Các nguyên tắc bảo mật camera gia đình, tránh bị nhìn trộm

Sử dụng camera giám sát trong gia đình phát huy nhiều tác dụng như theo dõi người già và trẻ nhỏ, tăng cường an ninh, chống trộm cắp... song cần tuân thủ các nguyên tắc để không bị theo dõi, nhìn trộm.

Video nhạy cảm gia đình được rao bán tràn lan

Trên mạng xã hội Telegram gần đây xuất hiện nhiều hội nhóm với chủ đề mua bán các clip từ việc hack camera của các gia đình tại Việt Nam. Mỗi nhóm có vài nghìn thành viên tham gia.

Một nhóm trên mạng xã hội này giới thiệu: "Để đáp ứng nhu cầu của anh em, hiện bên mình có nhóm với hơn 400 QR Cam và còn cập nhật thường xuyên với giá cả hợp lý. Phần mềm bên mình quét liên tục từ nam ra bắc, mọi ngóc ngách. Từ nhà vệ sinh, ghế sofa, phòng ngủ, phòng tắm, phòng khách, khách sạn...". Trong bài giới thiệu, các nhóm này cũng để đường dẫn vào tài khoản liên hệ mua vé sở hữu việc xem các clip từ việc hack camera nói trên.

Sử dụng camera an ninh trong gia đình cần thận trọng, tránh vô tình bị lộ các thông tin nhạy cảm.

Liên hệ với các tài khoản trên, người dùng sẽ được yêu cầu đóng khoản phí để nhận về các mã code phục vụ cho việc xem clip. Tài khoản P.H cho biết, mức phí được đóng theo các mức: 350 nghìn đồng/3 tháng, 600 nghìn đồng/6 tháng và 800 nghìn đồng được sử dụng vĩnh viễn. Số tiền thanh toán được các đối tượng quy đổi thành thẻ nạp điện thoại hoặc chuyển khoản vào một tài khoản ngân hàng.

Theo B&Company Vietnam (Công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn đầu tư nước ngoài của Nhật Bản đặt tại Việt Nam), thị trường camera ở nước ta đang có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, với tỉ lệ tăng trưởng hằng năm khoảng 8,6% trong giai đoạn 2020-2026.

Chỉ tính riêng năm 2021, số lượng camera nhập khẩu ở nước ta ước tính 5 triệu chiếc, chỉ đứng sau smartphone về sản lượng. Các loại camera trên thị trường Việt Nam có rất nhiều chủng loại, từ các thương hiệu nổi tiếng đến các sản phẩm giá trung bình. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại camera đều đảm bảo an toàn tuyệt đối, nhất là với các sản phẩm giá rẻ hoặc không rõ nguồn gốc.

Thực tế, nhiều thông tin hình ảnh nhạy cảm, liên quan đến bí mật đời tư cá nhân, thông tin hình ảnh doanh nghiệp… đã bị lộ lọt và bị phát tán trên các trang mạng do camera bị hack.

Ông Ngô Việt Khôi, Cố vấn bảo mật của Tập đoàn MKgroup lấy ví dụ trường hợp một phụ nữ ở Hải Phòng bị phát tán hình ảnh khi thay đồ và nhiều hoạt động riêng tư khác lên mạng, trong khi người phụ nữ đó không biết. Trong trường hợp này, nguyên nhân hình ảnh bị phát tán là do người thợ lắp camera không bảo vệ mật khẩu cho chủ nhà và bản thân chủ nhà cũng không biết để thay đổi mật khẩu camera khi sử dụng.

Những sai lầm thường gặp khi lắp camera giám sát

Ông Ngô Anh Tuấn, chuyên gia an ninh mạng cho biết, hầu hết loại camera an ninh được nhiều gia đình sử dụng hiện nay đều là dạng camera IP kết nối qua mạng Internet WiFi. Những loại này có giá rẻ đến mức bình dân, nhà nào cũng có thể mua về sử dụng. Việc lắp đặt cũng đơn giản, chỉ cần kết nối mạng WiFi, vị trí gắn đâu cũng được, miễn có nguồn điện để thiết bị hoạt động liên tục.

Tuy nhiên, việc lắp đặt có đôi chút khó khăn ở thao tác cài đặt phần mềm lên điện thoại, kết nối camera với điện thoại và thiết lập phần mềm quản lý. Dù các thiết bị và phần mềm điều khiển đều có hướng dẫn khá cụ thể, nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện dễ dàng. Do vậy, nhiều người thường nhờ đến những người "rành nghề" hơn làm giúp, hoặc có thể thuê nhân viên dịch vụ kỹ thuật đến nhà cài đặt giúp.

Theo ông Ngô Anh Tuấn, một trong những sai lầm của nhiều người dùng hiện nay là nhờ người khác lắp đặt các camera cho mình... rồi để họ quản lý luôn. Nhiều người dùng nhờ người khác cài đặt giúp rồi đọc luôn tên đăng nhập, mật khẩu cho họ và sau đó không "buồn" sửa lại.

Đây là điều tối kỵ trong việc bảo mật tài khoản cá nhân, dù người cài đặt giúp mình có là người quen, thân đi nữa. Nhiều người dùng sẽ không biết được rằng người kia chỉ cần nhớ tên và mật khẩu, họ chỉ việc cài đặt phần mềm quản lý lên điện thoại của họ, đăng nhập vào tài khoản quản lý là có thể "sở hữu" những hình ảnh từ chiếc camera an ninh trong gia đình khổ chủ.

Một sai lầm khác là nhiều người dùng để nguyên thiết lập mặc định của nhà sản xuất thiết bị và sử dụng, vì cứ đinh ninh chỉ có điện thoại của mình mới điều khiển được camera an ninh ở nhà. Những thiết lập mặc định có thể là dạng public (công khai, không cần mật khẩu đăng nhập) hoặc mật khẩu đơn giản (thường là 123456 hay abcdef)...

Những thông tin về thiết lập mặc định của nhà sản xuất trong các thiết bị hoàn toàn có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Khi đó, những kẻ có ý đồ hoặc "hàng xóm" tò mò có thể dùng các phần mềm dò tìm camera hoặc phần mềm quản lý để kết nối với camera của nhà bạn.

Để phòng trường hợp bị hack camera, chuyên gia khuyến cáo người dùng nên đầu tư và sử dụng camera có thương hiệu uy tín, bởi những loại giá rẻ thường tiềm ẩn nguy cơ cao bị trích xuất dữ liệu. Chỉ cho phép những người cần thiết có quyền truy cập vào hệ thống camera. Đặt mật khẩu mạnh (chứa các ký tự kết hợp chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt) cho camera; không sử dụng mật khẩu mặc định của nhà sản xuất, đồng thời phải thay đổi mật khẩu thường xuyên. Kích hoạt xác thực hai yếu tố (nếu có) để tăng cường bảo mật.

Nên sử dụng tường lửa để chặn truy cập không mong muốn từ bên ngoài và sử dụng VPN khi truy cập camera từ xa để bảo vệ thông tin truyền tải. Ngoài ra, người dùng cần thường xuyên cập nhật firmware (phần mềm cơ bản) mới nhất chính hãng cho camera để vá các lỗ hổng bảo mật, bật chế độ bảo vệ 2 lớp 2FA đối với tài khoản quản trị camera, đặt mật khẩu truy cập và bật chế độ mã hóa dữ liệu AES đối với video mà camera ghi lại.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-nguyen-tac-bao-mat-camera-gia-dinh-tranh-bi-nhin-trom-169231215104641741.htm