Các ngân hàng phương Tây trả giá đắt nếu rút khỏi Nga

Các ngân hàng phương Tây có thể mất trắng 60 tỷ USD nếu quyết định rút khỏi thị trường Nga, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt khiến việc tiếp tục hoạt động là bất khả thi.

Andrea Orcel là CEO của ngân hàng quốc tế UniCredit. Chưa đầy một tháng trước khi chiến dịch quân sự ở Ukraine nổ ra, doanh nhân người Italy có cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin để thảo luận về cơ hội kinh doanh của UniCredit ở Nga. Trớ trêu là lúc này, UniCredit có nguy cơ mất trắng gần 8 tỷ USD nếu phải rút khỏi Nga, theo Financial Times.

Nguy cơ mất trắng 57 tỷ USD

UniCredit không phải ngân hàng quốc tế duy nhất đang hoạt động ở Nga rơi vào thế lưỡng nan bởi các lệnh trừng phạt quyết liệt chưa từng có của phương Tây sau khi Moscow đưa quân vào Ukraine.

“Bất ổn và nỗi lo quốc hữu hóa bao trùm ngành ngân hàng ở Nga, đây là kịch bản không thể tránh khi các biện pháp cấm vận ngày càng siết chặt. Về mặt kinh tế, các lệnh trừng phạt tương tự một quả bom nguyên tử, chúng tôi sẽ không trở lại Nga trừ khi có phép màu xảy ra”, chủ tịch một ngân hàng lớn của châu Âu cho hay.

Bên cạnh UniCredit, một số gã khổng lồ tài chính cũng đang rơi vào thế kẹt tại Nga là Societe Generale, Raiffeisen hay CitiGroup. Số tài sản của bốn ông lớn ở Nga có nguy cơ mất trắng lên đến 57 tỷ USD.

 Ông Andrea Orcel, CEO của UniCredit. Ảnh: AFP.

Ông Andrea Orcel, CEO của UniCredit. Ảnh: AFP.

Một thách thức khác về khía cạnh đạo đức đó là các ngân hàng phương Tây đã thuê hơn 30.000 nhân viên làm việc tại các chi nhánh ở Nga. Trừ khi tìm được một công việc khác tại các ngân hàng do nhà nước Nga quản lý, số lao động này sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp.

UniCredit, Societe Generale, Raiffeisen và CitiGroup hiện có khoảng 417 chi nhánh, phục vụ 10 triệu khách hàng ở Nga.

Nhà chức trách Nga cảnh báo sẽ bắt giam bất cứ lãnh đạo doanh nghiệp nào dám lên tiếng chỉ trích chiến dịch quân sự. Moscow cũng đe dọa quốc hữu hóa tài sản còn lại của các công ty đa quốc gia dừng hoạt động tại Nga.

“Quốc hữu hóa tài sản của công ty nước ngoài đồng nghĩa đóng cửa với thế giới bên ngoài và thừa nhận sự suy thoái không thể đảo ngược. Nếu Nga vỡ nợ tài chính, các doanh nghiệp không thể hoạt động, người tiêu dùng không thể dùng thẻ tín dụng, ngành dịch vụ sẽ chẳng còn gì. Rất nhiều nhân viên Nga làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài sẽ mất việc làm”, Steven Fisher, cựu CEO CityGroup ở Ukraine, nói.

Lãnh đạo các ngân hàng phương Tây đang chuẩn bị cho ba kịch bản chưa thể lường trước gồm bán rẻ tài sản, dần tiến tới chấm dứt hoạt động hoặc chuyển giao những gì còn lại cho chính phủ. Lúc này, các phương án vẫn đang được nghiên cứu.

Lựa chọn khó khăn

UniCredit xâm nhập thị trường Nga năm 2005. Ngân hàng này có thế mạnh về cho vay doanh nghiệp. Hơn 75% các khoản cho vay của UniCredit ở Nga dành cho các công ty, phần lớn là các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, hóa chất, vận tải, tài chính.

UniCredit không thể đơn giản là rút khỏi Nga và mất trắng các khoản cho vay hàng tỷ USD. Trong khi đó, các doanh nghiệp đi vay hiện gặp khó khăn trong tiếp cận ngoại tệ như USD, EUR để trả nợ.

“UniCredit có 4.000 nhân viên và phục vụ 1.500 doanh nghiệp ở Nga. Chúng ta cần cân nhắc thận trọng hậu quả phức tạp khi rút hoàn toàn một ngân hàng khỏi đất nước này”, ông Orcel nói.

Đến nay, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) chưa cho thấy ý định quốc hữu hóa bất cứ ngân hàng sở hữu nước ngoài nào, một số nguồn tin cho hay.

CBR không muốn phải gánh lấy trách nhiệm cung cấp thanh khoản sau khi quốc hữu hóa các ngân hàng nước ngoài. Đồng thời, CBR cũng muốn giữ các ngân hàng phương Tây ở lại Nga bởi đây là kênh quan trọng để huy động ngoại tệ mạnh, trong bối cảnh khoảng 50% dự trữ ngoại hối của Nga đã bị đóng băng.

 Người dân thành phố St. Petersburg xếp hàng chờ rút USD hôm 25/2. Ảnh: AP.

Người dân thành phố St. Petersburg xếp hàng chờ rút USD hôm 25/2. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, nếu các biện pháp trừng phạt và trả đũa giữa Nga và phương Tây tiếp tục leo thang, kịch bản các ngân hàng phương Tây bị Nga quốc hữu hóa là có thể lường trước.

“Ngay lúc này, CBR không muốn cắt đứt kênh kết nối sống còn giữa Nga với bên ngoài. Nhưng nếu tình hình xấu hơn, CBR sẽ có lý do để quốc hữu hóa”, một lãnh đạo ngân hàng phương Tây cho biết.

Quốc hữu hóa là kịch bản giúp giải thoát lãnh đạo các ngân hàng phương Tây khỏi trách nghiệm khó khăn là phải đưa ra quyết định. Nhưng điều này đồng nghĩa các ngân hàng sẽ mất trắng tài sản, điều không doanh nghiệp nào mong muốn.

Đóng cửa hoạt động là lựa chọn khó khăn nhất bởi sẽ khiến các ngân hàng vừa thiệt hại về tài sản, vừa mất uy tín trên thị trường quốc tế.

Trong khi đó, bán lại hoạt động kinh doanh cho ngân hàng Nga là lựa chọn hứa hẹn nhất bởi giúp giảm thiểu thiệt hại. Nhưng vào thời điểm này, không dễ để tìm được một đối tác Nga có khả năng mua lại hoạt động của họ.

Ngoài ra, có nhiều rào cản trong việc xin nhà chức trách phương Tây tạm hoãn các lệnh trừng phạt để tiến hành giao dịch. Từ giữa năm ngoái, CitiGroup đã thông báo kế hoạch bán lại hoạt động ở Nga nhưng thất bại.

“Chúng tôi đang cố bám trụ ở lại để hỗ trợ các khách hàng, nhưng tình hình ngày càng khó khăn hơn. Chúng tôi không rõ Nga sẽ trả đũa thế nào nếu chúng tôi rút đi mà không tìm được bên nào mua lại các khoản vay”, một lãnh đạo của CitiGroup cho biết.

Ngân hàng Societe Generale của Pháp có công ty con tên Rosbank hoạt động tại Nga. Rosbank hiện có 12.000 nhân viên, phục vụ 3,1 triệu khách hàng.

Trong cuộc họp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire với lãnh đạo Societe Generale và một số doanh nghiệp Pháp đang hoạt động ở Nga, các lãnh đạo chính phủ Pháp cho biết họ không gây sức ép đóng cửa hoạt động kinh doanh lên giới doanh nghiệp.

“Nếu là McDonald’s, có thể chỉ cần đóng cửa hàng, máy rán khoai sau này vẫn có thể sử dụng lại. Nhưng nếu một ngân hàng đóng cửa, hoạt động kinh doanh sẽ chết ngay sau đó”, đại diện của Societe Generale cho biết.

Chưa hẹn ngày trở lại

Ngân hàng Áo Raiffeisen là một trong số ít doanh nghiệp phương Tây mở rộng hoạt động tại Nga sau các lệnh trừng phạt năm 2014 vì Moscow sáp nhập Crimea. Raiffeisen hiện có 4,2 triệu khách hàng cùng khối tài sản 25 tỷ USD ở Nga.

Thị trường Nga đóng góp 30% lợi nhuận của Raiffeisen. Từ khi xung đột bùng phát, cổ phiếu của Raiffeisen đã mất 50% giá trị.

Hồi đầu tháng 3, CEO Johann Strobl khẳng định Raiffeisen sẽ không rút khỏi Nga. Nhưng tới hôm 16/3, ông Strobl thừa nhận đang “cân nhắc mọi lựa chọn chiến lược cho tương lai của ngân hàng Raiffeisen Nga, bao gồm ra đi trong trật tự”.

Với những ngân hàng không có chi nhánh con, việc rút đi không quá khó khăn. JPMorgan, Goldman Sach và Deutsche Bank đã thông báo bắt đầu rút khỏi Nga, tuy nhiên nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về ý định thực sự của ba gã khổng lồ ngành tài chính này.

“Khác biệt duy nhất giữa ba ngân hàng đó và những ngân hàng khác là họ đã thông báo công khai. Tất cả chúng tôi đang giảm dần quy mô hoạt động bởi sẽ không còn doanh nghiệp nào vận hành được dưới những lệnh trừng phạt như hiện nay. Nhưng hiện chưa ai có ý định từ bỏ giấy phép hoạt động ngân hàng ở Nga”, lãnh đạo một ngân hàng phương Tây nói.

 Đồng Ruble đã mất ít nhất 30% giá trị so với USD. Ảnh: AFP.

Đồng Ruble đã mất ít nhất 30% giá trị so với USD. Ảnh: AFP.

Deutsche Bank có các trung tâm tài chính công nghệ ở Nga với khoảng 1.500 nhân viên. Ngân hàng Đức đang đóng dần các cơ sở này. Trong khi đó, một ngân hàng Thụy Sĩ cho biết họ sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ an ninh tài chính cho khách hàng Nga từ Thụy Sĩ, đồng thời xóa hết dữ liệu nhạy cảm tại văn phòng ở Moscow.

Ngân hàng Thụy Sĩ dự định ra đi trong im lặng, cung cấp gói hỗ trợ thôi việc cho nhân viên tại Moscow nhưng đồng thời không công khai tuyên bố đóng cửa để tránh thu hút sự chú ý của giới chức Nga.

“Chúng tôi có trở lại Nga trong một năm nữa không à? Có lẽ không nếu tình hình không được cải thiện”, lãnh đạo ngân hàng Thụy Sĩ nói.

Trong khi đó, cựu lãnh đạo CityGroup Steven Fisher cho biết lịch sử đang lặp lại sau 100 năm kể từ lần đầu tiên Phố Wall tìm cách tiến vào thị trường Nga.

“Chúng tôi từng hy vọng tài chính quốc tế sẽ giúp Nga hội nhập sâu sắc hơn với phương Tây, nhưng đó là một sai lầm. Những tiến bộ kinh tế suốt 25 năm qua đã bốc hơi chỉ trong vòng 3 tuần”, ông Fisher nói.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-ngan-hang-phuong-tay-tra-gia-dat-neu-rut-khoi-nga-post1303890.html