Các nhà văn trẻ Việt Nam: 'Quả cảm bước vào con đường chưa ai từng đặt chân'

Dẫu nhiều thách thức, khó khăn, những cây bút trẻ đang sẵn sàng dấn thân, mở lối đi riêng để khẳng định vị trí của mình trong nền văn học nước nhà.

(Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 vừa qua đã lóe lên những tín hiệu vui cho sự phát triển của văn học trẻ nước nhà. Hội đồng giải thưởng đã phát hiện ra những “giọng nói” mới mẻ, đầy bản lĩnh trong văn chương như Lê Quang Trạng với “Cá Linh đi học,” Đức Anh với “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời” hay Thảo Nguyên với “Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp.”

Những cây bút trẻ thế hệ 9X, Gen Z hứa hẹn mang đến tinh thần, nhịp điệu mới, đầy sáng tạo cho văn học nước nhà, như ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: “Họ đang bước trên những con đường chưa có dấu chân người với lòng quả cảm.”

Người trẻ chật vật tìm lối đi riêng

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, các tác giả trẻ hiện nay đang đối mặt với những thách thức to lớn nếu muốn dấn thân vào văn chương. “Ngọn núi” đầu tiên chắn trước mặt họ chính là những thành tựu văn chương đã có của nước nhà, những tên tuổi đã ghi dấu ấn sâu sắc trên văn đàn và trong lòng bạn đọc.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Thách thức ở đây là tác giả trẻ vừa phải thấu hiểu, thừa nhận, tôn vinh những giá trị văn chương đã có, vừa phải tự tìm ra con đường riêng cho mình. Trong một khu rừng có rất nhiều con đường, những người trẻ cần phải chọn những lối đi chưa có dấu chân người,” ông Thiều nói.

Trở ngại thứ hai chính là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đang đe dọa có thể làm thay phần nào đó công việc của những người viết. Bên cạnh đó, các tác giả trẻ còn phải đối mặt với thực tế là công chúng ngày nay có quá nhiều xu hướng và lựa chọn; nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật ngày càng khắt khe hơn.

Nhà văn Đức Anh (sinh năm 1993) tán thành những ý kiến trên. Anh cho rằng bản thân đã phải đối mặt với 3 thách thức. Thứ nhất là văn học Việt Nam đã có quá nhiều thiên tài, họ là những “cái bóng” rất lớn, đòi hỏi người trẻ phải chật vật đi tìm phong cách riêng. Thứ hai là áp lực cạnh tranh với những hình thức giải trí khác như phim ảnh... Thứ ba là áp lực từ gia đình và xã hội, khiến cho nhà văn trẻ đôi khi mất động lực và niềm tin.

“Ngày nay, xã hội có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp, nhiều ngành nghề mới ra đời. Lựa chọn viết văn có nghĩa là đi một con đường khó kiếm tiền hơn, đòi hỏi sức lao động bền bỉ hơn. Do đó, không phải lúc nào chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ của gia đình và xã hội,” nhà văn Đức Anh bày tỏ.

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép, sống hai cuộc đời” đoạt Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đồng cảm với nhà văn Đức Anh, nhà văn Hiền Trang (sinh năm 1993) cho rằng đối với nhà văn trẻ, điều quan trọng nhất là được tự hào nói rằng mình là nhà văn.

Khi tham gia khóa đào tạo viết văn quốc tế của Đại học Iowa (Mỹ) năm 2022, Hiền Trang được gặp gỡ nhiều người, thậm chí là cả khách du lịch từ bang khác đến. Biết cô là nhà văn, họ vui vẻ hỏi thăm về các tác phẩm, xin chữ ký và bày tỏ sự yêu mến. Cũng tại đây, mỗi khi giới thiệu mình là nhà văn, cô luôn được đón chào và không “bị” ai hỏi là “Bạn còn làm công việc nào khác để kiếm sống không?”

“Họ giúp tôi thấy yêu công việc này và yên tâm rằng nhà văn là công việc được xã hội đánh giá cao, có ích và xứng đáng để tiếp tục theo đuổi,” nhà văn Hiền Trang chia sẻ.

Bản lĩnh bước qua những thất bại

Thách thức thì nhiều, vậy các cây bút trẻ phải làm gì để khẳng định mình? Theo nhiều ý kiến, để có thể sống được với đam mê viết lách, các nhà văn trẻ không chỉ cần tài năng, đam mê mà còn phải có bản lĩnh.

Tác giả Đức Anh (giữa) nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Chỉ khi có đam mê, bản lĩnh, sự sáng tạo và nghĩ về văn chương như một điều thiêng liêng thì các nhà văn trẻ mới có thể đi qua những thách thức. Nếu họ không tự tìm ra con đường, phong cách, tư tưởng, ngôn ngữ, giá trị của mình thì họ sẽ nhụt chí và không có được công chúng của mình,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định.

Nhà văn Thảo Nguyên (sinh năm 1997) cho hay cô đã vượt qua 5 lần thất bại để có được Giải Nhất Cuộc Vận động Sáng tác Văn học về đề tài thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam đợt 1 (2021-2023). Cô nhận ra rằng đam mê và bản lĩnh đứng lên từ những thất bại có thể sẽ mang lại thành công cho mình.

“Tôi đã từng gửi 5 bản thảo tác phẩm đến các nhà xuất bản nhưng đều bị từ chối. Đến bản thảo thứ 6 – ‘Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp’ thì bất ngờ được trao giải cao. Đây là tác phẩm tôi viết về chính mình, từ những lần thất bại của mình,” Thảo Nguyên chia sẻ.

Tác giả Thảo Nguyên mới được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Thảo Nguyên cho hay các nhà văn trẻ đang có nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp thông qua các trại sáng tác, hệ thống giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và thông qua mạng xã hội để giới thiệu tác phẩm, tìm kiếm độc giả, miễn là người viết thực sự có tài năng và đam mê.

Với nhà văn Đức Anh, các tác giả trẻ cần nhất là tham vọng, dám viết ra những suy nghĩ của mình, dám xuất hiện trước công chúng, dám bảo vệ và quảng bá tác phẩm của mình. Theo Đức Anh, mạng xã hội ngày nay chính là môi trường thuận lợi cho các cây bút trẻ. Một số nhà văn đang rất biết cách tận dụng trang cá nhân để quảng bá tác phẩm, tìm kiếm độc giả, có người dùng YouTube để kể chuyện, tạo ra những tác phẩm audiobook của chính mình

“Suy cho cùng, các nhà văn cần hiểu rõ thế mạnh của mình là gì. Có người rất ‘có duyên,’ trong việc xây dựng hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội, có người am hiểu pháp luật thì sẽ có chất liệu để viết các tác phẩm trinh thám,” Đức Anh chia sẻ.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định văn học Việt Nam đang có sức sống mãnh liệt bởi các thế hệ trẻ ngày nay đang tiếp bước thế hệ cha anh. Tuy nhiên, thực tế là nhiều tác giả trẻ chưa định hình được nghề viết văn sẽ đem lại những giá trị gì cho mình và xã hội.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết hiện Bộ đang triển khai đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030, trong đó có lĩnh vực lý luận và sáng tác văn học. Bên cạnh đó, Bộ cũng tích cực tổ chức các trại sáng tác, tổ chức các cuộc thi, hoạt động giới thiệu tác phẩm của tác giả trẻ, đồng thời đang nỗ lực xây dựng dự thảo Nghị định về hoạt động văn học, tạo đà cho văn học Việt Nam, nhất là văn học trẻ cất cánh, hình thành một lực lượng sáng tác trẻ tài năng, trách nhiệm, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, phát triển văn hóa quốc gia.

“Với một lực lượng mỏng nhưng ‘tinh,’ đầy khát khao cống hiến, lại được ‘chắp cánh’ nhờ cơ chế chính sách, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chúng ta có quyền hy vọng và đặt niềm tin vào những cây bút trẻ rằng họ sẽ định vị được tên tuổi của mình trên văn đàn và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà,” ông Tạ Quang Đông chia sẻ./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cac-nha-van-tre-viet-nam-qua-cam-buoc-vao-con-duong-chua-ai-tung-dat-chan-post930091.vnp