Các thành viên ASEAN và EU tích cực gắn kết

Vừa qua, các nhà lãnh đạo Malaysia, Philippines và Thái Lan - 3 trong số 6 nền kinh tế lớn của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã lần lượt có các chuyến công du tới các quốc gia hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU). Bên cạnh thúc đẩy hợp tác kinh tế, một nội dung nghị sự quan trọng là thượng tôn luật pháp quốc tế tại Biển Đông.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên phải) đón tiếp Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. vào ngày 12/3. Ảnh: Reuters

Rộng mở cánh cửa hợp tác ASEAN - EU

Các chuyến công du riêng lẻ của lãnh đạo Malaysia, Philippines và Thái Lan tới châu Âu vừa qua có nội dung nghị sự tập trung về các vấn đề hợp tác vĩ mô. Những người đứng đầu các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á đã gặp gỡ, tiếp xúc với hàng chục doanh nghiệp, mở rộng kết nối giữa giới kinh doanh trong những lĩnh vực thế mạnh của từng nước. Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, trao đổi và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là nội dung trọng tâm trong các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo các nước.

Chương trình nghị sự tập trung vào mở rộng cơ hội hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại đã mang tới nhiều hợp đồng trị giá hàng tỷ USD đã được ký kết. Đáng chú ý, trong chuyến thăm Đức, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã gặp với hàng chục lãnh đạo ngành công nghiệp và doanh nghiệp Đức, qua đó giúp Malaysia thu hút những khoản đầu tư tiềm năng trị giá 9,69 tỷ USD trong các ngành công nghiệp chất bán dẫn, hàng không vũ trụ, thiết bị y tế, hóa chất và dịch vụ.

Chuyến thăm Đức và Cộng hòa Séc của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. mang về những thỏa thuận đầu tư trị giá ít nhất 4 tỷ USD từ các doanh nghiệp Đức. Đồng thời, Philippines ký kết với Cộng hòa Séc 3 biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực đầy triển vọng, như chất bán dẫn, công nghệ thông tin và đẩy mạnh phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư.

Trong chuyến thăm Pháp và Đức, trọng tâm nghị sự của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin với các nhà lãnh đạo châu Âu là thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Thái Lan và EU, hợp tác chặt chẽ hơn trong thương mại và đầu tư. Ước tính, FTA với EU sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hàng năm của Thái Lan thêm 1,2%, trong khi xuất nhập khẩu hàng năm tăng 2,8%.

Bình luận của giới chuyên gia quốc tế, các chuyến thăm này đều hướng tới mục tiêu mở rộng cánh cửa hợp tác, thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế với các thị trường lớn và đẩy tiềm năng ở châu Âu. Bên cạnh giá trị đối với cả hai khu vực thành công nhất toàn cầu, chuyến thăm "lục địa già" lần này của lãnh đạo ba nước thành viên ASEAN còn có những ý nghĩa riêng đối với từng quốc gia. Đồng thời phản ánh mối quan tâm không chỉ của các nước Đông Nam Á mà cả từ châu Âu trong việc thúc đẩy quan hệ giữa các nước nói riêng và EU nói chung với khu vực ASEAN đầy tiềm năng.

Với thiện chí và mong đợi đến từ hai phía, chuyến công du tới châu Âu của các nhà lãnh đạo Malaysia, Philippines và Thái Lan hứa hẹn không chỉ giúp tăng cường quan hệ và thu hút đầu tư song phương, mà còn mở ra thêm nhiều cánh cửa hợp tác giữa ASEAN và EU.

Nhấn mạnh thượng tôn luật pháp quốc tế tại Biển Đông

Vấn đề Biển Đông tiếp tục là một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và EU. Đáng chú ý, trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Philippines Marcos Jr. nhấn mạnh tầm quan trọng của giao thông hàng hải ở Biển Đông, nơi chiếm đến 60% vận tải đường biển toàn thế giới. “Việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông không chỉ phù hợp với lợi ích của Philippines, của ASEAN, hay khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà còn phù hợp với lợi ích của toàn thế giới” - Tổng thống Philippines khẳng định và cho biết thêm, Philippines cam kết giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn.

Mạng lưới hàng hải đóng vai trò là tuyến đường thương mại huyết mạch, chiếm 80% thương mại toàn cầu. Ảnh: Reuters

Khẳng định cùng chung quan điểm này, Thủ tướng Đức kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. “Điều quan trọng đối với mọi người là luật pháp hiện hành phải được tuân thủ” - ông Olaf Scholz nhấn mạnh và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, tại Đối thoại Biển lần thứ 12 diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá, bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thay đổi nhanh chóng, trong đó, xu hướng phân cực, phân cảnh ngày càng gia tăng. Vì vậy, bất cứ sự vụ nào trên biển cũng có thể tác động tới các quốc gia và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Vũ, mạng lưới hàng hải đóng vai trò là tuyến đường thương mại huyết mạch, chiếm 80% thương mại toàn cầu. Kết nối hàng hải tạo điều kiện cho trao đổi văn hóa, nghiên cứu khoa học và du lịch cũng như đóng vai trò quan trọng không chỉ trong ứng phó với các sự cố thảm họa và viện trợ nhân đạo mà còn đối với các tuyến cáp quang, vốn là xương sống của kết nối số toàn cầu. Mặt khác, kết nối hàng hải ngày nay cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi số hóa, tự động hóa và chuyển đổi năng lượng xanh.

Là quốc gia ven biển và cũng là quốc gia sử dụng biển, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh vào kết nối hàng hải. Sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào an toàn, an ninh của các hành lang hàng hải.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ về an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, kết nối hàng hải không bị cản trở theo luật pháp quốc tế. Việc tôn trọng UNCLOS năm 1982 là nền tảng để bảo đảm hòa bình, ổn định, trật tự pháp lý trên biển và là phương thức giải quyết các tranh chấp trên biển phù hợp nhất.

Tại cuộc đối thoại, các chuyên gia cùng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hợp tác để đối phó với những thách thức an ninh trên không gian biển, trong đó, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN sẽ góp phần giảm tác động tiêu cực từ cạnh tranh địa chính trị và thúc đẩy kết nối hàng hải trong khu vực.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cac-thanh-vien-asean-va-eu-tich-cuc-gan-ket-post473869.html