Các lực lượng, đoàn thể chung tay giúp người dân vùng cao thu hoạch lúa vụ xuân

Trước những diễn biến thất thường của thời tiết, khi lúa vụ xuân đã bắt đầu chín đồng loạt, các địa phương vùng núi cao Nghệ An đang tích cực 'ra quân' gặt lúa với phương châm 'xanh nhà hơn già đồng', hạn chế tối đa thiệt hại với sản phẩm đã đến kỳ thu hoạch.

Chung tay hỗ trợ nhân dân gặt lúa

Chiều 15/5, với tinh thần chung tay giúp người dân, đặc biệt là các hộ có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn gặt lúa vụ xuân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với Chi đoàn Công an huyện và cơ quan UBND huyện Quế Phong tổ chức gặt lúa giúp gia đình ông Lô Quốc Ngân ở bản Thanh Phong, xã Mường Nọc.

 Chi đoàn Công an huyện Quế Phong giúp người dân xã Mường Nọc gặt lúa. Ảnh: Nguyễn Việt

Chi đoàn Công an huyện Quế Phong giúp người dân xã Mường Nọc gặt lúa. Ảnh: Nguyễn Việt

Ông Phan Xuân Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết, đây là hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, vừa giúp đỡ gia đình neo người, vừa giúp địa phương thực hiện thắng lợi sản xuất vụ xuân 2024. Ông Ngân có con trai hiện đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, ở nhà chỉ còn hai bố mẹ già. Nhờ sự tham gia của hơn 20 người, hơn 2 sào lúa chín vàng của ông Ngân đã được gặt, tuốt gọn gàng trong chiều 15/5.

 Các đoàn thể, đơn vị huyện Quế Phong giúp người dân xã Mường Nọc gặt lúa vụ xuân 2024. Ảnh: Nguyễn Việt

Các đoàn thể, đơn vị huyện Quế Phong giúp người dân xã Mường Nọc gặt lúa vụ xuân 2024. Ảnh: Nguyễn Việt

Mường Nọc là một trong những xã có diện tích sản xuất lúa lớn của huyện Quế Phong, với 205 ha, trong đó, phần lớn diện tích trồng giống lúa Japonica cho năng suất, chất lượng khá cao, là một trong những nguồn thu nhập chính của người dân xã Mường Nọc. Ở các xã khác, đặc biệt là các xã biên giới, các lực lượng vũ trang, đơn vị đóng quân cũng tích cực hỗ trợ bà con thu hoạch lúa.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn giúp người dân bản Tân Sơn gặt lúa. Ảnh: Lê Thạch

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn giúp người dân bản Tân Sơn gặt lúa. Ảnh: Lê Thạch

Tương tự, tại xã Môn Sơn (Con Cuông), hiện nay cũng là thời điểm người dân thu hoạch lúa. Vì vậy, Đồn Biên phòng Môn Sơn phối hợp với các lực lượng khác như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, chi đoàn Công an xã giúp người dân gặt lúa, tuốt lúa ngay tại đồng ruộng. Anh Lương Văn Tý ở bản Tân Sơn cho biết, gia đình có hơn 2 sào lúa, song do vợ anh hiện đang bị bệnh hiểm nghèo không thể lao động, lúa đã chín vàng nhưng quá neo người. Nhờ có cấp ủy,chính quyền giúp đỡ gặt lúa, chỉ trong vòng 1 buổi đã thu hoạch và tuốt xong, gia đình chỉ cần phơi khô, cất trữ, không còn lo mưa gió.

 Em Lô Thị Bia (áo tím) mồ côi mẹ, được Đồn Biên phòng Tam Quang nhận đỡ đầu từ khi học cấp 1, đến nay, em Bia đã học lớp 11. Sáng 17/5, em Bia tham gia cùng các “bố biên phòng” gặt lúa cho hộ bà La Thị Thương. Ảnh: Ngọc Tân

Em Lô Thị Bia (áo tím) mồ côi mẹ, được Đồn Biên phòng Tam Quang nhận đỡ đầu từ khi học cấp 1, đến nay, em Bia đã học lớp 11. Sáng 17/5, em Bia tham gia cùng các “bố biên phòng” gặt lúa cho hộ bà La Thị Thương. Ảnh: Ngọc Tân

Tại huyện Tương Dương, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng Tam Hợp, Tam Quang cũng huy động lực lượng xuống đồng cùng bà con thu hoạch lúa. Sáng sớm 17/5, Trung tá Nguyễn Ngọc Tân - Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Quang cho biết, đơn vị cử 7 cán bộ, chiến sĩ giúp 2 hộ là bà La Thị Thương và bà La Thị Thoa ở bản Tùng Hương gặt 4 sào lúa và tuốt lúa ngay tại ruộng. Đây là các hộ gia đình mà đơn vị phụ trách xây dựng mô hình phát triển kinh tế, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn trên địa bàn xã.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Hợp giúp 2 hộ dân ở bản Huồi Sơn gặt lúa. Đây là 2 hộ gia đình khó khăn, neo đơn chỉ có ông bà ở nhà trông cháu nhỏ, sức khỏe yếu. Ảnh: Huy Thiên

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Hợp giúp 2 hộ dân ở bản Huồi Sơn gặt lúa. Đây là 2 hộ gia đình khó khăn, neo đơn chỉ có ông bà ở nhà trông cháu nhỏ, sức khỏe yếu. Ảnh: Huy Thiên

Thượng tá Nguyễn Ngọc Cẩm - Phó Chủ nhiệm Chính trị bộ đội biên phòng tỉnh cho biết, ở các xã biên giới, hiện người dân đang vào vụ gặt lúa xuân, đơn vị chỉ đạo các đồn biên phòng tích cực giúp dân thu hoạch, đặc biệt là giúp đỡ các hộ gia đình neo đơn, khó khăn, các hộ có con em được các đồn biên phòng nhận đỡ đầu. Đến nay, các đồn biên phòng đã huy động hơn 100 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp 18 hộ gia đình gặt hơn 6 ha lúa xuân; góp phần hỗ trợ nhân dân thu hoạch vụ mùa nhanh chóng, tránh thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra.

Lúa chín đến đâu gặt nhanh đến đó

Những ngày này, gia đình ông Lô Văn Tuấn ở bản Na Cày, xã Tiền Phong (Quế Phong) huy động nhân lực để ra đồng gặt lúa vụ xuân. Ông Tuấn gieo cấy 2 ha lúa vụ xuân, ông cho biết, năm nay lúa xuân được mùa, hạt chắc mẩy, hứa hẹn cho năng suất cao nên gia đình rất phấn khởi thu hoạch. Hơn nữa, thời điểm tháng 5 thường xảy ra mưa gió, thậm chí giông lốc thất thường nên theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã, huyện gia đình ông gấp rút thu hoạch. Nơi nào chín đều, tỷ lệ trên 80% thì gặt trước. Toàn xã Tiền Phong gieo cấy khoảng 300 ha lúa vụ xuân, tập trung ở các bản Na Cày, Phương Tiến 1, bản Đan…

 Các đơn vị, đoàn thể huyện Quế Phong giúp gia đình ông Lô Quốc Ngân gặt lúa. Ảnh: Nguyễn Việt

Các đơn vị, đoàn thể huyện Quế Phong giúp gia đình ông Lô Quốc Ngân gặt lúa. Ảnh: Nguyễn Việt

Vụ xuân 2024, toàn huyện Quế Phong gieo cấy khoảng 2.700 ha lúa, rải đều hầu khắp các địa phương trên địa bàn huyện. Song theo ông Phan Xuân Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong, diện tích lúa vụ xuân tập trung lớn nhất là ở các xã vùng trung tâm, với diện tích trung bình khoảng 100 ha/xã. Một số địa phương có diện tích trồng lúa lớn như Mường Nọc, Châu Kim khoảng 200 ha/xã, Tiền Phong khoảng 300 ha. Đặc biệt, xã Tri Lễ 450 ha…

Ông Phan Xuân Hùng cho biết, hiện nay, lúa vụ xuân 2024 ở huyện Quế Phong đang trong giai đoạn chín sáp đến chín hoàn toàn, trà muộn đang trong giai đoạn chín sữa (chủ yếu ở xã Tri Lễ). Với diễn biến thời tiết cực đoan như thời gian qua, việc thực hiện lúa chín đến đâu thu hoạch đến đó là rất quan trọng, giúp giảm thiểu thiệt hại. Khí hậu vùng miền núi cao thời gian bước vào mùa mưa khoảng tháng 4 đến tháng 9 thường sáng nắng, chiều mưa nên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện khuyến cáo người dân tập trung thu hoạch vào buổi sáng sớm đến trước 3 giờ chiều hàng ngày để tránh mưa gió, thậm chí sấm sét, tố lốc, mưa đá.

 Đoàn Thanh niên các xã trên địa bàn huyện Kỳ Sơn tham gia giúp các hộ khó khăn thu hoạch lúa xuân 2024. Ảnh: Hoài Thu

Đoàn Thanh niên các xã trên địa bàn huyện Kỳ Sơn tham gia giúp các hộ khó khăn thu hoạch lúa xuân 2024. Ảnh: Hoài Thu

Tại huyện Kỳ Sơn, ông Nguyễn Bá Cường – Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, vụ xuân 2024 toàn huyện gieo cấy khoảng 220 ha, trong đó, tập trung nhiều ở các xã như Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Hữu Lập, Na Ngoi… Đến giữa tháng 5/2024, lúa ở các địa phương đã bắt đầu chín rộ. Song đây cũng là thời điểm thời tiết diễn biến bất thường, gần đây nhất ở huyện Kỳ Sơn đã diễn ra liên tiếp 3 đợt mưa đá, tố lốc khiến nhà cửa, cây trồng bị thiệt hại nặng nề. Vì vậy, huyện chỉ đạo người dân thu hoạch “cuốn chiếu”, lựa chọn ruộng có tỷ lệ lúa chín nhiều, nơi xa hơn tiến hành gặt trước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ xuân 2024 Nghệ An gieo cấy được 91.075 ha, đạt 100,64% so với kế hoạch đề ra đến giữa tháng Năm, toàn tỉnh đã thu hoạch được trên 5.000 ha lúa vụ xuân, chủ yếu tại các huyện đồng bằng như Yên Thành, Diễn Châu… Các huyện vùng cao khí hậu lạnh hơn, lúa chín muộn hơn nên hiện nay bà con mới bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Toàn tỉnh phấn đấu sản lượng lương thực năm 2024 khoảng 1,2 triệu tấn; trong đó, vụ xuân 2024 phấn đấu đạt 703.625 tấn lương thực để góp phần lớn đạt mục tiêu chung của cả năm.

Lực lượng vũ trang ở các huyện biên giới giúp người dân thu hoạch lúa vụ xuân. Clip: Ngọc Tân - Huy Thiên

Hoài Thu

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/cac-luc-luong-doan-the-chung-tay-giup-nguoi-dan-vung-cao-thu-hoach-lua-vu-xuan-post289400.html