Các thành phố châu Á an toàn nhất thế giới

Số liệu thường niên của tổ chức phân tích Economist Intelligence Unit (EIU) cho thấy trong số 10 thành phố an toàn nhất thế giới có đến 4 thành phố châu Á, đặc biệt các thành phố Tokyo, Singapore và Osaka vẫn tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng.

Tokyo, Singapore, Osaka (từ trái sang) là 3 thành phố an toàn nhất thế giới - Ảnh: Kiplinger

Đây là lần thứ ba công tác xếp hạng thành phố được thực hiện. 60 thành phố lớn trên thế giới được EIU xếp hạng dựa trên 49 yếu tố thuộc bốn nhóm tiêu chí chính là chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng, nguy cơ tấn công mạng và an toàn cá nhân.

Theo báo cáo phân tích đi kèm với bảng xếp hạng, các thành phố châu Á và châu Âu vẫn tiếp tục dẫn đầu.

Trong 10 thành phố an toàn nhất thế giới có 4 thành phố châu Á là Tokyo (đứng đầu với 89,8 điểm); Singapore (thứ hai với 89,64 điểm); Osaka (thứ ba với 88,87 điểm); Hồng Kông (thứ 9 với 86,22 điểm) và 3 thành phố châu Âu là Amsterdam (Hà Lan), Stockholm (Thụy Điển) và Zurich (Switzerland).

Báo cáo cũng cho biết Tokyo, Singapore và Osaka đã thành công giữ vững vị trí đầu bảng xếp hạng. Xét riêng từng nhóm tiêu chí, Tokyo đứng đầu về an toàn mạng, Osaka đứng đầu về chăm sóc sức khỏe còn Singapore đứng đầu về cơ sở hạ tầng và an toàn cá nhân.

Tạp chí TIME cho biết Mỹ đóng góp đến 6 thành phố trong bảng xếp hạng, nhưng vì yếu kém trong cơ sở hạ tầng mà các thành phố của nước này không lọt vào 10 thành phố an toàn nhất thế giới mà chỉ lần lượt đứng ở vị trí thứ 15- San Francisco; thứ 18 và 19- Los Angeles và Chicago; thứ 21- New York; thứ 23- Washington D.C và thứ 26- Dallas.

Tuy nhiên Chicago, San Francisco, New York và Dallas nằm trong danh sách 10 thành phố có an toàn mạng tốt nhất thế giới.

Ngoài Hồng Kông, Trung Quốc còn có hai thành phố được xếp hạng là Bắc Kinh (hạng 32) và Thượng Hải (hạng 34).

Bảng xếp hạng các thành phố - Ảnh: TIME

Báo cáo còn chỉ ra rằng an ninh của các thành phố được xếp hạng đều sụt giảm, chỉ có 2 ngoại lệ là Madrid và Seoul. Cũng theo báo cáo, an ninh vẫn có mối liên kết chặt chẽ với sự thịnh vượng, nhưng thu nhập không phải là chỉ số duy nhất quyết định mức độ an ninh của một thành phố, bằng chứng là hai thành phố thu nhập cao là Jeddah và Riyadh của Ả Rập Saudi đều xếp dưới vị trí 40.

Nói về những vấn đề của các thành phố, EIU cho biết dân số vẫn đang là “vấn đề muôn thuở”. EIU cho biết ngày càng có nhiều thành phố có số dân vượt quá 10 triệu người. Dân số thành thị tăng gây áp lực lên khả năng cung cấp nhà ở lẫn các dịch vụ y tế và đặt ra nhiều thách thức về an ninh hơn.

Về thiên tai, EIU cho biết các thành phố ven biển sẽ phải đương đầu với các trận lụt ngày càng nhiều hơn. Thiệt hại do ngập lụt gây ra đến năm 2050, theo EIU, lên đến 52 tỉ USD.

Nhiều vấn đề do con người tạo ra như khủng bố và tai nạn giao thông cũng đang gia tăng, tuy nhiên dù vấn đề khủng bố đang được chú ý nhưng số vụ thương vong vì tai nạn giao thông lại cao hơn.

Cuối cùng, EIU hoan nghênh nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng “thành phố thông minh”. Tổ chức này khẳng định công nghệ có những lợi ích không cần bàn cãi, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu giới chức các thành phố thiếu quan tâm đến công tác bảo vệ an ninh mạng.

Nằm ở nhóm cuối bảng xếp hạng là những thành phố đông đúc và đang phải chịu tình trạng ô nhiễm của các nước đang phát triển, bao gồm Manila (Philippines); Hồ Chí Minh (Việt Nam); Jakarta (Indonesia); Dhaka (Bangladesh); Yangon (Myanmar) và Karachi (Pakistan).

Cẩm Bình (theo EIU, TIME)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/cac-thanh-pho-chau-a-an-toan-nhat-the-gioi-73762.html