Các hãng hàng không 'kiếm lời' 33 tỷ USD từ phí hành lý ký gửi

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường IdeaWorks, 20 hãng hàng không hàng đầu thế giới đã thu về khoảng 33 tỷ USD doanh thu từ phí hành lý vào năm ngoái.

Khoản phí hành lý ký gửi đem về 33 tỷ USD cho 20 hãng hàng không trên thế giới trong năm 2023. Ảnh: Theo CNBC.

CNCB dẫn báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu thị trường IdeaWorks cho biết, 20 hãng hàng không hàng đầu thế giới đã thu về khoảng 33 tỷ USD từ phí hành lý ký gửi trong năm 2023, tăng 15% so với năm trước đó.

Con số nói trên bao gồm phí kiểm tra hành lý, phí phạt hành lý vượt quá cân nặng quy định và nhiều khoản phí khác mà hành khách phải đóng để xử lý hành lý.

Đơn cử như phí hành lý ký gửi nội địa tại Mỹ áp dụng cho hành lý đầu tiên hiện dao động 25-89 USD. Trong khi trước đây, các hãng hàng không của Mỹ cho phép 2 kiện hàng ký gửi cho mỗi giá vé. Do đó, để tránh bị thu thêm tiền, không ít hành khách đối phó với phí hành lý ký gửi bằng cách mang thêm hành lý xách tay lên máy bay.

Ngoài chi phí này, các hãng hàng không này kiếm được gần 118 tỷ USD từ nhiều khoản phí bổ sung từ các dịch vụ khác như chọn chỗ ngồi, bán đồ ăn nhẹ, thức uống trên máy bay hay chương trình khách hàng thân thiết.

Kết quả khảo sát này được đưa ra dựa trên khảo sát từ các hãng hàng không nổi tiếng như American Airlines, Delta, United, Southwest, Emirates...

Theo IdeaWorks, phí hành lý ký gửi được xem là một trong những giải pháp giúp các hãng hàng không truyền thống tại Mỹ vực dậy trong giai đoạn giá nhiên liệu tăng vọt vì cuộc khủng hoảng dầu mỏ kéo dài từ năm 2007-2008.

Kể từ đó, loại phí này đã được các hãng hàng không khác trên toàn thế giới áp dụng. Tuy nhiên, không ít hãng đã lạm dụng điều này và tận thu cước hành lý ký gửi.

Mới đây, hãng hàng không American Airlines thông báo tăng giá dịch vụ ký gửi đối với khách nội địa lên 40 USD tại sân bay và 35 USD khi làm thủ tục trực tuyến. Mức này tăng 33% so với chính sách áp dụng từ năm 2018 của hãng.

Chia sẻ với CNBC, đại diện hãng hàng không American Airlines cho biết, việc tăng phí này sẽ tạo điều kiện cho nhân viên của họ tập trung nhiều hơn với nhóm khách hàng cần hỗ trợ thêm trong chuyến bay. Song, hãng thông báo sẽ giảm phí với hành lý quá cân ít.

Hãng hàng không giá rẻ JetBlue Airways của Mỹ cũng tăng phí hành lý trong tháng này đối với những hành khách không lên kế hoạch trước. Hành lý ký gửi đầu tiên vẫn có giá 35 USD nếu khách hàng thanh toán 24 giờ trước khi khởi hành. Nhưng nếu khách hàng đợi đến trong vòng 24 giờ trước khi khởi hành để kiểm tra hành lý, phí sẽ tăng từ 40 USD lên 45 USD.

"Chúng tôi không hề muốn tăng nhưng đây là cách để giữ giá vé ở mức thấp và duy trì các dịch vụ tiện ích cho khách hàng trong chuyến bay như Wifi, TV", đại diện hãng hàng không JetBlue chia sẻ.

Hay như tháng 1 vừa qua, phí hành lý của Alaska Airlines đã tăng thêm 5 USD, nâng chi phí lên 35 USD cho hành lý đầu tiên và 45 USD cho kiện hành lý thứ hai.

Hầu hết các hãng hàng không cho rằng, động thái tăng phí ký gửi là do các chi phí về nhân công, nhiên liệu đang ngày càng tăng cao. Việc tăng giá dịch vụ là một cách giúp họ có lãi trở lại sau thời gian khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/cac-hang-hang-khong-kiem-loi-33-ty-usd-tu-phi-hanh-ly-ky-gui-post32009.html