Các điều kiện mới về xuất khẩu cá tra

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2017/NĐ-CP về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra (nghị định cá tra mới), trong đó có các điều kiện áp dụng cho các tổ chức, cá nhân xuất khẩu sản phẩm này.

Nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Nghị định mới thay thế cho Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Các điều kiện về xuất khẩu sản phẩm cá tra (điều 7) quy định tại nghị định cá tra mới bao gồm:

Thứ nhất: sản phẩm cá tra xuất khẩu phải được chế biến từ cơ sở chế biến cá tra đáp ứng các điều kiện quy định tại điều 5 của nghị định này (1). Trường hợp tổ chức, cá nhân xuất khẩu sản phẩm cá tra không có cơ sở chế biến đáp ứng các điều kiện quy định tại điều 5, thì phải có hợp đồng mua sản phẩm cá tra được chế biến tại cơ sở chế biến cá tra đáp ứng các điều kiện quy định tại điều 5 hoặc có hợp đồng gia công, chế biến với chủ cơ sở chế biến đáp ứng quy định tại điều 5 nghị định cá tra mới.

Thứ hai: sản phẩm cá tra xuất khẩu phải đáp ứng các quy định tại điều 6 nghị định này (2) và quy định của quốc gia nhập khẩu. Trường hợp quốc gia nhập khẩu có quy định khác với quy định của Việt Nam, thì áp dụng theo quy định của quốc gia nhập khẩu.

Thứ ba: trình tự, thủ tục hải quan đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu thực hiện theo quy định của Luật hải quan. Tổ chức, cá nhân không phải xuất trình giấy tờ chứng minh đủ điều kiện theo quy định tại điểm thứ nhất và hai tại điều 7 (như nêu ở trên) khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm cá tra cho cơ quan hải quan.

Với các quy định về điều kiện xuất khẩu như nêu trên, việc xuất khẩu sản phẩm cá tra không phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu qua Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius). Đây là một quy định từng gây tranh cãi gay gắt giữa doanh nghiệp xuất khẩu cá tra với các nhà hoạch định chính sách khi nghị định 36 được ban hành vào năm 2014.

Ngoài những điều kiện về xuất khẩu sản phẩm cá tra được quy định như trên, nghị định cá tra mới của Chính phủ cũng quy định về điều kiện nuôi cá tra thương phẩm; về đăng ký mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm; về điều kiện chế biến cá tra; điều kiện về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá tra.

Song song đó, nghị định mới cũng bao gồm những quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan; UBND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; hội, hiệp hội ngành nghề có liên quan; tổ chức, cá nhân chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra...

Nghị định mới của Chính phủ, gồm có 4 chương 14 điều, 5 phụ lục và nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2017.

Không còn quy định về mạ băng, hàm ẩm trong nghị định cá tra mới

Quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cá tra chế biến trong nghị định 36 có nêu: tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu. Các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10%; hàm lượng nước (ẩm) không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm. Thế nhưng, trong nghị định cá tra mới, hai yếu tố nêu trên đã được loại bỏ, tức không còn quy định về mạ băng và hàm ẩm như nghị định trước đó.

Tuy nhiên, về vấn đề mạ băng và hàm ẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành thông tư số 07/2017/TT-BNNPTNTvề quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản - cá tra phi lê đông lạnh. Theo đó, tỷ lệ mạ băng cá tra phi lê không được lớn hơn 20% khối lượng tổng của sản phẩm, còn hàm lượng nước (ẩm) không được lớn hơn 86% khối lượng tịnh của sản phẩm. Điều này có nghĩa, so với quy định ban đầu trong nghị định 36, thì hai hàm lượng nêu trên đã được nâng lên.

- - -

(1): Điều 5 của nghị định cá tra mới (Điều kiện chế biến cá tra) quy định: (i). Đáp ứng các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh tại điều 21 của nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 1-6-2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thương; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm. (ii). Đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong chế biến thủy sản. (iii). Có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp. (iv). Có hệ thống truy xuất nguồn gốc đáp ứng các quy định của pháp luật và đảm bảo khả năng truy xuất đến cơ sở nuôi.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/160140/cac-dieu-kien-moi-ve-xuat-khau-ca-tra.html/