Các ngân hàng Mỹ bắt đầu lo lắng về mạng xã hội

Nhiều ngân hàng Mỹ đang dần xếp mạng xã hội vào nhóm truyền thông có yếu tố rủi ro, mối đe dọa lớn thay vì là công cụ để tiếp thị như trước.

Theo Reuters, các ông lớn ngành ngân hàng tại Mỹ đang tăng cường công tác quản lý rủi ro, giám sát thông tin xung quanh việc sử dụng mạng xã hội. Xu hướng này bắt nguồn từ việc có nhiều ý kiến cho rằng chính công cụ để tiếp thị này (tiếp thị qua mạng xã hội) là nguyên nhân thúc đẩy vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) diễn ra nhanh bất ngờ vào 2 tháng trước và gây ra cả tình trạng hỗn loạn trong ngành.

Người đứng đầu tại các ngân hàng khắp nước Mỹ đang phải tìm cách đối phó hoặc giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất mà mạng xã hội có thể tác động đến hoạt động nhà băng.

Các rủi ro này bao gồm tin đồn xung quanh tình hình hoạt động của ngân hàng có thể dẫn tới hệ lụy xấu và khiến dòng tiền gửi của khách hàng bị rút ra. Thậm chí, chỉ cần một nghi ngờ nhỏ diễn ra cũng có thể gây áp lực lên cổ phiếu và khiến ngân hàng chịu tổn thất.

Những ví dụ về sự sụp đổ của các ngân hàng tại Mỹ là bài học sâu sắc, nhấn mạnh việc phải nhanh chóng thích ứng với các thay đổi. Giờ đây, các nhà băng cần sớm ngăn chặn các thông tin mang tính châm ngòi cho việc rút tiền gửi hoặc giảm giá trị cổ phiếu từ những nhà bán khống.

Trên phương diện nhà điều hành, các giám đốc ngân hàng đang bắt đầu hành động. Họ xem xét lại vai trò của mạng xã hội, có hay không đây là rủi ro lớn với ngành thay vì một công cụ tiếp thị hiệu quả mà ngành ngân hàng vẫn đang tưởng như trước đây.

Sau khi các dòng tweet đặt câu hỏi về tình hình sức khỏe tài chính của SVB nổ ra, hàng loạt khách hàng đã lo lắng và liên tục thực hiện hành động rút tiền. Cứ mỗi giây có khoảng 1 triệu USD tiền gửi sụt giảm tại ngân hàng này, khiến SVB phá sản nhanh chóng vào ngày 10/3.

Sumeet Chabria, nhà sáng lập ThoughtLinks, một công ty tư vấn tài chính có nhiều năm làm việc cùng với các ngân hàng cho biết: “Rủi ro về mặt truyền thông xã hội đối với các ngân hàng trước đây chủ yếu liên quan tới hình ảnh thương hiệu và tệ nhất là giảm uy tín. Nhưng hiện tại, sức ảnh hưởng của nó còn kinh khủng tới nỗi có thể thổi bay số tiền huy động của nhiều ngân hàng chỉ trong vài chục giờ đồng hồ".

Greg Becker, cựu Giám đốc điều hành của SVB, đổ lỗi cho mạng xã hội là yếu tố “chưa từng có trong lịch sử" dẫn đến vụ sụp đổ của ngân hàng. Khách hàng đã rút 42 tỷ USD từ ngân hàng này chỉ trong vòng 10 giờ đồng hồ.

Không chỉ người điều hành của SBV, sự sụp đổ nhanh chóng của nhà băng này cũng khiến toàn thị trường choáng váng. Vào ngày 8/3, các khách hàng gửi tiền đã thông báo về việc bán các khoản đầu tư chứng khoán và rút tiền gửi, khi những lo ngại về sức khỏe tài chính các ngân hàng leo thang, khách hàng đã liên tục chia sẻ các tweet bày tỏ lo lắng và rút tiền thông qua ứng dụng ngân hàng online.

Cựu Giám đốc điều hành của First Republic Bank, Michael Roffler, cũng đổ lỗi cho mạng xã hội về sự sụp đổ của nhà băng này vào 2 tháng sau đó.

Không để mất mát thêm, những người đứng đầu tại các ngân hàng Mỹ đã thảo luận và đưa ra phương án chung về việc bổ sung phương tiện truyền thông xã hội vào chương trình quản lý rủi ro. Điều này giúp các ngân hàng vạch ra được kế hoạch chi tiết cho phép đo lường các rủi ro có thể xảy ra và chuẩn bị trước phương án ứng phó.

 Một chi nhánh của Silicon Valley Bank ở California, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Một chi nhánh của Silicon Valley Bank ở California, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Giải pháp quyết liệt

Các ngân hàng Mỹ hiện áp dụng phương án liên hệ trực tiếp với những khách hàng có phản ánh trên mạng xã hội để nhanh chóng giải quyết các khiếu nại.

“Chúng tôi muốn bóp chết nó (các phản ánh tiêu cực - PV) từ trong trứng nước", một lãnh đạo ngân hàng giấu tên nói.

Greg Hertrich, người đứng đầu bộ phận chiến lược lưu ký của Mỹ tại Nomura, cho biết những gì diễn ra tại SVB có thể dễ dàng xảy ra ở những ngân hàng khác.

“Ngân hàng nào phớt lờ tác động của mạng xã hội tới hoạt động kinh doanh đều nhận về thua thiệt, các bên liên quan và người gửi tiền không còn dễ chiều chuộng như trước", ông nói.

Lindsey Johnson, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Ngân hàng Tiêu dùng Mỹ - nhóm có các thành viên chủ chốt nắm giữ 15.100 tỷ USD tài sản, tương đương 68% vốn của Mỹ - cho biết đối với người gửi có số vốn nhỏ, họ sẽ ưu tiên nhiều hơn đến ngân hàng gửi tiền mang tính an toàn. Những khách hàng này có xu hướng tìm tới thông tin từ những cá nhân có ảnh hưởng trong cộng đồng. Điều đó khiến tốc độ lan truyền tin tức "càng kinh khủng hơn".

"Nhiều ngân hàng đang chủ động tiếp cận khách hàng để truyền tải thông tin. Việc tiếp cận gồm cung cấp thông tin cho người gửi tiền thông qua email, Twitter và LinkedIn", bà Lindsey nói thêm.

Còn Giám đốc điều hành Citigroup Inc Jane Fraser thì cho rằng mạng xã hội đang là một yếu tố bất ngờ thay đổi hoàn toàn cuộc chơi của ngành ngân hàng.

Jim Perry, chiến lược gia cấp cao của Market Insights đánh giá: “Hiện có rất nhiều công cụ giám sát và quản lý mạng xã hội nhưng kinh nghiệm của ngân hàng còn yếu. Họ thường giao việc quản lý cho các nhóm tiếp thị không chuyên hoặc bên thứ ba.

Nhận thức được rủi ro đến gần, nhiều ngân hàng bắt đầu hiểu rằng cần dành nhiều nguồn nhân lực hơn cho việc giám sát thông tin trên mạng xã hội, khi nó đang là công cụ được ưu tiên hàng đầu trong việc tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư nhỏ lẻ”.

Reuters cũng trích dẫn một nguồn tin riêng cho biết Ủy ban ổn định tài chính (FSB) đang vào cuộc để điều tra vai trò của mạng xã hội trong tình trạng hỗn loạn thị trường ngành ngân hàng gần đây.

Thiên An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-ngan-hang-my-bat-dau-lo-lang-ve-mang-xa-hoi-post1432348.html