm lục địa, đáy đại dương bao gồm lòng đất dưới đáy thềm lục địa và đại dương. Mỗi vùng không gian biển và đại dương như vậy được quản lý theo một chế độ pháp lý riêng.

Quốc gia ven biển như Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với 5 vùng biển là: Nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Ngoài ra, quốc gia ven biển còn được hưởng các quyền tự do trong vùng biển công và quyền khai thác nguồn lợi đáy đại dương trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật quốc tế.

Căn cứ để phân chia các đường biển như vậy là đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải được Công ước xác định theo hai phương pháp: Đường cơ sở thẳng và đường cơ sở theo ngấn thủy triều thấp nhất ven bờ.

Vùng nước phía bên trong đường cơ sở là nội thủy, phía bên ngoài đường cơ sở ra biển đến 12 hải lý là lãnh hải. Trong vùng nội thủy, quốc gia ven biển có chủ quyền đối với vùng nước, đáy biển, lòng đất đáy biển, vùng trời phía trên lãnh hải. Đồng thời quốc gia ven biển phải tôn trọng quyền đi qua và không gây hại trong lãnh hải của tàu thuyền nước ngoài.

Theo Công ước, quốc gia ven biển có quyền xác định vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và vùng thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý, tối đa là 350 hải lý. Tại các vùng biển này, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền thăm dò, khai thác, bảo vệ tài nguyên; quyền tài phán đối với nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, lắp đặt và sử dụng các thiết bị, công trình. Các quốc gia cũng có quyền tự do hàng hải, hàng không, quyền tự do đặt cáp cũng như ống dẫn ngầm.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cac-vung-bien-viet-nam-duoc-quy-dinh-the-nao-trong-cong-uoc-luat-bien-1982-post241095.info