Các dự án trên sông Vân tạo điểm nhấn cảnh quan, kiến trúc đô thị

Hình ảnh 'núi Thúy, sông Vân' được xem là biểu tượng văn hóa của thành phố Ninh Bình. Để từng bước hiện thực hóa quan điểm phát triển 'lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn', giai đoạn 2021-2025, tỉnh Ninh Bình đã tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư nhằm tôn tạo, nâng cấp các công trình, cảnh quan trên sông Vân…

Nhà thầu tập trung máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Chà Là.

Các công trình "thế kỷ" đa mục tiêu

Sông Vân nối liền sông Vạc và sông Đáy, chảy qua nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình công cộng đi vào tâm thức người dân Ninh Bình, như núi Non Nước, đền thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, chợ Rồng, Nhà văn hóa trung tâm tỉnh.

Đồng chí Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết: Theo định hướng phát triển, sông Vân là tuyến đường thủy du lịch. Nằm trong lộ trình từng bước xây dựng đô thị Ninh Bình trở thành điểm thu hút bậc nhất trong các thành phố du lịch của cả nước, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, không gian kiến trúc đồng bộ, hiện đại, gắn liền với bề dày lịch sử của Cố đô xưa là hết sức cần thiết.

Chính vì vậy, từ năm 2022 đến nay, trên dòng sông Vân, đoạn từ cầu Vân Giang đến cầu Lim dài khoảng 1km chảy qua trung tâm thành phố Ninh Bình có 2 dự án đang được triển khai, bao gồm: Dự án xây dựng cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3308/ QĐ-BNN-KH ngày 23/7/2021 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình làm chủ đầu tư; Dự án đầu tư xây dựng cầu Chà Là, thành phố Ninh Bình được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 12/ NQ-HĐND ngày 30/3/2022, UBND tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 968/QĐ-UBND ngày 10/11/2022, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.

Các nhà thầu phối hợp thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.

Ông Nguyễn Đình Tú, Giám đốc Quản lý Dự án cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Dự án xây dựng cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân là dự án lớn, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định là công trình trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giai đoạn 2021- 2025. Đây là công trình thủy lợi đa mục tiêu không chỉ phục vụ tiêu úng cho khoảng 975ha đất khu vực Đông-Nam thành phố Ninh Bình, khu công nghiệp Khánh Phú và khu vực dân cư lân cận; cấp nước tưới thay thế nguồn nước từ Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình cho khoảng 1.970ha đất canh tác thuộc tiểu khu Cánh Diều; tăng cường khả năng cấp nước bổ sung từ sông Đáy cho sông Vạc (qua sông Vân) kết hợp cải thiện môi trường nước sông Vân; công trình còn là tuyến giao thông kết hợp du lịch.

Theo thiết kế, công trình bao gồm 4 hợp phần: Nạo vét, kè chống sạt lở 2 bờ sông Vân đoạn từ cầu Vân Giang đến cầu Lim; cụm đầu mối trạm bơm Nam thành phố; cụm đầu mối trạm bơm Cống Cái; cụm đầu mối trạm bơm Khánh An 1. Tổng mức đầu tư của dự án là 600 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 450 tỷ đồng và ngân sách tỉnh là 150 tỷ đồng. Đến nay, tiến độ thi công của các nhà thầu đảm bảo yêu cầu đề ra, tổng giá trị xây lắp đạt 26,05%; công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ thi công đạt 73,5%. Bên cạnh đó, quá trình thi công đã được UBND tỉnh, các cấp, các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát để có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu, quan điểm phát triển mới của đô thị Ninh Bình.

Cũng trên đoạn sông Vân này, hiện đang triển khai Dự án xây dựng cầu Chà Là, với tổng mức đầu tư là 133,57 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Mục tiêu của dự án nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đánh thức tiềm năng về không gian quỹ đất rộng lớn, phục vụ phát triển đô thị du lịch; đồng thời mở rộng và khai thác quỹ đất phía Nam thành phố Ninh Bình, đảm bảo giao thông thông suốt, giảm tải cho các cầu bắc qua sông Vân, đảm bảo cảnh quan hành lang sông Vân. Quy mô dự án bao gồm, xây dựng mới cầu Chà Là tại vị trí cầu hiện tại bắc qua sông Vân, thuộc địa phận phường Thanh Bình và phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình với chiều dài 46m, bề rộng cầu 26m; các hạng mục khác gồm cải tạo đường hai đầu cầu, các nút giao trên tuyến, hệ thống an toàn giao thông, thoát nước, hệ thống chiếu sáng và các công trình phụ trợ; hạ ngầm đường dây điện phía đường Lê Đại Hành; bố trí hệ thống an toàn giao thông.

Dự án được khởi công vào đầu tháng 10/2023, nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của Nhân dân. Bà Nguyễn Hằng Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Vân Giang cho biết: Cầu Chà Là là cây cầu cũ, được xây dựng từ nhiều năm qua. Với mật độ dân số và lưu lượng xe như hiện nay, cầu nhỏ, hẹp, xuống cấp đã không còn đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Được Nhà nước đầu tư xây dựng cầu Chà Là mới, Nhân dân phường Vân Giang rất phấn khởi. Đây là công trình có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của phường và thành phố Ninh Bình, tạo sự kết nối giao thông giữa 3 phường Thanh Bình, Vân giang, Phúc Thành, nối liền trục giao thông chính khi 3 phường sát nhập. Cùng với đó, công trình cầu Chà Là sẽ là điểm nhấn đô thị, mang lại lợi ích rất lớn đối với người dân khi phát triển kinh tế từ hoạt động dịch vụ, thương mại. Xác định tầm quan trọng đặc biệt của dự án, khi thực hiện, phường làm tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa, thời gian thực hiện dự án để người dân đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch theo đúng tiến độ cho nhà thầu thi công.

Đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Dự án lớn không bởi từ nguồn vốn

Như vậy, khi 2 dự án là Dự án xây dựng cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân và Dự án đầu tư xây dựng cầu Chà Là hoàn thành, cùng với các công trình khác như Nhà văn hóa trung tâm tỉnh sẽ tạo nên tổ hợp công trình kiến trúc quan trọng, là điểm nhấn cho khu trung tâm thành phố Ninh Bình, góp phần phát triển du lịch khu vực nội đô. Với mục đích, yêu cầu đó, mới đây, HĐND thành phố Ninh Bình cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cải tạo cảnh quan, chỉnh trang đô thị hai bờ sông Vân (đoạn từ cầu Lim đến cầu Vân Giang) với số vốn 710 tỷ đồng. Mục tiêu đầu tư là cải tạo, chỉnh trang đô thị hai bờ sông Vân của khu lõi đô thị, trở thành điểm sinh hoạt ngoài trời lý tưởng cho người dân trong khu vực, điểm đến thu hút khách du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đem lại diện mạo mới khởi sắc cho thành phố Ninh Bình.

Đồng chí Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết: Thời gian qua, có ý kiến cho rằng trên dòng sông Vân, đoạn từ cầu Vân Giang đến cầu Lim có chiều dài hơn 1km nhưng đầu tư hơn 1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, tại vị trí trên có 3 dự án được triển khai, với tổng số vốn là 1.443,57 tỷ đồng. Đây là những công trình có khối lượng xây lắp lớn, yêu cầu đòi hỏi về kỹ, mỹ thuật rất cao. Bên cạnh đó, các dự án được thực hiện đều nằm trên địa bàn các phường trung tâm của thành phố với mật độ dân số đông và nhiều công trình của các tổ chức nên tổng số vốn dành cho công tác GPMB cả 3 dự án chiếm hơn 36% (522,3 tỷ đồng) tổng nguồn vốn đầu tư. Cụ thể, chi phí dành cho GPMB dự án xây dựng mới cầu Chà Là là hơn 22,3 tỷ đồng với phạm vi ảnh hưởng đến 38 hộ kinh doanh và tài sản của Ban Quản lý dự án chợ Rồng; chi phí dành cho GPMB Dự án xây dựng cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân là 150 tỷ đồng, với phạm vi ảnh hưởng 12 tổ chức và 18 hộ gia đình kinh doanh; chi phí dành cho GPMB Dự án cải tạo cảnh quan, chỉnh trang đô thị hai bờ sông Vân là 350 tỷ đồng.

Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố cũng khẳng định: Các dự án trên là rất lớn, nhưng không phải bởi tổng số vốn đầu tư mà vì quyết tâm chính trị và ý nghĩa của công trình. Dự án nằm giữa trung tâm thành phố với ý nghĩa quan trọng về giá trị lịch sử cũng như định hướng phát triển chung của tỉnh. Do vậy, khi tỉnh quy hoạch và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư trên dòng sông Vân đã đề ra mục tiêu lớn là phải tạo điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc sống động, về mỹ thuật phải cổ kính, trở thành vùng lõi của thành phố Ninh Bình cổ. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, các chủ đầu tư và thành phố Ninh Bình đã phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh bám sát, giám sát để cảm nhận bằng chính cảm quan của mình từ đó có những gợi ý, đề xuất chỉnh sửa cho phù hợp với tổng thể cảnh quan và quy mô dự án. Các nhà thầu thi công cũng đặt yếu tố kỹ, mỹ thuật, chất lượng của công trình lên hàng đầu.

Với sự huy động đa dạng các nguồn lực để tỉnh Ninh Bình đầu tư xây dựng tổ hợp các công trình trên dòng sông Vân có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ về bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, xây dựng thương hiệu địa phương, mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc phát triển kinh tế-xã hội, nhằm từng bước hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện Nghị quyết số 16, ngày 23/8/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030. Trong đó xác định, đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình sẽ hoàn thành việc hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư với định hướng là "Đô thị Cố đô-Di sản", (dự kiến lấy tên là thành phố Hoa Lư) dựa trên nền tảng giá trị văn hóa-lịch sử của Cố đô Hoa Lư và các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Tràng An. Đồng thời, hoàn thiện các tiêu chí công nhận đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, có vị thế là trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu, là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, kinh tế, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, đầu mối hợp tác quốc tế của tỉnh Ninh Bình.

Phối cảnh cầu Chà Là trên tổng thể sông Vân.

Bài, ảnh: Phúc Nguyên

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/cac-du-an-tren-song-van-tao-diem-nhan-canh-quan-kien-truc-do/d20240409080022533.htm