Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc làm gì trước cuộc khủng hoảng toàn diện?

Đối với Samsung, một vấn đề đang rất cấp bách hiện nay chính là những cáo buộc chống lại phó chủ tịch tập đoàn Samsung, ông Lee Jae-yong, người thừa kế của tập đoàn.

Ảnh: Nikkei

Các tập đoàn gia đình của Hàn Quốc đang gặp khá nhiều khó khăn trong việc thích nghi với nhiều chính sách mới mà chính phủ mới của Hàn Quốc đưa ra trong nỗ lực cải thiện hoạt động quản trị doanh nghiệp và xử lý những cáo buộc chống lại thành viên gia đình họ.

Trong ngày thứ Năm, Lotte công bố tập đoàn Lotte, tập đoàn mẹ sở hữu khoảng 42 công ty thành viên trong đó bao gồm bốn công ty chủ chốt: công ty bánh kẹo Lotte Confectionary; công ty bán lẻ Lotte Shopping; công ty đồ uống Lotte Chilsung Beverage và công ty thực phẩm Lotte Food.

Lotte công bố cổ phiếu của tập đoàn cùng với bốn công ty thành viên nêu trên sẽ được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Seoul, Hàn Quốc bắt đầu từ ngày Ba Mươi tháng Mười.

“Ngay từ khi thành lập tập đoàn Lotte, chúng tôi luôn theo đuổi mục tiêu minh bạch hoạt động quản trị doanh nghiệp và tạo ra nhiều giá trị riêng cho doanh nghiệp. Điều đó sẽ giúp cho Lotte phát triển bền vững”, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn Lotte, ông Shin Dong-bin, tuyên bố.

Thông báo này được đưa ra khi chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gây nhiều áp lực lên các tập đoàn buộc họ phải chấp nhận hoạt động theo mô hình công ty mẹ con và làm minh bạch hóa hoạt động quản trị. Huyndai Motor cũng đang coi hệ thống này như một cách để tăng cường minh bạch hóa hoạt động quản trị doanh nghiệp. LG và SK cũng đã hoạt động theo mô hình này từ những năm 2000.

Trong năm ngoái, dưới sức ép của cổ đông, Samsung từng cân nhắc đến những cái được và mất của việc hoạt động theo mô hình công ty mẹ con, tuy nhiên sau đó lại từ bỏ kế hoạch này. Khi đó, Samsung khẳng định nó không mang lại nhiều lợi ích mà chỉ toàn những rắc rối, trong đó phải kể đến hoạt động đầu tư giữa các công ty gặp nhiều cản trở.

Đối với Samsung, một vấn đề đang rất cấp bách hiện nay chính là những cáo buộc chống lại phó chủ tịch tập đoàn Samsung, ông Lee Jae-yong, người thừa kế của tập đoàn. Ngày thứ Năm, vị phó chủ tịch 49 tuổi này đã tham dự phiên thẩm vấn tại tòa, chỉ một tháng rưỡi trước, tòa án đã tuyên ông bốn năm tù vì tội ăn hối lộ và biển thủ tiền tập đoàn.

Trong phiên thẩm vấn này, ông Lee, trong trang phục vét đen và khuôn mặt rất bình thản, đã lắng nghe tất cả các bên, kể cả quan tòa và các công tố viên. Ông không trả lời bất kỳ câu hỏi nào ngoài việc xác nhận ngày sinh và địa chỉ với tòa.

Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm, ông Moon Jae-in, người có quan điểm ủng hộ các nghiệp đoàn, đã luôn thể hiện quan điểm vô cùng cứng rắn với các tập đoàn. Ông đã thề sẽ cắt đi mối liên minh giữa các chính trị gia quyền lực và lãnh đạo doanh nghiệp.

Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu nâng thuế thu nhập doanh nghiệp lên mức 25% từ mức 22% hiện nay, đồng thời đang đẩy mạnh áp dụng chính sách giúp người lao động theo thời hạn được ký hợp đồng vĩnh viễn.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, chính phủ Hàn Quốc vẫn đang rất cố gắng để bảo vệ các tập đoàn trong các cuộc chiến thương mại với các nước khác, đặc biệt trước Mỹ. Gần đây, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của Samsung Electronics và LG Electronics để chia sẻ thông tin và bàn cách ứng phó với việc Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) khi ủy ban này định hạn chế nhập khẩu một số loại máy móc vào Mỹ.

Dù các tập đoàn của Hàn Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong nội địa Hàn Quốc cũng như ở nước ngoài, giá cổ phiếu của họ vẫn tăng nhờ vào kỳ vọng lợi nhuận quý ba cải thiện và kinh tế toàn cầu hồi phục.

Trong ngày thứ Năm, cổ phiếu Samsung Electronics tăng mạnh và đã tăng đến 7% trong bốn phiên gần nhất. Chỉ số Kospi của thị trường chứng khoán Hàn Quốc tăng 0,68% lên mức cao kỷ lục.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/cac-tap-doan-lon-cua-han-quoc-lam-gi-truoc-cuoc-khung-hoang-toan-dien-3282051.html