Các nước ráo riết mua vàng

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào số lượng vàng kỷ lục trong quý đầu năm. Trong tuần này, giá kim loại quý vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce.

Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương đã mua vào tổng cộng 228 tấn vàng dự trữ trong 3 tháng đầu năm. Đây là mức cao nhất trong quý I kể từ năm 2000, dù đã sụt giảm so với những quý gần đây.

Nói với CNBC, bà Louise Street - chuyên gia phân tích thị trường tại WGC - cho rằng xu hướng này đã được kéo dài sang quý đầu tiên của năm 2023. Hồi năm ngoái, các ngân hàng trung ương mua vào lượng vàng lớn nhất trong vòng 11 năm.

Nhu cầu đối với vàng của các ngân hàng trung ương đã giảm, nhưng vẫn đạt mức kỷ lục so với quý I của những năm trước đó. Ảnh: Bloomberg.

Nhu cầu trú ẩn

Theo bà Street, vàng luôn đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa đầu tư và là kho lưu trữ giá trị dài hạn. Nhưng trong vòng 2 năm qua, tầm quan trọng của kim loại quý càng trở nên rõ ràng hơn nhờ vào "hiệu quả của loại tài sản này trong thời kỳ khủng hoảng".

WGC tin rằng nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương sẽ giảm trong năm nay, sau khi tăng đột biến vào năm ngoái.

Tuy nhiên, năm 2022, nhu cầu chủ yếu tập trung ở những thị trường đang phát triển. Thời điểm đó, thị trường vàng toàn cầu bị đè nặng bởi các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để đối phó với lạm phát tăng cao. Khi lãi suất đi lên, giới đầu tư ồ ạt bán những tài sản không trả lãi như vàng.

Còn năm nay, các trung tâm tài chính toàn cầu có thể đẩy mạnh mua vàng. Fed đã phát đi tín hiệu chuẩn bị kết thúc chu kỳ tăng lãi suất của mình.

Quý đầu năm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã mua thêm 58 tấn vàng, nâng kho dự trữ lên 2.068 tấn, chiếm 4% tổng dự trữ toàn cầu. Thổ Nhĩ Kỳ mua thêm 30 tấn vàng trong quý I, còn Ấn Độ bổ sung 7 tấn - một con số khá khiêm tốn.

Người tiêu dùng Trung Quốc mua 198 tấn vàng trang sức trong quý I, chiếm 41% toàn cầu. Nhu cầu đã tăng vọt sau khi Bắc Kinh gỡ bỏ các biện pháp chống dịch.

Trong khi đó, giá vàng tăng vọt và biến động mạnh đã khiến nhu cầu tại Ấn Độ sụt giảm. Quý I, nhu cầu vàng ở quốc gia này rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm.

Đề phòng rủi ro tài chính

Xét trên phương diện đầu tư, theo bà Street, nhu cầu vàng đã gia tăng đáng kể sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng lớn thứ 17 nước Mỹ. Vụ phá sản của SVB kéo theo một loạt rắc rối của ngành tài chính ngân hàng nước này.

Tuần này, giới quan sát đã cảnh báo rằng ngành ngân hàng có thể còn lao đao hơn nữa sau sự sụp đổ của First Republic. Nhà băng này đã được bán cho JPMorgan Chase.

Những lo ngại về rủi ro hệ thống trong nền kinh tế Mỹ đã thúc đẩy dòng tiền chảy vào vàng. Tại Mỹ, nhu cầu đối với vàng thỏi và tiền xu bằng vàng đã tăng vọt 5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 302 tấn.

Theo một phân tích của Nick Martin tại Hootsuite - nền tảng tiếp thị truyền thông xã hội (Vancouver), số lượt tìm kiếm liên quan đến "vàng và tiền mã hóa" đã đạt mức kỷ lục kể từ năm 2018.

Dựa theo dữ liệu của Google Trends trong vòng 20 năm trở lại đây, trong tháng 4, số lượt tìm kiếm "cách mua vàng" trên Google cũng cao chưa từng thấy.

SPDR Gold Shares - quỹ ETF vàng vật lý lớn nhất thế giới - đã tăng trưởng khoảng 20% trong 6 tháng qua. Trong tháng đầu năm, doanh số đồng xu vàng American Eagle vọt lên mức cao nhất trong hơn một năm.

Ở chiều ngược lại, nhu cầu vàng đã sụt giảm tại châu Âu, nhất là Đức với mức giảm lên tới 73%. Theo WGC, nguyên nhân là lãi suất thực tại khu vực đồng euro tăng cao. Giá vàng tính bằng euro cũng đi lên, thúc đẩy nhà đầu tư chốt lời.

Về phía cung, tổng nguồn cung vàng đã tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng khai thác trong quý I đạt mức kỷ lục 856 tấn, còn sản lượng tái chế đạt 310 tấn.

Thảo My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-nuoc-rao-riet-mua-vang-post1428610.html