Các trại giam ở Đức ứng phó với người chuyển giới như thế nào?

Nhà hoạt động về khí hậu Penelope Frank phải đối mặt với án tù, nhưng là một người chuyển giới, cô phải đấu tranh để không bị đưa vào nhà tù chỉ dành cho nam giới. Đây là một trong những hiện tượng ngày càng phổ biến khiến các trại giam ở Đức lúng túng khi xử lý.

Nhiều cơ sở trại giam ở Đức vẫn lúng túng khi tiếp nhận người chuyển giới

Các trại giam không được trang bị đầy đủ để tiếp nhận những người chuyển giới

Penelope Frank là thành viên nhóm hoạt động xã hội mang tên Thế hệ cuối cùng, từng tham gia biểu tình tại đường băng của sân bay Berlin vào cuối năm 2022. Frank đang chờ ra hầu tòa vì tội làm gián đoạn giao thông hàng không và nếu bị kết tội, người này có thể bị kết án tù. Đối tượng được xác định là phụ nữ, nhưng trên giấy tờ, giới tính của Penelope Frank là nam. Do đó, nhân vật này sẽ bị đưa đến nhà tù dành cho nam giới nếu bị kết án. Hiện Frank đang tìm kiếm sự đóng góp để có thể trả tiền phạt thay vì chấp hành án tù.

Ông René Müller, Chủ tịch Hiệp hội nhân viên trại giam liên bang Đức cho biết, hầu hết trại giam trong cả nước không được trang bị đầy đủ để tiếp nhận những người chuyển giới. “Tất nhiên, luôn phải để mắt để bảo vệ họ. Hiện tại chúng tôi đang thiếu nhân lực nên không thể lúc nào cũng làm tốt điều đó. Do thiếu hướng dẫn, chúng tôi thực sự cảm thấy bị Bộ Tư pháp Liên bang ngó lơ”, ông René Müller nói.

Theo ông Müller, gần 200 cơ sở trại giam của Đức đang giữ khoảng 60.000 tù nhân, bao gồm cả phạm nhân đã tuyên án và những đối tượng bị giam giữ trước khi xét xử. Nước Đức cũng đang thiếu khoảng 2.000 cán bộ trại giam. Các nhà tù ở Đức thuộc thẩm quyền của 16 bang. Một số đã tạo ra các cơ sở đặc biệt cho các tù nhân chuyển giới hoặc có hướng dẫn cụ thể cũng như tổ chức đào tạo cho nhân viên trại giam. Nhưng nhìn chung, đây là một thách thức lớn đối với các trại giam bởi vì nam và nữ không được phép giam giữ chung theo nguyên tắc phân biệt giới tính.

Trong khi đó, Hiệp hội Nhận dạng người chuyển giới và liên giới tính của Đức ước tính rằng có tới 500.000 người chuyển giới sống ở Đức, một quốc gia có 83 triệu dân. Luật Chuyển giới của Đức được áp dụng hơn 40 năm nay ban đầu yêu cầu những người chuyển giới phải trải qua phẫu thuật xác nhận giới tính để được thay đổi các giấy tờ tùy thân quan trọng, nhưng điều này đã được tuyên bố là vi hiến. Chính phủ liên bang đang đặt mục tiêu sớm thông qua luật mới gọi là “Luật về quyền tự quyết” cho phép thay đổi tên và giới tính hợp pháp thông qua thủ tục đơn giản.

Cần có các quy định đặc biệt đến việc đối xử với người chuyển giới

Luật sư Thomas Galli đã quản lý 2 trại giam và làm luật sư tại thành phố Augsburg của Bavaria từ năm 2016 nên ông hiểu rất rõ về các trại giam ở Đức. Gần đây, ông đại diện cho Annemarie House, một phụ nữ chuyển giới đã bị bỏ tù gần 2 năm vì tội lừa đảo. Luật sư Galli kể, Annemarie House mới đầu được đưa vào khu dành cho nam giới, sau đó được chuyển đến khu dành cho nữ. Thủ tục đánh giá để xác định House đủ điều kiện đưa vào trại giam nào đã kéo dài hàng tháng trời.

“Thật may là cô ấy đã được trả tự do. Nhưng rõ ràng là hệ thống trại giam chưa sẵn sàng cho những điều như thế”, ông Galli nói và thông tin thêm rằng, một số phạm nhân chuyển giới “bị giấu kín trong bệnh xá hoặc cách ly ở một nơi khác trong nhiều tháng vì ban quản lý thực sự không biết phải làm gì với họ”.

“Ở các trại giam toàn nam giới nói chung, rất nhiều người trẻ tuổi, họ mạnh khỏe, bồng bột, thậm chí nhân cách có vấn đề và thường có xu hướng bạo lực. Theo quan điểm của tôi, điều lo ngại rằng các tù nhân chuyển giới sẽ bị bắt nạt, quấy rối và tấn công tình dục là có cơ sở”, luật sư Thomas Galli chia sẻ. Ông Galli cũng tin rằng, lập ra khu vực dành cho những người bị giam giữ có nhu cầu đặc biệt có thể là một mô hình mới, giống như một số trại giam đã có khu lão khoa dành các tù nhân lớn tuổi. Theo luật sư này, các tiểu bang cần có các quy định đặc biệt liên quan đến việc đối xử với người chuyển giới. Quan trọng là người chuyển giới phải có tiếng nói hơn.

Theo DW

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cac-trai-giam-o-duc-ung-pho-voi-nguoi-chuyen-gioi-nhu-the-nao-post549618.antd