Các trường tại TP.HCM tổ chức thi trực tiếp thế nào?

Các trường phổ thông tại TP.HCM tổ chức kiểm tra đánh giá cuối học kỳ 1 từ ngày 10/1 đến ngày 22/1/2022. Hình thức thi phụ thuộc tình hình của trường và địa bàn.

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT TP.HCM, các trường cần rà soát, đánh giá hiệu quả việc tổ chức dạy học; tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi bắt đầu dạy học trực tiếp trước khi tổ chức kiểm tra cuối kỳ.

Phụ đạo cho học sinh trước khi thi

Các trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 1, 2, 3 và học sinh đã đi học trực tiếp sẽ kiểm tra trực tiếp. Nếu trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 4 và học sinh không thể đến trường học trực tiếp, học sinh sẽ kiểm tra theo hình thức trực tuyến.

Theo ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8, TP.HCM, hiện quận 8 đã ban hành kế hoạch kiểm tra đánh giá cuối học 1 năm học 2021-2022. Trong đó, nội dung kiến thức bao gồm từ tuần 1 đến hết tuần 17. Thời gian kiểm tra dự kiến diễn ra từ ngày 10/1/2022 đến hết ngày 22/1/2022.

“Trường ra đề kiểm tra tất cả môn khối 6, 7, 8, 9. Thời gian làm bài kiểm tra từ 45 đến 90 phút (tùy theo quy định của mỗi môn). Riêng đối với lớp 6, thời gian làm bài kiểm tra đối với môn học từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút; các môn học có trên 70 tiết/năm học từ 60 đến 90 phút.

Bên cạnh đó, phòng đã chỉ đạo các trường rà soát, đánh giá hiệu quả việc tổ chức dạy học; tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi bắt đầu dạy học trực tiếp trở lại trước khi tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 1”, Trưởng Phòng GD&ĐT quận 8 cho biết.

Phòng GD&ĐT quận 8 cũng lưu ý vào thời gian tổ chức kiểm tra cuối kỳ, tùy theo cấp độ dịch của quận (xác định dịch cấp độ 1, 2, 3) và học sinh đã đi học trực tiếp thì tổ chức kiểm tra trực tiếp. Nếu cấp độ 4 học sinh không thể đến trường học trực tiếp thì nhà trường tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến.

Giáo viên trường THCS Chánh Hưng hướng dẫn học sinh các biện pháp an toàn phòng chống dịch.

Học sinh học hòa nhập thực hiện kiểm tra đánh giá định kỳ theo kế hoạch dạy học cá nhân đã điều chỉnh; các học sinh thuộc diện F0, học sinh vì cách ly, giãn cách xã hội,… không thể tham gia kiểm tra cuối kì từ ngày 10/1/2022 đến ngày 22/1/2022, nhà trường xem xét cho thực hiện kiểm tra, đánh giá bổ sung sau khi đã thực hiện các biện pháp dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức phù hợp, trao đổi với cha mẹ học sinh, thông báo cho học sinh. Việc kiểm tra bổ sung hoàn thành trước ngày 28/2/2022.

Tại trường THCS Chánh Hưng (Quận 8, TP.HCM), cô Đồng Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết song song việc dạy trực tiếp, nhà trường vẫn duy trì việc dạy online cho các em không đủ điều kiện đến trường có thể đảm bảo tiến độ học tập và có được kiến thức nhất định.

Sau khi các em này đến trường học trực tiếp, nhà trường sẽ tổ chức phụ đạo để các em đủ kiến thức kiểm tra học kỳ 1 theo hình thức trực tiếp.

Sau 2 tuần thí điểm, nếu không có gì thay đổi, học sinh lớp 6, 7, 8 sẽ đi học trực tiếp. Việc kiểm tra đánh giá học kỳ 1 cũng sẽ tiến hành theo hình thức trực trực tiếp và do nhà trường ra đề.

Học sinh lớp 1, 2 kiểm tra học kỳ 1 thế nào?

Hiện các trường tiểu học tại TP.HCM đang chờ hướng dẫn của Sở GD&ĐT về tổ chức kiểm tra đánh giá cuối học kỳ.

Trao đổi về kế hoạch kiểm tra đánh giá cuối học kỳ 1 năm học 2021-2022, thầy Phạm Trung Hữu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPH.CM), cho biết trường đang chờ hướng dẫn, chỉ đạo của phòng. Dự kiến sau 2 tuần thí điểm cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học trực tiếp sẽ có hướng dẫn mới.

Ngày 13/12, Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn kiểm tra định kỳ với học sinh tiểu học, trong đó học sinh lớp 1, lớp 2 sẽ thực hiện bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ 1 trực tiếp tại trường, trừ trường hợp bất khả kháng phải báo cáo.

Trao đổi với báo chí, một một cán bộ Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết định hướng của sở vẫn phải ưu tiên học sinh lớp 1, lớp 2 đến trường học trực tiếp, củng cố ôn tập để kiểm tra đánh giá.

“Bộ GD&ĐT mới có hướng dẫn ngày hôm nay, sở cũng chưa chốt phương án cụ thể. Nhưng trên tinh thần là làm đúng theo hướng dẫn của bộ để tổ chức kiểm tra đánh giá.

Tuy nhiên, văn bản của bộ cũng nói rõ tùy theo tình hình dịch bệnh của mỗi địa phương, các trường cần lập kế hoạch để thực hiện các buổi kiểm tra học kỳ tại trường với học sinh lớp 1, 2 theo phương án đảm bảo an toàn.

Vì thế, TP.HCM vẫn ưu tiên cho học sinh lớp 1, 2 đến trường học trực tiếp, sau đó mới tính đến thực hiện bài kiểm tra định kỳ cần thực hiện tại trường, để đảm bảo quyền lợi của các em", cán bộ này nói.

Thông tin tại cuộc họp báo về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, chiều 13/12, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết trong ngày đầu tổ chức dạy học trực tiếp với lớp 9, 12, tỷ lệ học sinh đến trường cao.

Cụ thể, trong tổng số gần 81.000 học sinh khối 9, khoảng 90,7% em đến lớp. Khối 12 có hơn 93,6% học sinh đi học. Đối với khối giáo dục thường xuyên, học sinh khối 9 đến lớp đạt 73,6% và khối 12 là gần 91,2%.

“Số liệu này chưa tính số học sinh của Củ Chi do huyện này chưa tổ chức cho học sinh đi học trở lại. Tỷ lệ này rất cao so với khảo sát ban đầu chỉ có gần 80% phụ huynh ở mỗi khối lớp đồng ý cho con đến trường", ông Dương Trí Dũng nói.

Theo ông Dương Trí Dũng, trước mắt trong 2 tuần thí điểm dạy học trực tiếp, y tế địa phương sẽ hỗ trợ xét nghiệm tầm soát khi trường học có ca F0, F1. Về lâu dài, sở đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM cung cấp sinh phẩm xét nghiệm nhanh cho các trường học, để trường phối hợp y tế quận, huyện tổ chức xét nghiệm cho F1 khi có F0 trong cơ sở.

Theo Công Chương / Giáo dục thời đại

(Zing đặt lại tiêu đề bài viết)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-truong-tai-tphcm-to-chuc-thi-truc-tiep-the-nao-post1283381.html