Các địa phương triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch linh hoạt, phù hợp

Trước thực trạng các ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh, xuất hiện nhiều ca trong cộng động, nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp, linh hoạt nên tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đời sống nhân dân và các hoạt động sản xuất đang thích ứng an toàn hiệu quả trong trạng thái bình thường mới.

Khu vực phong tỏa tại đường Lê Vãn, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN

Khu vực phong tỏa tại đường Lê Vãn, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của ngành Y tế Thanh Hóa, từ đầu đợt dịch thứ 4 (27/4) đến nay, tỉnh ghi nhận hơn 1.500 ca mắc COVID-19 trong đó, có 979 người điều trị khỏi ra viện, 9 người tử vong. Hiện có 516 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh; đa phần bệnh nhân không có triệu chứng hoặc bệnh nhẹ.

Tỉnh đang cách ly tập trung hơn 2.646 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 13.112 người. Từ ngày 27/4 đến nay, Thanh Hóa đã thực hiện giám sát, truy vết tổng số 12.577 trường hợp F1 và các trường hợp liên quan đến các chuyến bay, chuyến xe có bệnh nhân dương tính; hơn 50.200 F2 và các trường hợp liên quan khác. Các ổ dịch tại Nông Cống, Như Thanh, Hà Trung, Thọ Xuân, Quảng Xương, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (Thành phố Thanh hóa), Nga Sơn, Bệnh viện COVID-19 số 1 đã được kiểm soát.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Thanh Hóa ưu tiên chỉ đạo nâng cao năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong năm 2021 đã trang bị bổ sung 15 hệ thống xét nghiệm RT-PCR cho 14 cơ sở y tế.

Thanh Hóa đang đẩy mạnh công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc xét nghiệm phục vụ công tác giám sát dịch tễ, cách ly, điều trị, các hoạt động xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ, bao gồm xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở...; xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị... và xét nghiệm đối với các nhóm nguy cơ như lái xe, xe ôm, shiper…

Một số địa phương đã thí điểm cách ly F1 tại nhà đạt được kết quả tích cực. Đây là tiền đề để áp dụng cách ly F1 tại nhà trên toàn tỉnh, góp phần giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly.

Tính từ ngày 12/10 (bắt đầu thực hiện Nghị Quyết 128/NQ-CP của Chính phủ) đến 16h ngày 13/11, toàn tỉnh Hải Dương đã ghi nhận 179 ca bệnh, trong đó có 42 ca bệnh có yếu tố dịch tễ đi từ các tỉnh có dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hà Nội… và 106 trường hợp là F1 của các bệnh này, 9 ca bệnh phát hiện qua sàng lọc ho, sốt cộng đồng; 2 ca phát hiện qua giám sát cộng đồng nguy cơ và 20 trường hợp khu phong tỏa.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các lực lượng chức năng khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm, trả kết quả nhanh để xác định mức độ dịch nhằm đưa ra những biện pháp phòng, chống kịp thời. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, quy rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là người đứng đầu trên tinh thần "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm), nếu để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh phải xử lý nghiêm.

Hải Dương cũng kích hoạt lại Tổ công tác đặc biệt của tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại những “điểm nóng”. Tỉnh cũng triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp với Nghị quyết 128, thích ứng linh hoạt, nhanh hơn, quyết liệt hơn. Các doanh nghiệp phải kích hoạt phương án phòng chống dịch theo từng cấp độ.

Hải Dương cũng tăng cường việc kiểm soát người về tỉnh từ vùng dịch; phát huy vai trò của người dân, Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng. Các lực lượng chức năng tại các địa phương tích cực lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng ở những khu vực có nguy cơ cao tập trung đông người như siêu thị, nhà hàng. Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với Sở Y tế chủ động lấy mẫu xét nghiệm cho các doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch cũng như an toàn trong sản xuất.

Theo Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên trong 14 ngày qua (tính đến ngày 12/11) toàn tỉnh có 126 người dương tính với SARS-CoV-2. Cụ thể: có 1 người được phát hiện qua sàng lọc cộng đồng; 49 người là F1, ở trong khu cách ly, khu phong tỏa; 76 ca nhiễm từ TPHCM và các tỉnh có dịch trở về địa phương. Như vậy, nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2 ở tỉnh Phú Yên chủ yếu từ bên ngoài vào.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Ngọc – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên, khi xuất hiện ổ dịch COVID-19 mới tại địa phương mà có yếu tố dịch tễ phức tạp, Sở Y tế đều cử tổ công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về hỗ trợ. Việc khoanh vùng, xử lý các ổ dịch COVID-19 ở huyện Tây Hòa, thị xã Sông Cầu và mới đây là thị xã Đông Hòa đều có sự tham gia của lực lượng y tế tuyến tỉnh. Sở Y tế cùng địa phương sớm điều tra dịch tễ và đưa ra các phương án kiểm soát dịch. Trong thời gian này, nhiều người nảy sinh tâm lý lơ là, chủ quan với dịch COVID-19 nên rất nguy hiểm. Người dân khi từ nơi khác trở về địa phương phải khai báo y tế đầy đủ, tuân thủ 5K. Nếu có các biểu hiện như: ho, sốt, khó thở, mất khứu giác, mất vị giác... cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn .

Tính đến ngày 12/11, tỉnh Phú Yên đánh giá 101 xã, phường, thị trấn tương ứng cấp độ 1 trong phòng, chống dịch COVID-19. Có 9 phường, xã ở cấp độ 2 gồm: phường 4 (thành phố Tuy Hòa); phường Xuân Thành, Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu); xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa; xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa); phường Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam (thị xã Đông Hòa), xã An Thọ, An Mỹ (huyện Tuy An).

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/cac-dia-phuong-trien-khai-nhieu-bien-phap-kiem-soat-dich-linh-hoat-phu-hop/452983.vgp