Các phương pháp điều trị nghiện game

Nghiện game được định nghĩa là tình trạng không thể kiểm soát cảm giác thèm chơi game, chơi liên tục và ưu tiên việc chơi game trong cuộc sống đến mức lệ thuộc vào game, ngày càng cô lập bản thân với gia đình, bạn bè và xã hội...

Hiện nay, có nhiều phương pháp được sử dụng để điều trị nghiện game. Phương pháp phổ biến nhất là liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp tâm lý cá nhân, liệu pháp tâm lý nhóm và liệu pháp gia đình. Tuy nhiên, việc điều trị cho bệnh nhân nghiện game cần có sự kết hợp của cả phương pháp tâm lý và sử dụng thuốc để điều trị các hậu quả kèm theo của nghiện game.

1. Các thuốc điều trị nghiện game

Trong hầu hết các trường hợp, người nghiện game phải bị cưỡng bức điều trị do họ luôn không hợp tác, hay bỏ trốn. Người nghiện game cần được điều trị bệnh tại khoa Tâm thần hoặc tại các cơ sở nghiện game có các bác sĩ chuyên khoa tâm thần và có đủ cơ sở vật chất cho phép.

Nghiện game thường đi kèm với nhiều rối loạn tâm thần khác nhau do hậu quả của chơi game quá mức hoặc có những rối loạn tâm thần là nguyên nhân dẫn đến nghiện game như trầm cảm, lo âu, mất ngủ, sử dụng chất kích thích, tăng động giảm chú ý…

Để điều trị trầm cảm ở bệnh nhân nghiện game, nhóm thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng gồm những loại thuốc sau:

Các nghiên cứu lâm sàng đầu tiên về escitalopram, một loại thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, đã cho thấy một số khía cạnh tích cực của việc sử dụng nó trong nghiện game. Escitalopram làm giảm đáng kể lượng thời gian sử dụng trực tuyến cũng như cải thiện tâm trạng của những người nghiện.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm bupropion (chất ức chế vận chuyển dopamine và norepinephrine và chất đối kháng thụ thể nicotinic acetylcholine), cũng được sử dụng để cai nghiện game. Sau khi sử dụng bupropion, người nghiện giảm ham muốn và thời gian dành cho trò chơi.

Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng cả escitalopram và bupropion đều có hiệu quả trong việc điều trị và kiểm soát các triệu chứng rối loạn chơi game trên internet; tuy nhiên, bupropion cho thấy tác dụng lớn hơn escitalopram trong việc giảm các triệu chứng bốc đồng và chú ý.

Chứng nghiện game cần được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm liệu pháp tâm lý và dùng thuốc.

Một loại thuốc chống trầm cảm khác, sertraline (chất ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin), được sử dụng để điều trị các triệu chứng mất ngủ, lo lắng, cáu gắt, chán nản và bi quan. Thuốc sertraline có thể giúp bệnh nhân mất dần triệu chứng thèm chơi game và tăng mối quan tâm của người nghiện game về các vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống thực xung quanh. Thuốc này rất ít tác dụng phụ, song một số người vẫn có cảm giác khô - đắng miệng, đầy bụng và chóng mặt nhẹ trong tuần đầu dùng thuốc.

Cho đến nay, thuốc chống loạn thần chưa cho thấy tác dụng có lợi lớn trong điều trị nghiện game. Olanzapine là thuốc thuộc nhóm này, được chỉ định để cắt các triệu chứng hung hăng, kích động, cáu gắt, mất ngủ, lo lắng, chán ăn và ý định tự sát của bệnh nhân nghiện game.

Khi dùng thuốc, bệnh nhân rất dễ đi vào giấc ngủ, ngủ nhiều và ăn rất nhiều, gây rối loạn chuyển hóa, tăng cân, nguy cơ rối loạn lipid máu, đái tháo đường. Vì thế sau vài tuần điều trị, bệnh nhân có thể tăng cân, thể trạng tốt lên trông thấy. Tuy nhiên, khi dùng thuốc kéo dài (nhiều tháng), một số bệnh nhân trở nên thừa cân, béo phì. Vì vậy, cần kiểm soát chế độ ăn uống bằng cách cắt giảm chất bột đường, tăng cường rau xanh, trái cây và vận động nhiều để hạn chế tăng cân.

Methylphenidate, một loại thuốc kích thích tâm thần đã được chứng minh chống lại rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), sử dụng ở trẻ em được chẩn đoán mắc chứng rối loạn này và những người chơi trò chơi điện tử trên internet. Sau khi điều trị bằng methylphenidate, các triệu chứng ADHD đã được cải thiện đáng kể và thời gian trung bình sử dụng internet giảm rõ rệt.

Trong một nghiên cứu khác, hiệu quả của methylphenidate đối với việc chơi game trực tuyến có vấn đề ở thanh thiếu niên mắc ADHD được so sánh với atomoxetine (thuốc không kích thích), một chất ức chế tái hấp thu norepinephrine có chọn lọc và thuốc được kê đơn cho ADHD. Cả methylphenidate và atomoxetine đều làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng rối loạn chơi game trên internet và mức giảm này tương quan với việc giảm tính bốc đồng, cũng là kết quả của cả hai loại thuốc ADHD.

Clonazepam là thuốc bình thần có hiệu quả cắt tình trạng lo âu, hoảng sợ và kích động của bệnh nhân nghiện game rất nhanh. Chỉ sau uống thuốc vài chục phút, tình trạng khủng hoảng của bệnh nhân đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, thuốc gây ngủ rất mạnh, đặc điểm này rất có lợi cho bệnh nhân trong thời gian đầu dùng thuốc. Thuốc clonazepam là một benzodiazepine nên không được sử dụng kéo dài. Ngay khi bệnh nhân hết hội chứng cai nghiện game (thường sau 1 - 2 tuần điều trị), các bác sĩ sẽ ngừng sử dụng thuốc này vì dùng kéo dài thuốc có nguy cơ gây nghiện.

2. Lưu ý khi sử dụng thuốc

Tình trạng nghiện game cần được điều trị trong một khoảng thời gian nhất định. Sau giai đoạn điều trị tấn công, người bệnh cần tiếp tục điều trị củng cố nhằm chống tái nghiện, đây là công việc quyết định việc thành bại của cai nghiện game trên internet. Đảm bảo sử dụng thuốc đúng liều, tránh quên uống thuốc điều trị, theo dõi đầy đủ tác dụng không mong muốn của thuốc.

Người bệnh cần được khám lại định kỳ và theo dõi đều đặn. Giảm dần thời gian sử dụng các thiết bị điện tử, thời gian truy cập mạng xã hội, thời gian chơi game… Tăng cường các hoạt động thể dục thể thao, các hoạt động tập thể tránh các môi trường dễ làm bệnh nhân tái lại nghiện game như làm việc online, học online…

Mời bạn đọc xem thêm:

TS. BS. Trịnh Thị Bích Huyền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-phuong-phap-dieu-tri-nghien-game-169240416223933623.htm