Các nước ASEAN nắm cơ hội tốt để trở thành điểm đến đầu tư

Đại dịch COVID-19 đã cung cấp những bài học quý giá rằng chuỗi cung ứng hàng hóa không thể tập trung ở một quốc gia. Nhiều công ty đa quốc gia đang bắt đầu chuyển từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác, đặc biệt là ASEAN.

Jakarta - Thủ đô của Indonesia

Theo Phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế HSBC ở thủ đô Jakarta ngày 16/9/2020, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết 143 công ty từ Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, HongKong và Trung Quốc đã lên kế hoạch chuyển đầu tư của họ sang Indonesia. Việc di dời có khả năng mang lại hơn 300.000 việc làm. Chính phủ Indonesia cũng đã chuẩn bị hạ tầng để đáp ứng việc tái định cư. Bên cạnh đó, Ủy Ban Điều phối Đầu tư quốc gia Indoensia (BKPM) sẽ hỗ trợ các thủ tục cấp giấy phép đầu tư cho các nhà đầu tư này. Chính phủ Indonesia cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng cho các nhà đầu tư vì đất đai và giấy phép là hai trong số những vấn đề lớn cản trở đầu tư tại Indonesia.

Một cây cầu cho người đi bộ băng qua Jl. Sudirman ở Trung tâm Jakarta. Ảnh: thejakartapost.com

Bộ trưởng Airlangga cũng cho biết, Indonesia sẽ là một điểm đầu tư thú vị cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty di dời đến Indonesia là cơ hội tốt để Indonesia thay thế Trung Quốc trở thành điểm đến đầu tư cũng như trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu. Kế hoạch tái phân bổ chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 đã cung cấp những bài học quý giá rằng chuỗi cung ứng hàng hóa không thể tập trung ở một quốc gia. Giờ đây, nhiều công ty đa quốc gia đang bắt đầu chuyển từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác, đặc biệt là ASEAN.

Indonesia chuẩn bị một khu công nghiệp rộng 4.000 ha cho công ty dược phẩm của Mỹ chuyển đến từ Trung Quốc. ( ảnh minh họa: Nguyễn Thành/ TTXVN)

Tuy nhiên, ông Airlangga nhận thấy rủi ro bất trắc trong năm nay vẫn rất cao. Điều này khiến nền kinh tế Indonesia phải đối mặt với những thách thức cả bên ngoài và bên trong. Áp lực từ bên ngoài là sự không chắc chắn đối với kinh tế toàn cầu có nguồn gốc từ đại dịch COVID-19, khiến nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tiếp tục tồi tệ. Trong khi đó, từ trong nước, do tác động của kinh tế thế giới cùng với tác động của đại dịch đã làm tăng trưởng của Indonesia trong quý II giảm 5,32%. Chính phủ hiện đang khắc phục nên kinh tế, trong đó có việc hoàn thiện Dự luật tạo việc làm để đầu tư có thể tăng lên. Sau đó, sẽ xây dựng một danh sách các ưu tiên đầu tư, trong đó bao gồm các lĩnh vực sẽ được ưu tiên cung cấp cơ sở vật chấtvà không đánh thuế.

Đầu tư trong quý II năm 2020 đã giảm 4,3% so với quý I, trong đó, đầu tư trong nước đạt 94,3 nghìn tỷ IDR, giảm 1,4% và đầu tư nước ngoài đạt 97,6 nghìn tỷ IDR, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/cac-nuoc-asean-nam-co-hoi-tot-de-tro-thanh-diem-den-dau-tu-20200917114930892.htm