Các địa phương dốc sức khắc phục hậu quả bão số 10

Ngày 16-9, các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã huy động mọi nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 10 gây ra, nhằm sớm ổn định cuộc sống cho người dân sau bão.

Tại Thanh Hóa, do ảnh hưởng bão số 10 và hoàn lưu sau bão, từ ngày 14 đến 16-9 trên địa bàn tỉnh có mưa phổ biến từ 110mm-160mm. Một số nơi có mưa lớn như Tân Trường 266,4 mm, Tĩnh Gia 267,1mm, TP Thanh Hóa gần 150 mm.

Tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Tư ở thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc bị chìm tại khu neo đậu tránh trú bão cửa lạch Sung; 38 thuyền, mảng có công suất dưới 20 CV bị cuốn trôi, sạt 30.000 m3 bến cá. Trong mưa bão có hai người tử vong do đuối nước là ông Phạm Văn Cường ở thôn 1, xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia đi đánh cá ở sông Cầu Se bị lũ cuốn; cháu Trịnh Văn Tài (1 tuổi) ở phố Phú Thọ 3, phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa bị ngã trên giường xuống nước ngập nền nhà.

Cùng với việc chưa sẻ mất mát với gia đình có người thân tử vong, chính quyền, nhân dân các địa phương đang nỗ lực khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

Huyện Tĩnh Gia tập trung tiêu úng, huy động vật tư, phương tiện cùng hơn 1.000 người gồm cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, cán bộ, nhân dân tại cơ sở khắc phục các sự cố sạt lở, bảo vệ các tuyến đê, kè, cống có nguy cơ bị vỡ tại các xã: Hải Hà, Thanh Thủy, Hải Bình, Thanh Sơn, Nghi Sơn.

Tại huyện Bá Thước, mưa lớn gây sạt lở tuyến quốc lộ 15C. Hiện lực lượng chức năng canh gác, không cho các phương tiện giao thông qua khu vực bị ngập, còn xảy ra sạt lở, cắm biển báo tại nơi nguy hiểm.

Chiều 16-9, trên đường trú bão từ cửa Lạch Sung ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, ông Đồng Văn Chiến và các thuyền viên ở thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã cứu được hai người đang trôi dạt trên biển là Lê Văn Luông (32 tuổi) và Danh Bành (26 tuổi), đều ở Kiên Giang bị sóng đánh chìm tàu.

Trong những ngày này, các lực lượng vũ trang đang dốc sức giúp người dân các địa phương khắc phục hậu quả sau bão, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Tại Quảng Bình, theo Đại tá Phạm Xuân Diệu, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Quảng Bình, sáng 16-9, Bộ đội biên phòng Quảng Bình đã cử 100 cán bộ chiến sĩ tăng cường cho các địa phương của tỉnh khắc phục thiệt hại sau bão.

Bộ đội giúp dân lợp lại nhà ở Quảng Trạch.

Thu dọn trường học để học sinh sớm trở lại trường.

Tại xã Thanh Trạch, hàng chục cán bộ chiến sĩ của Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng đã tổ chức vệ sinh, sửa chữa các nhà bị tốc mái cho sáu hộ dân thôn Thanh Xuân, Trường tiểu học số 2 Thanh Trạch và tiếp tục giúp đỡ các hộ gia đình bị thiệt hại sau bão nhằm giúp người dân sớm khôi phục ổn định cuộc sống.

Công an huyện Quảng Trạch thu dọn cây xanh để thông đường.

Còn tại các huyện như Tuyên Hóa, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, TP. Đồng Hới, Công an tỉnh Quảng Bình đã huy động hơn 1.500 lượt cán bộ, chiến sĩ về phối hợp với các lực lượng địa phương giúp dân thu dọn cây cối để thông đường; giúp các hộ dân dọn nhà cửa để lợp lại mái nhà.

Tại tỉnh Quảng Trị, chiều 16-9, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, bão số 10 đã làm 10 người ở các địa phương trong toàn tỉnh bị thương.

Bão số 10 làm 2.268 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái, trong đó thiệt hại hoàn toàn (hơn 70%) 18 nhà; thiệt hại (từ 50% - 70%) 12 nhà; thiệt hại (từ 30% - 50%) 587 nhà; thiệt hại một phần (dưới 30%) 1.622 nhà và 17 nhà ở TP Đông Hà bị ngập nước cục bộ.

Nhiều trường học, nhà văn hóa, đường giao thông, kênh mương, hồ chứa, đê đập bị hư hỏng nặng. Hơn 3.270ha cây cao su, hồ tiêu và hàng nghìn cây lâm nghiệp như tràm, bạch đàn bị gãy đổ; hàng trăm ha lúa và hoa màu bị hư hại và ngập úng... Thiệt hại ước tính lên đến hơn 800 tỷ đồng.

Cây cao su ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bị gãy đổ. (Ảnh: NGUYỄN VĂN HAI)

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương nhanh chóng có các giải pháp giúp dân khắc phục hậu quả bão số 10 gây ra. Tổ chức các đoàn về các địa phương thăm hỏi người bị thương, gia đình bị thiệt hại nặng. Các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ và thanh niên xung kích giúp đỡ người dân dựng lại nhà cửa, xử lý môi trường, phòng ngừa dịch bệnh giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình thiệt hại, báo cáo kịp thời UBND tỉnh để có biện pháp hỗ trợ cho người dân. Các địa phương và người dân sẵn sàng các phương án ứng phó với khả năng mưa lớn gây ngập lụt do hoàn lưu bão.

Sáng nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Quảng Trị đã điều hơn 300 chiến sĩ về giúp dân khắc phục hậu quả bão số 10. Ngoài ra, chính quyền địa phương ở cơ sở cũng điều động các đội xung kích về giúp dân lợp lại nhà ở.

Công nhân Điện lực Quảng Trị sửa chữa đường dây sớm cấp điện trở lại cho người dân. (Ảnh: NGUYỄN VĂN HAI)

Anh Lương Văn Đông, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch - kỹ thuật Điện lực huyện Vĩnh Linh cho biết: Đơn vị đã huy động 50 cán bộ, công nhân chia ra từng nhóm nhỏ kiểm tra, sửa chữa đường dây, lưới điện. Cố gắng đến chiều nay, Điện lực Vĩnh Linh sẽ cơ bản cấp điện trở lại cho bà con trên địa bàn.

Huyện Vĩnh Linh là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão số 10 gây ra. Toàn huyện có hơn 1.350 nhà bị tốc mái, xiêu vẹo; hơn 2.300ha cây cao su, hồ tiêu và 2.372ha rừng sản xuất gãy đổ; hơn 210ha hoa màu bị hư hại và ngập úng,...

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Trần Hữu Hùng cho biết: Hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, đồng thời triển khai ngay việc động viên, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão số 10, sửa chữa nhà ở bị hư hại, sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất.

Các lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung kích có mặt trên các tuyến đường cưa xẻ cây trồng gãy đổ gây ách tắc giao thông để thông đường. Hàng trăm chiến sĩ công an và bộ đội ở Quảng Trị có mặt tại các địa phương tích cực giúp đỡ người dân dựng lại nhà cửa, khắc phục các điểm sạt lở, xử lý môi trường, phòng ngừa dịch bệnh,...

Tại tỉnh Quảng Bình, hàng trăm cột điện bị gãy đổ, hàng chục nghìn mét dây điện bị hư hỏng khiến toàn tỉnh mất điện. Khẩn trương khắc phục lưới điện là mệnh lệnh được ngành Điện lực Miền Trung thực hiện với yêu cầu cao nhất, khẩn trương nhất.

Tối 15-9, có mặt chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn bão tại Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẩn trương huy động lực lượng từ các Công ty Điện lực miền bắc, miền nam hoặc các tỉnh không bị thiệt hại chi viện cho Quảng Bình để khẩn trương khôi phục lưới điện. “Cuộc sống bây giờ phụ thuộc vào lưới điện, nếu còn kéo dài tình trạng mất điện thì người dân càng khổ thêm, do vậy chúng ta phải khẩn trương, khẩn trương hơn nữa”- Thủ tướng nói.

Hệ thống cột điện tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình) bị gãy đổ. (Ảnh: HƯƠNG GIANG)

Chập hành mệnh lệnh chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ và Bộ Công thương, ngay trong đêm 15-9, Tổng Công ty Điện lực miền trung huy động 10 nhóm công nhân và máy móc, phương tiện từ các tỉnh Trung Trung Bộ và Tây Nguyên khẩn trương đến Quảng Bình để chi viện sửa chữa lại lưới điện bị sập đổ.

Không chỉ cử cán bộ, công nhân và phương tiện mà Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên- Huế Hà Thanh Long cũng trực tiếp ra Quảng Bình phối hợp chỉ đạo khắc phục. Ông chia sẻ, việc hỗ trợ nhau khắc phục sự cố là công việc, nhiệm vụ của ngành điện chúng tôi. Anh em không nề hà việc mà tinh thần chung, đến càng sớm, khôi phục nhanh lưới điện cho bà con càng tốt.

Một khu vườn của dân ở Đồng Hới tan hoang sau bão. (Ảnh NGÂN TRANG)

Sau trận bão lớn, hệ thống điện lưới Quảng Bình hầu như tê liệt, đặc biệt là các huyện phía bắc tỉnh. Dọc theo quốc lộ 1A từ TP Đồng Hới ra huyện Quảng Trạch, chúng tôi thấy, cột điện gãy như ngả rạ giữa cánh đồng, bên quốc lộ, dọc đường làng. Theo báo cáo của Công ty Điện lực Quảng Bình, bão số 10 đã khiến hơn 300 cột điện cao áp bị gãy đổ, hơn 45 nghìn mét đường dây cao áp bị đứt, 390 cột điện hạ áp bị gãy, đổ với hơn 5.300 mét dây dẫn hạ áp các loại bị hỏng. Ngoài ra còn hàng nghìn công tơ, trạm biến áp bị hư hỏng, ước tính thiệt hại gần 50 tỷ đồng.

Cây đổ trong vườn nhà dân ở Đồng Hới. (Ảnh THU TRANG)

Anh Nguyễn Văn Sơn ở thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, nhà nhà bây giờ đều phụ thuộc vào điện, không có điện một ngày đã khó chịu rồi. Ngay việc bơm nước giếng cũng không được, nói chi các việc khác. Vì vậy, chúng tôi mong ngành điện sớm sửa lại đường dây để cấp điện trở lại cho người dân sử dụng.

Công nhân Công ty Điện lực Quảng Bình sửa chữa lưới điện tại TP Đồng Hới. (Ảnh: HƯƠNG GIANG)

Trao đổi với chúng tôi tại hiện trường, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền trung Nguyễn Thành cho biết: “Chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng của Tổng Công ty Điện lực miền trung tại các tỉnh không bị ảnh hưởng để tập trung sửa chữa lưới điện Quảng Bình. Chúng tôi xác định tại các thành phố, thị trấn thì ngay hôm nay có điện, còn tại các vùng sâu, vùng xa thì hai, ba hôm nữa”.

Hiện nay, công tác khắc phục sự cố điện lưới đang gặp nhiều khó khăn do số lượng cột điện bị đỗ gãy rất lớn, giao thông đi lại khó khăn.

Tuy nhiên với sự nỗ lực và quyết tâm cao của Tổng Công ty Điện lực miền trung và ngành điện Quảng Bình, hy vọng lưới điện sẽ sớm được khắc phục để cấp điện trở lại phục vụ nhân dân trong thời gian sớm nhất.

Theo thông tin chúng tôi vừa nhận được, đến chiều nay, điện cũng mới cấp trở lại cho một số phường trung tâm TP Đồng Hới, trung tâm các huyện phía nam của tỉnh. Riêng các huyện phía bắc Quảng Bình vẫn đang trong giai đoạn khôi phục. Sáng nay, trời không mưa nên thuận lợi cho công tác khắc phục lưới điện tại Quảng Bình.

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, dù chỉ là tỉnh chịu ảnh hưởng nhưng bão số 10 cũng đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản cho tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hiện công tác khắc phục hậu quả mưa bão đang được tiến hành hết sức khẩn trương.

Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tính đến cuối ngày 15-9, trên địa bàn có hai trường hợp bị chết và mất tích do mưa lũ. Người chết là ông Nguyễn Văn H. (trú ở thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) và người mất tích là cháu Nguyễn Viết S. (ba tuổi, trú thôn Mỹ Đức, xã Điền Lộc). Ông H. bị lũ ở suối dâng lên đột ngột và cuốn trôi khi đang vào rừng cạo mủ cao su sáng 14-9. Gia đình tìm thấy thi thể ông H. vào lúc 14 giờ chiều cùng ngày và đã tiến hành an táng. Còn cháu S. được cho là đã bị nước biển cuốn trôi vào ngày 13-9, hiện vẫn chưa tìm thấy tung tích. UBND huyện Phong Điền và chính quyền địa phương đã thăm hỏi gia đình nạn nhân bị chết và tạm hỗ trợ 4,5 triệu đồng tiền an táng phí. Về phần cháu bé bị mất tích, địa phương đang điều động mọi lực lượng để tìm tung tích cháu bé.

Tình hình sạt lở bờ biển Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: CÔNG HẬU)

Thống kê sơ bộ của các địa phương có gần 800 ngôi nhà dân, trường học, hàng quán, cửa tiệm... bị lốc xoáy làm tốc mái, hư hỏng; trong đó, nặng nhất là địa bàn thị xã Hương Thủy với hơn 500 ngôi nhà; huyện miền núi A Lưới có hơn 200 nhà, huyện Phong Điền gần 40 nhà và TP Huế có 31 nhà dân bị hư hỏng. Nhiều hoa màu, cây cối cũng bị hủy hoại. Tại huyện vùng cao A Lưới có hơn 35ha cây keo tràm bị gãy đổ, công trình thủy lợi A Roàng 2 bị lũ cuốn trôi hoàn toàn với tổng thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng. Các huyện Phong Điền, thị xã Hương Thủy, TP Huế... cũng có nhiều hoa màu, cây cối bị lốc lớn phá hủy.

Bộ đội Biên phòng giúp dân thu dọn, sửa sang lại nhà cửa, hàng quán tại xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: CÔNG HẬU)

Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy Lê Ngọc Sơn cho biết: Trước những thiệt hại do lốc xoáy gây ra, tối 14-9 và ngày 15-9, Đảng bộ, chính quyền thị xã Hương Thủy đã phối hợp các lực lượng giúp dân cắt dọn các cây bị ngã, đổ gây ách tắc giao thông; giúp dân dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa lại mái nhà để sớm ổn định cuộc sống.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế đang chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố Huế huy động các phương tiện ô-tô, tàu, thuyền, cơ sở vật chất, trang thiết bị tập trung khắc phục hậu quả bão số 10. Đến chiều 15-9, việc khôi phục lại nhà cửa phục vụ sinh hoạt, trú tránh mưa bão ở các địa phương đã cơ bản thực hiện xong, từ sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền các địa phương, lực lượng công an, quân đội, đoàn viên thanh niên.

Công an, bộ đội, dân quân giúp dân dọn dẹp hàng loạt cây xanh bị ngã đổ tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngay trong ngày 15-9, lãnh đạo tỉnh đã hỏi thăm, chia sẻ, động viên người dân có nhà bị tốc mái do lốc xoáy và chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương huy động các lực lượng sớm sửa chữa lại nhà cửa, dọn dẹp cây cối, ổn định cuộc sống cho người dân.

Tin, ảnh: CÔNG HẬU - HƯƠNG GIANG - NGUYỄN VĂN HAI - MAI LUẬN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34103702-cap-nhat-cac-dia-phuong-doc-suc-khac-phuc-hau-qua-bao-so-10.html