Các nhà trường Quân đội: Xây dựng lực lượng nòng cốt trong đấu tranh tư tưởng, lý luận

Cùng với nhiệm vụ giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) và nghiên cứu khoa học, nhà trường Quân đội là một lực lượng nòng cốt, quan trọng đặc biệt trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.

Phải làm gì để gắn nghiên cứu khoa học với đấu tranh tư tưởng, lý luận trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay? Việc này đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên sâu trong các nhà trường Quân đội.

Nghiên cứu chuyên sâu, đấu tranh hiệu quả

Trước yêu cầu mới của thực tiễn, cùng với nhiệm vụ GD-ĐT, thời gian qua, các nhà trường Quân đội với chức năng, nhiệm vụ đã có những cách làm sáng tạo, đặc thù gắn nghiên cứu khoa học với đấu tranh tư tưởng, lý luận và cho thấy tính hiệu quả thiết thực, sâu rộng. Là trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng kiến thức khoa học xã hội nhân văn vào lĩnh vực quân sự, thời gian qua, Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự, Học viện Chính trị luôn đề cao vai trò, tính gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với đấu tranh tư tưởng, lý luận. Hằng năm, Viện xây dựng kế hoạch khoa học quân sự, xác định các đề tài, chuyên đề nghiên cứu toàn diện, trong đó tập trung lực lượng nòng cốt, chuyên sâu về đấu tranh tư tưởng, lý luận. Viện lựa chọn đội ngũ cán bộ nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành, những đồng chí có trình độ, chuyên môn và kinh nghiệm để định hướng nội dung nghiên cứu, đi vào các vấn đề thực tiễn đang đặt ra với công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận, ví như: “Chiến lược của các nước lớn tác động đến Việt Nam và xử lý đúng đắn mối quan hệ Việt Nam với các nước lớn”; “Nghiên cứu giải pháp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ xa trong tình hình mới”...

Các đại biểu tham quan gian trưng bày các công trình nghiên cứu khoa học bên lề Hội thảo khoa học cấp quốc gia năm 2023 tại Học viện Chính trị. Ảnh: CAO DƯƠNG

Theo Đại tá, TS Bùi Thanh Cao, Phó viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự, nhờ kết hợp tốt hai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đấu tranh tư tưởng, lý luận nên đã góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT; kịp thời giải quyết các vấn đề tư tưởng, lý luận nảy sinh từ thực tiễn; góp phần cung cấp luận cứ, dự báo khoa học để các cấp đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo trong đấu tranh, phê phán quan điểm sai trái, thù địch.

Để tăng sức đấu tranh tư tưởng, lý luận, hằng năm, Học viện Quốc phòng tổ chức các đoàn cán bộ, giảng viên, học viên đi nghiên cứu thực tế, học tập trao đổi kinh nghiệm toàn diện trên các lĩnh vực; chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn, bổ sung những vấn đề mới trong nghiên cứu về hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đưa vào bài giảng. Đồng thời, Học viện tổ chức tọa đàm, trao đổi với các tỉnh, thành phố, đơn vị về nâng cao xử lý tình huống bạo loạn lật đổ, chống phá của các thế lực, qua đó góp phần phản bác các quan điểm sai trái. Còn ở Học viện Hậu cần, đơn vị vừa tổng kết, trao giải Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3. Tác phẩm dự thi thuộc một trong 3 loại hình: Tạp chí, báo và video clip. Từ cuộc thi này đã lựa chọn các tác phẩm dự thi cấp toàn quân và vinh dự có nhiều tác phẩm đoạt giải. Theo Trung tướng Dương Đức Thiện, Chính ủy Học viện Hậu cần, thành công thấy rõ từ cuộc thi là thu hút số lượng đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên tham gia nghiên cứu, viết bài đấu tranh tư tưởng, lý luận; qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thế giới quan khoa học cho cán bộ, giảng viên, học viên đối với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch.

Những ví dụ trên cho thấy, cùng với nhiệm vụ GD-ĐT và nghiên cứu khoa học, nhà trường Quân đội là một lực lượng nòng cốt, quan trọng trong đấu tranh tư tưởng, lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bám sát tình hình thực tiễn, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy các nhà trường thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp trong công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận. Nội dung, hình thức và biện pháp đấu tranh tư tưởng, lý luận có sự đổi mới, gắn lý luận với thực tiễn, như: Kết hợp nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với việc học tập, viết báo khoa học, nghiên cứu khoa học, viết sách, tham luận hội thảo khoa học các cấp; viết bài đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái trên mạng xã hội... Điều đó đã giúp cán bộ, học viên nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chủ động, cảnh giác, ứng xử phù hợp với những thông tin xấu, độc trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiên quyết đấu tranh, góp phần vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Cần lực lượng nòng cốt, chuyên sâu

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác nghiên cứu khoa học gắn với đấu tranh tư tưởng, lý luận ở các nhà trường Quân đội hiện nay vẫn còn một số tồn tại. Qua khảo sát, ghi nhận ý kiến tại một số nhà trường Quân đội trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi đều thấy một thực trạng chung, đó là: Hiện nay, hầu hết cán bộ tham gia đều là kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ cho lĩnh vực nghiên cứu đấu tranh tư tưởng, lý luận. Một số cấp ủy còn chưa coi trọng công tác gắn kết nghiên cứu khoa học với đấu tranh tư tưởng, lý luận. Cùng với đó, tâm lý e dè, sợ “đấu tranh, tránh đâu” của một bộ phận cá nhân dẫn đến chưa có nhiều đột phá, đổi mới về nội dung, hình thức, phương thức nghiên cứu đấu tranh tư tưởng, lý luận. Có đơn vị khâu tổ chức thì rầm rộ nhưng hiệu quả thực chất lại chưa cao, chưa xuất hiện nhiều bài viết chuyên sâu, chưa có nhiều đề tài công trình khoa học tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị trong đấu tranh tư tưởng, lý luận... Đây là những rào cản của hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Để hóa giải những tồn tại trên, mới đây, Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự, Học viện Chính trị tổ chức Hội thảo khoa học “Gắn kết nghiên cứu khoa học với đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nhà trường Quân đội hiện nay”. Các tham luận tại hội thảo đều khẳng định: Trong bối cảnh toàn cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thủ đoạn của các thế lực thù địch hết sức tinh vi, nham hiểm. Trách nhiệm của các nhà trường Quân đội là phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, phối hợp với các lực lượng nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với đấu tranh tư tưởng, lý luận.

Theo Đại tá, PGS, TS Võ Văn Hải, Phó viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự: Nghiên cứu khoa học và đấu tranh tư tưởng là hoạt động gắn kết giữa lý luận với thực tiễn nhằm nhận diện, đấu tranh với những quan điểm sai trái. Để gắn kết hiệu quả hai nhiệm vụ này, trước hết các nhà trường Quân đội phải kiên định, vận dụng đúng đắn Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Cấp ủy, tổ chức đảng các nhà trường cần quán triệt, thực hiện nghiêm quan điểm kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, lấy xây là chính, đồng thời đề cao tính tích cực, chủ động sáng tạo của cán bộ, giảng viên, học viên. Bên cạnh đó, phải bảo đảm cơ chế, chính sách, môi trường phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và đấu tranh tư tưởng, lý luận.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà trường cần chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt, cán bộ nghiên cứu có trình độ, chất lượng, kinh nghiệm, chuyên sâu. Khi đã chọn được những “hạt giống đỏ” thì phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận cho họ. Trong đó, kết hợp giữa bồi dưỡng kiến thức lý luận với việc bồi dưỡng phương pháp đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận trong tình hình mới. Đồng thời, mỗi cán bộ, giảng viên, học viên rèn luyện tác phong làm việc khoa học; phát huy tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm và kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các quan điểm sai trái, thù địch.

Hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với đấu tranh tư tưởng, lý luận chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi tạo được sức mạnh tổng hợp, tính cộng đồng, lan tỏa sâu rộng. Trên tinh thần ấy, các nhà trường Quân đội cần tăng cường công tác phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị và giữa các nhà trường Quân đội. Quá trình ấy sẽ cung cấp thêm nhiều cứ liệu, tài liệu khoa học, cẩm nang, đóng góp hiệu quả, thiết thực trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

PHẠM KIÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cac-nha-truong-quan-doi-xay-dung-luc-luong-nong-cot-trong-dau-tranh-tu-tuong-ly-luan-741544