Các nước nghèo ngày càng suy yếu do thiếu nguồn đầu tư

Trong bối cảnh hậu đại dịch, xung đột Nga-Ukraine làm đảo lộn thị trường thực phẩm và năng lượng, lạm phát lan rộng và lãi suất tăng cao, nền kinh tế toàn cầu đang trở nên suy yếu.

Nợ của các nước nghèo đang ngày càng trầm trọng. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhật báo Le Figaro cho rằng kinh tế các nước nghèo suy yếu hơn so với các nước khác. Vấn đề nợ của các nước này và khoảng cách với các nền kinh tế phát triển một lần nữa lại được đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa diễn ra tại Gandhinagar, bang Gujarat, Ấn Độ.

Theo một báo cáo mới đây của Liên hợp quốc (LHQ), nợ công đã tăng cao trên toàn thế giới, đạt mức kỷ lục 92.000 tỷ USD vào năm 2022. Nợ công đã tăng gấp năm lần trong vòng 20 năm qua, trong khi GDP, thước đo tăng trưởng kinh tế, chỉ tăng gấp ba trong cùng khoảng thời gian. Hầu hết các chính phủ đã vay nợ để đối phó với các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, gánh nặng này đặc biệt nặng nề đối với các nước đang phát triển vì “khả năng tiếp cận tài chính hạn chế, chi phí đi vay tăng, đồng tiền mất giá và tăng trưởng yếu”, LHQ lưu ý trong báo cáo của mình và nhấn mạnh: “Các khoản thanh toán lãi vay ròng vượt quá 10% tổng thu nhập của 50 nền kinh tế mới nổi. Gần 3,3 tỷ người, đặc biệt là ở châu Phi, sống ở các quốc gia chi tiêu cho việc trả lãi nhiều hơn là đầu tư cho y tế hoặc giáo dục".

Điều này thể hiện "sự thất bại của hệ thống tài chính toàn cầu", theo đánh giá của Tổng Thư ký LHQ, Antonio Guterres. Các quốc gia này gần như không có sự lựa chọn ngân sách cho đầu tư cần thiết trong các mục tiêu phát triển bền vững, hoặc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Tuy vậy, "gánh nặng nợ nần của những nước nghèo này lại không được coi là một rủi ro trong hệ thống tài chính toàn cầu", ông lên tiếng phản đối và đề nghị cần có các biện pháp hỗ trợ để giúp giảm bớt gánh nặng nợ cho các nước đang phát triển và thúc đẩy phát triển bền vững.

Nợ của các nước đang phát triển hiện đang chiếm 30% trong tổng nợ thế giới, tăng nhanh hơn các nơi khác, chủ yếu do lãi suất cao hơn. Một phần ngày càng lớn trong khoản nợ của các nước nghèo (62% nợ nước ngoài của họ) do các chủ nợ tư nhân nắm giữ và họ tính lãi suất cao hơn đáng kể so với các tổ chức đa phương.

Tính trung bình, các nước châu Phi phải trả hơn 4 lần so với Mỹ và 8 lần so với các nền kinh tế giàu nhất châu Âu. Tổng cộng, có 52 quốc gia, tương đương gần 40% thế giới đang phát triển, "phải đối mặt với vấn đề nợ nần lớn", ông Antonio Guterres nhận định, đồng thời yêu cầu cải cách các thể chế tài chính quốc tế. Ông nhấn mạnh: "Đây là kết quả của sự bất bình đẳng nội tại trong hệ thống tài chính toàn cầu đã lỗi thời, phản ánh những động lực thuộc địa từ thời điểm nó được tạo ra".

Theo công ty bảo hiểm tín dụng Coface, tình hình đang xấu đi đặc biệt là ở châu Phi. Lục địa này có hơn một nửa số trường hợp mắc nợ quá mức hoặc nguy cơ mắc nợ quá mức trên toàn cầu. Theo giải thích của công ty bảo hiểm tín dụng, sự phụ thuộc vào nhập khẩu (thực phẩm, năng lượng...), việc quen với nguồn tài chính dồi dào và rẻ, cùng với mức thu thuế thấp là những nguyên nhân chính gây ra khó khăn.

Tác động của xung đột ở Ukraine đã dẫn đến sự suy giảm mạnh về thặng dư thương mại trong các nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu. Các quốc gia như Ai Cập, Ethiopia, Kenya và Ghana, là những ví dụ về sự phát triển mạnh mẽ của châu Phi trong thập kỷ vừa qua, giờ đây đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế.

Nguyên nhân phần lớn do sự yếu kém trong điều tiết tài khoản công (sự không cân đối trong việc quản lý và trả nợ công) và điều hành hoạt động ngoại thương (sự mất cân đối trong việc nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ) ở các quốc gia này.

Công ty bảo hiểm tín dụng Coface đánh giá rằng chỉ có một số quốc gia khai thác tài nguyên như Angola, Nam Phi, Algeria hay Botswana đã có thể vượt qua những khó khăn khác nhau nhờ hưởng lợi từ giá cao của hàng hóa đã giúp họ giảm bớt các cú sốc kinh tế.

Một tình trạng bất bình đẳng đáng lo ngại khác đang làm phức tạp tình hình của các nước nghèo. Đó là các quốc gia này đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút vốn cần thiết để đầu tư vào năng lượng sạch, như đã được chỉ ra trong một báo cáo khác, do Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố hồi đầu tháng Bảy.

Theo cơ quan này, các quốc gia đang phát triển thiếu khoảng 4.000 tỷ USD mỗi năm để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, các quốc gia này chỉ thu hút được 544 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào năm 2022, trong khi họ cần đầu tư 1.700 tỷ USD mỗi năm trong lĩnh vực này để cố gắng đạt được các mục tiêu đề ra.

Mặc dù đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo đã tăng gần gấp ba lần từ năm 2015, song phần lớn số tiền đầu tư đều đi vào các nước phát triển. Nếu không thể thu hút được nguồn vốn cho đầu tư phát triển bền vững, các nghèo sẽ ngày càng nghèo thêm. Hệ quả là khoảng cách giàu nghèo giữa các nước sẽ ngày càng sâu sắc./.

Thu Hà (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-nuoc-ngheo-ngay-cang-suy-yeu-do-thieu-nguon-dau-tu/300409.html