Các ngân hàng trung ương lo khi kinh tế tốt hơn dự kiến

Những dấu hiệu đáng ngạc nhiên về sự bền bỉ của các nền kinh tế, từ Mỹ, châu Âu cho tới Trung Quốc, đang khiến cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương trở nên phức tạp hơn.

Các nền kinh tế vẫn hoạt động tốt

Bất chấp những áp lực từ tỷ lệ lạm phát cao và làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, nền kinh tế toàn cầu vẫn đang thể hiện sức sống bền bỉ đáng kinh ngạc. Các kết quả khảo sát hoạt động kinh doanh vừa được công bố hồi tuần trước cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ tại khắp các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Ấn tượng nhất phải kể đến Trung Quốc, nơi hoạt động kinh tế đang bứt tốc mạnh mẽ sau khi các chính sách phòng dịch nghiêm ngặt được nới lỏng. Các số liệu vừa được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm 1-3 cho thấy, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của lĩnh vực sản xuất nước này trong tháng 2 đã tăng lên 52,6 – mức cao nhất kể từ tháng 4-2012, đánh dấu tháng mở rộng hoạt động thứ hai liên tiếp.

Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chỉ số PMI tổng hợp đã tăng từ mức 50,3 trong tháng 1 lên 52 trong tháng 2. Mặc dù vẫn thấp hơn đôi chút so với mức dự báo 52,3, kết quả này cho thấy Eurozone đã tạm thoát khỏi nguy cơ suy thoái kinh tế – điều mà các chuyên gia đã dự đoán hồi năm ngoái, khi cuộc xung đột Nga – Ukraine đẩy giá năng lượng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Còn tại Mỹ, chỉ số PMI sản xuất dù vẫn ở dưới ngưỡng 50, nhưng đã tăng từ mức 47,4 trong tháng 1 lên 47,7 trong tháng 2. Lĩnh vực phi sản xuất cũng tiếp tục duy trì xu hướng mở rộng, với chỉ số PMI đạt mức 55,1 – cao hơn đáng kể so với mức dự báo 54,5 của giới chuyên gia.

Lạm phát cao tiếp tục dai dẳng

Theo Wall Street Journal, những dữ liệu tích cực tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc là hoàn toàn trái ngược với những dự đoán được đưa ra trước đó bởi Ngân hàng Thế giới (WB) và các chuyên gia phân tích, những người từng tin tưởng rằng 2023 sẽ là một trong những năm yếu nhất của kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, những kết quả vốn được coi là đầy hứa hẹn đối với các chính phủ này lại là tin tức đáng lo ngại đối với giới chức các ngân hàng trung ương, vốn đang chật vật với cuộc chiến chống lạm phát.

Các số liệu gần đây của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, song song với sự phục hồi kinh tế, lạm phát tại nước này đã tăng cao hơn dự đoán trong tháng 1, trong khi hoạt động chi tiêu tiêu dùng của người dân vẫn được duy trì. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mức chi tiêu của người tiêu dùng tăng 1,8% so với tháng trước đó – mức tăng lớn nhất trong gần hai năm qua.

Còn tại châu Âu, dù giá năng lượng đã hạ nhiệt nhờ mùa đông ấm hơn thường lệ làm giảm nhu cầu sưởi ấm, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 vẫn được duy trì ở mức cao, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái do đà tăng của giá lương thực thực phẩm và dịch vụ. Chỉ số CPI cốt lõi (không bao gồm các mặt hàng có giá biến động cao như lương thực và năng lượng) cũng đạt mức cao kỷ lục, tăng 5,6%.

Chuyên gia Andrew Hunter tại Capital Economics nhận định “việc giá cả tăng trở lại là một mối lo ngại tiềm tàng. Nó báo hiệu rằng, đà phục hồi gần đây của nền kinh tế đang tạo ra những động lực mới đối với lạm phát”.

Thị trường việc làm tiếp tục nóng

Bên cạnh đó, một trong những mối quan tâm hàng đầu của các ngân hàng trung ương là thị trường việc làm, hiện vẫn đang trong tình trạng nóng khi nền kinh tế hoạt động tốt. Giới hoạch định chính sách hiện đang cố gắng tìm kiếm những dữ liệu như số người thất nghiệp tăng, số giờ lao động giảm hay tiền lương tăng chậm lại – những yếu tố có thể hạ nhiệt nhu cầu lao động và qua đó kiềm chế áp lực lạm phát.

Các số liệu vừa được công bố hồi tuần trước cho thấy, số người Mỹ nộp đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 25-2 đã ghi nhận xu hướng giảm, cho thấy thị trường việc làm vẫn đang vững mạnh. Tiền lương của người lao động cũng tăng 0,9% trong tháng 1 – nhanh hơn gấp đôi so với mức tăng của tháng 12-2022.

“Thị trường lao động Mỹ không có dấu hiệu suy yếu khi số lượng người lao động bị sa thải chỉ ở mức tối thiểu, bất chấp các đợt cắt giảm nhân sự hàng loạt trong vài tháng qua của các công ty công nghệ lớn. Điều này sẽ khiến các quan chức Fed càng quyết tâm hơn trong việc hạ nhiệt nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất”, chuyên gia kinh tế trưởng Christopher Rupkey tại FWDBONDS nhận định.

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại châu Âu, nơi sự phục hồi kinh tế đang giúp người lao động có vị thế khá tốt để tìm kiếm mức lương mong muốn.

Nỗi lo ngại của các ngân hàng trung ương

Với những diễn biến trên, khả năng các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tăng lãi suất lên cao hơn nữa để hạ nhiệt nền kinh tế và kiềm chế lạm phát, đang ngày càng được củng cố.

Tại châu Âu, ngay sau khi lạm phát cơ bản của Eurozone tăng vọt, các nhà kinh tế tại Barclays đã nâng dự báo về lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương và hiện kỳ vọng nó sẽ đạt mức cao kỷ lục trong những tháng tới. Triển vọng này cũng được xác nhận bởi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde.

Trả lời phỏng vấn truyền hình Tây Ban Nha hôm thứ Năm tuần trước, bà cho biết không nghi ngờ nhiều về việc các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 16-3 tới, và có thể duy trì điều này trong cả các cuộc họp sau đó.

Tại Mỹ, những thông điệp tương tự cũng liên tiếp được các quan chức Fed đưa ra. Thống đốc Fed Christopher Waller mới đây cho biết, loạt “dữ liệu nóng” về lạm phát và thị trường việc làm có thể buộc ngân hàng trung ương này đẩy lãi suất điều hành vượt mức dự báo 5,1-5,4% được đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái.

Đơn vị nghiên cứu thị trường của ngân hàng Bank of America (BofA) cũng nhận định nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ và thị trường lao động thắt chặt có thể khiến Fed tăng lãi suất lên gần 6%. “Tổng cầu phải yếu đi đáng kể để lạm phát quay trở lại mức mục tiêu của Fed. Việc bình ổn hóa chuỗi cung ứng và thị trường lao động chậm lại sẽ giúp ích, nhưng chỉ ở một mức độ nào đó. Hơn nữa, các quá trình này mất nhiều thời gian hơn so với kỳ vọng của thị trường”, BofA cho biết.

Rủi ro cho tăng trưởng kinh tế

Wall Street Journal nhận định, chừng nào các ngân hàng trung ương còn quyết tâm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, bất kỳ dấu hiệu nào về sự mạnh mẽ của nền kinh tế cũng có thể kích hoạt một phản ứng chính sách để hạ nhiệt, qua đó dẫn tới sự tăng trưởng chậm trong giai đoạn cuối năm nay và năm 2024, vốn từng được kỳ vọng sẽ là năm phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu.

Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng tình của các chuyên gia tại Moody’s. Dù đã nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ và châu Âu trong một bản cập nhật công bố hồi tuần trước, Moody’s vẫn cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP của hai nền kinh tế sẽ chậm lại trong năm nay, với kết quả lần lượt là 0,9% và 0,5%.

Hậu quả của việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa sẽ không chỉ giới hạn ở những nền kinh tế như Mỹ hay châu Âu, mà còn có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế đang phát triển. Khi Fed tăng lãi suất, các thị trường mới nổi sẽ đối mặt với hàng loạt vấn đề, từ chi phí đi vay gia tăng, đồng tiền mất giá cho tới hoạt động xuất khẩu dần suy yếu.

“Đối với các ngân hàng trung ương, thông điệp duy nhất từ sự gia tăng tốc độ tăng trưởng và lạm phát gần đây chỉ có thể là các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ của họ cho đến nay vẫn chưa đủ”, Christian Keller, nhà kinh tế trưởng tại Barclays nhận định, đồng thời cảnh báo về khả năng các nền kinh tế sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái vào năm 2024, chậm hơn đôi chút so với dự kiến ban đầu là năm 2023.

Tình hình càng đáng lo ngại hơn nữa nếu biết rằng sự bền bỉ hiện nay của các nền kinh tế Mỹ và châu Âu có thể sẽ không kéo dài. Mark Dowding, Giám đốc đầu tư tại RBC BlueBay Asset Management, cho rằng sở dĩ các nền kinh tế hiện nay vẫn phục hồi tốt sau những động thái mạnh tay của các ngân hàng trung ương là bởi, lãi suất cơ bản cần phải vượt qua ngưỡng 2%, mới bắt đầu có tác động rõ rệt.

“Nếu đúng như vậy thì có nghĩa là tác động của chu kỳ tăng lãi suất ở Mỹ chỉ thực sự bắt đầu cách đây sáu tháng và ở châu Âu thì mới chỉ là giai đoạn khởi động”, ông Dowding nhận định.

Nguồn: WSJ, Reuters, Investing.com, Schroders, Quartz

Lạc Diệp

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-ngan-hang-trung-uong-lo-khi-kinh-te-tot-hon-du-kien/