Các phương pháp trị viêm bờ mi mắt

Viêm bờ mi có thể để lại những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, kịp thời…

1. Viêm bờ mi là gì?

NỘI DUNG:

1. Viêm bờ mi là gì?
2. Triệu chứng viêm bờ mi
3. Các phương pháp điều trị viêm bờ mi

Viêm bờ mi là một bệnh phổ biến, không lây nhiễm. Đó là tình trạng viêm mí mắt, thường xuất hiện màu đỏ, sưng lên hoặc có cảm giác như bị bỏng, có thể gây đau.

Bệnh hay gặp hơn ở trẻ nhỏ và những người trên 50 tuổi, đặc biệt là ở những người có da dầu, gàu hoặc bệnh rosacea (hồng ban).

2. Triệu chứng viêm bờ mi

Các triệu chứng của viêm bờ mi có thể bao gồm: Nóng rát, đau nhức hoặc châm chích trong mắt; lông mi giòn và mí mắt ngứa, có thể gây u nang mi, vảy hoặc lớp vỏ quanh gốc lông mi, mí mắt dính vào nhau vào buổi sáng khi thức dậy. Nhiều người bị viêm bờ mi cũng bị khô mắt khi mắt không tiết đủ nước mắt hoặc khô quá nhanh.

Viêm bờ mi mắt cần được điều trị và chăm sóc kịp thời tránh để lại những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng cấp tính chắp, lẹo, viêm túi lệ, rụng lông mi, làm nặng thêm các bệnh về giác mạc…

Viêm bờ mi có thể để lại những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, kịp thời…

3. Các phương pháp điều trị viêm bờ mi

4.1. Điều trị hỗ trợ viêm bờ mi

- Điều quan trọng trong điều trị viêm bờ mi là giữ cho mí mắt, da và tóc sạch sẽ. Điều này sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng viêm bờ mi. Có thể dùng dầu gội trẻ em pha loãng với nước ấm để chà nhẹ lên mí mắt/lông mi hàng ngày khi bị đóng vảy. Tiếp tục làm sạch mắt ngay cả khi các triệu chứng đã hết.

- Không đeo kính áp tròng trong khi có các triệu chứng, không trang điểm mắt, đặc biệt là bút kẻ mắt và mascara.

- Nén ấm: Làm ướt một chiếc khăn sạch bằng nước ấm và vắt cho đến khi hơi khô. Đắp khăn lên và mắt nhắm trong ít nhất 1 phút, giúp nới lỏng các mảnh vụn bám quanh lông mi. Ngoài ra cũng giúp giữ cho các tuyến dầu gần đó không bị tắc.

- Khô mắt thường được điều trị cùng lúc với viêm bờ mi. Nước mắt nhân tạo không chứa chất bảo quản, thường được khuyên dùng và nhỏ 4 lần/ngày cho cả hai mắt.

- Nên bổ sung trong chế độ ăn uống với một loại axit béo thiết yếu như omega-3 do khả năng chống viêm. Omega-3 có thể giúp các tuyến dầu ở mí mắt hoạt động tốt hơn. Các loại cá béo như cá hồi hoặc cá mòi có chứa omega-3 hoặc trong các thực phẩm bổ sung có chứa omega-3.

Việc giữ cho mí mắt, da và tóc sạch sẽ sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng viêm bờ mi.

4.2. Điều trị bằng thuốc viêm bờ mi

- Thuốc chống nhiễm trùng: Thuốc kháng sinh được chứng minh là giúp giảm các triệu chứng và giải quyết nhiễm trùng mí mắt do vi khuẩn. Thuốc nhỏ mắt azithromycin 1% tại chỗ 2 lần/ngày. Nếu bệnh nhân không đáp ứng với kháng sinh tại chỗ, bác sĩ có thể đề nghị dùng kháng sinh đường uống như erythromycin, doxycycline, minocycline và tetracycline...

Lưu ý, tetracycline chống chỉ định trong thời kỳ mang thai, cho con bú và trẻ em dưới 12 tuổi vì ảnh hưởng đến sự phát triển của răng và có thể dẫn đến đổi màu răng vĩnh viễn.

- Thuốc chống viêm: Thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ steroid (fluorometholone 0,1%) thường chỉ dành cho những người không đáp ứng với các liệu pháp khác. Có thể kết hợp cả thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm.

Lưu ý, cần dùng steroid đúng chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc. Việc sử dụng steroid không đúng theo chỉ định, kéo dài hơn 2 tuần có khả năng xảy ra các biến chứng đe dọa thị giác.

- Thuốc tác dụng lên hệ thống miễn dịch: Cyclosporine tại chỗ (restocation) giúp giảm một số dấu hiệu và triệu chứng của viêm bờ mi như khô mắt do thiếu nước. Cyclosporin 0,05% có tính an toàn vượt trội so với corticosteroid, dành riêng để điều trị bệnh mắt nghiêm trọng khi cần chỉ định liệu pháp chống viêm dài hạn.

Thuốc mỡ tacrolimus có đặc tính ức chế miễn dịch mạnh. Cơ chế hoạt động tương tự như cyclosporine, khả năng thâm nhập tốt qua mô giác mạc và kết mạc, làm giảm hiệu quả các dấu hiệu viêm kết mạc và bờ mi dị ứng. Tacrolimus 0,03% cũng đã được sử dụng trong điều trị viêm bờ mi dai dẳng, dùng từ 14-30 ngày. Thuốc có tác dụng phụ thường ít (kích ứng bề mặt nhãn cầu thoáng qua).

- Thuốc kháng kí sinh: Ivermectin dùng để điều trị viêm bờ mi liên quan đến Demodex (một loại ký sinh trùng). Tác dụng phụ của ivermectin uống thường nhẹ, bao gồm đỏ bừng mặt, buồn nôn, choáng váng, tiêu chảy, nhức đầu, đau khớp và nhịp tim nhanh thoáng qua.

Lưu ý, ngay cả khi điều trị thành công, tình trạng này thường là mãn tính và cần được chú ý hàng ngày bằng cách tẩy tế bào chết cho mí mắt.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Lưu ý khi tiêm vaccine phòng thủy đậu cho trẻ.

DS.Hoàng Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-phuong-phap-tri-viem-bo-mi-mat-169230324190600632.htm