Bao giờ hoàn thành các trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc - Nam - Kỳ 2: Các trạm chuẩn bị xây có gì đặc biệt?

Trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trải dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ có 36 trạm dừng nghỉ. Ngoài 9 trạm đã đưa vào khai thác từ nhiều năm trước, 3 trạm do địa phương và nhà đầu tư quản lý, còn lại 24 trạm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT đang được đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, đầu năm 2026.

Theo Thông tư 09/2024, trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc phải áp dụng quy mô trạm dừng nghỉ loại 1 hoặc loại 2 hoặc loại 3...

Theo Thông tư 09/2024, trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc phải áp dụng quy mô trạm dừng nghỉ loại 1 hoặc loại 2 hoặc loại 3...

Có trụ sạc xe điện, diện tích tối thiểu nhà vệ sinh rộng hơn

Để triển khai đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ đường bộ, đặc biệt là các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đầu tháng 4/2024, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 09/2024/TT-BGTVT sửa đổi quy chuẩn quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ trước đây được quy định tại Thông tư 48/2012/TT-BGTVT. Thông tư 09/2024/TT-BGTVT sẽ có hiệu lực kể từ ngày 5/10/2024.

Điểm mới nổi bật của Thông tư 09/2024 so với Thông tư 48/2012 là quy định về công trình dịch vụ thương mại ở trạm dừng nghỉ. Trong Thông tư 48/2012, tại điều 2.2.2 chỉ quy định công trình dịch vụ thương mại gồm: Khu vực phục vụ ăn uống, giải khát; khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; trạm cấp nhiên liệu; Xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; nơi rửa xe; phòng ngủ cho lái xe và hành khách lưu trú qua đêm. Trong khi đó, tại Thông tư 09/2024, Bộ GTVT quy định công trình dịch vụ thương mại ngoài các điều khoản giống như Thông tư 48/2012 sẽ có thêm khu vực lắp đặt trụ sạc điện, thiết bị sạc điện; Trạm biến áp, trạm phát điện dự phòng.

Trạm dừng nghỉ sẽ có thêm khu vực lắp đặt trụ sạc điện, thiết bị sạc điện...

Trạm dừng nghỉ sẽ có thêm khu vực lắp đặt trụ sạc điện, thiết bị sạc điện...

Về việc phân loại trạm dừng nghỉ, cả hai Thông tư 09/2024 và Thông tư 48/2012 đều quy định trạm dừng nghỉ chia ra làm 4 loại (loại 1, loại 2, loại 3 và loại 4) căn cứ vào diện tích tối thiểu tương ứng với từng loại, gồm: Trạm dừng nghỉ loại 1 (10.000 m2), loại 2 (5.000 m2), loại 3 (3.000 m2), loại 4 (1.000 m2); Diện tích bãi đỗ xe (tối thiểu) tương ứng với từng loại trạm dừng nghỉ, gồm: 5.000 m2 (bãi đỗ xe ở trạm dừng nghỉ loại 1), 2.500 m2 (loại 2), 1.500 m2 (loại 3), 500 m2 (loại 4).

Tuy nhiên, điểm khác biệt của hai thông tư này là quy định về số vị trí đỗ xe. Thông tư 48/2012 không có quy định về số vị trí đỗ xe, trong khi Thông tư 09/2024 nêu rõ: "Số vị trí đỗ xe tối thiểu có thể bố trí xe ô tô vào sạc điện chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe; Việc đầu tư hạ tầng dành để lắp đặt trụ sạc, thiết bị sạc phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và từng giai đoạn đầu tư", bắt buộc áp dụng với trạm dừng nghỉ loại 1 và loại 2, còn lại khuyến khích có đối với trạm dừng nghỉ loại 3 và loại 4.

Liên quan đến các hạng mục công trình bắt buộc phải có đối với từng loại trạm dừng nghỉ, cả Thông tư 48/2012 và Thông tư 09/2024 đều quy định bắt buộc phải có khu vệ sinh. Tuy nhiên, diện tích tối thiểu của khu vực vệ sinh trong Thông tư 09/2024 được quy định rộng hơn nhiều so với Thông tư 48/2012.

Cụ thể, Thông tư 09/2024 quy định về khu vệ sinh phải có diện tích tối thiểu bằng 3% tổng diện tích xây dựng trạm dừng nghỉ. Trong khi đó, Thông tư 48/2012 quy định diện tích khu vệ sinh chỉ cần lớn hơn 1% diện tích xây dựng trạm dừng nghỉ.

Khu vực quy hoạch trạm dừng nghỉ trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Sơn Khê

Khu vực quy hoạch trạm dừng nghỉ trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Sơn Khê

Quy mô trạm dừng nghỉ không còn phụ thuộc số làn đường

Đối với hạng mục khu kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, nếu Thông tư 48/2012 chỉ quy định trạm dừng nghỉ loại 1 bắt buộc phải có thì Thông tư 09/2024 đã bổ sung thêm quy định: "Cả trạm dừng nghỉ loại 1 và loại 2 đều phải có khu kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện".

Điểm khác biệt tiếp theo giữa Thông tư 09/2024 và Thông tư 48/2012 là quy định về phạm vi áp dụng đối với từng loại trạm dừng nghỉ. Cụ thể, theo Thông tư 48/2012 phạm vi áp dụng đối với từng loại trạm dừng nghỉ sẽ phụ thuộc vào quy mô, năng lực cung cấp dịch vụ của trạm dừng nghỉ được tính toán thiết kế căn cứ vào lưu lượng phương tiện, hành khách thông qua tuyến đường và điều kiện cụ thể của khu vực nơi xây dựng trạm dừng nghỉ.

Phối cảnh trạm sửa chữa, cung cấp dịch vụ tại Km 114+400 trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Phối cảnh trạm sửa chữa, cung cấp dịch vụ tại Km 114+400 trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Đồng thời phải đáp ứng các quy định gồm: Trên các tuyến tỉnh lộ hoặc huyện lộ xây dựng trạm dừng nghỉ từ loại 4 trở lên; trên các tuyến quốc lộ có từ 1 - 2 làn xe mỗi chiều xây dựng trạm dừng nghỉ từ loại 3 trở lên; trên các tuyến quốc lộ có từ 3 làn xe mỗi chiều trở lên xây dựng trạm dừng nghỉ từ loại 2 trở lên.

Tuy nhiên, trong Thông tư 09/2024, phạm vi áp dụng đối với trạm dừng nghỉ ngoài việc căn cứ vào lưu lượng phương tiện, hành khách thông qua tuyến đường và điều kiện cụ thể của khu vực nơi xây dựng trạm dừng nghỉ như Thông tư 48/2012, thì điểm khác biệt của Thông tư 09/2024 là quy mô trạm dừng nghỉ sẽ không phụ thuộc vào số làn của tuyến đường nơi xây dựng trạm dừng nghỉ như Thông tư 48/2012.

Thay vào đó, Thông tư 09/2024 quy định trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc xây dựng phải áp dụng quy mô trạm dừng nghỉ loại 1 hoặc loại 2 hoặc loại 3 và phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đình Quang - Vũ Thành

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/cac-tram-dung-nghi-chuan-bi-xay-dung-co-gi-dac-biet-183240521002521234.htm