Các tỉnh miền Trung đề phòng mưa, lũ lớn

(ANTĐ) - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, vào chiều qua 3-10, một vùng áp thấp đã xuất hiện trên khu vực vùng biển ngoài khơi Quảng Ngãi-Bình Thuận.

Trong ngày hôm nay, vùng áp thấp này di chuyển chậm chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc, ảnh hưởng đến khu vực Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa). Do ảnh hưởng của vùng áp thấp và đới gió Tây Nam ở khu vực Nam biển Đông, vùng biển ngoài khơi Trung bộ và Nam bộ, có mưa rào và giông mạnh. Trong cơn giông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật. Trong khi đó, vào sáng sớm hôm qua, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến Bắc bộ và hôm nay sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh Trung bộ. Các tỉnh Bắc bộ tiếp tục chịu ảnh hưởng của không khí lạnh duy trì trong 2 ngày tới sau suy yếu dần. Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh, kết hợp với hoạt động của vùng áp thấp, từ Nghệ An đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to đến rất to và rải rác có giông. Cũng dưới tác động của vùng thấp, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa từ 100 - 300mm, lưu vực sông La, sông Gianh, sông Thạch Hãn và sông Hương có mưa tới 400 - 600mm. Mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ tại một số thành phố lớn như Thừa Thiên-Huế. Dự báo, mưa to và rất to sẽ tiếp tục kéo dài vào 2 ngày đầu tuần ở Trung bộ. Mưa to đã khiến lũ trên các sông tại khu vực trên tiếp tục lên, phần lớn các sông lên mức BĐ III và trên BĐ III, riêng sông Gianh lên trên BĐ III khoảng 2m và không loại trừ khả năng vượt mức lũ lịch sử. Để phòng mưa lớn có thể gây ngập úng cục bộ, sạt lở, hôm qua, BCĐ PCLB Trung ương đã có công điện gửi BCH PCLB các tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Bình Thuận yêu cầu, triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, tổ chức sơ tán dân để bảo đảm an toàn về người và tài sản; tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ. Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thực hiện vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạ du, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý sự cố phát sinh đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình. Trước khi xả nước hồ, chủ công trình phải thông báo cho chính quyền địa phương và nhân dân vùng hạ lưu biết để chủ động sơ tán, đồng thời báo cáo BCH PCLB&TKCN các cấp liên quan để chỉ đạo kịp thời.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=83559&channelid=5