Các địa phương cần tăng cường giám sát bệnh sởi, rubella

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có công văn gửi Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật 28 tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát bệnh sởi, rubella.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 78 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại khu vực phía Bắc. Trong đó có 12 trường hợp sởi xác định tại phòng thí nghiệm của 4 tỉnh, thành phố và 10 trường hợp rubella tại 7 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, ghi nhận một chùm ca bệnh sởi tập trung tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ở nhóm trẻ dưới 10 tuổi.

Để chủ động phòng, chống dịch sởi, rubella, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị, trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố tăng cường công tác giám sát các trường hợp nghi sởi, rubella. Đồng thời điều tra, lấy mẫu xét nghiệm hoặc gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Đối với các tỉnh, thành phố tự xét nghiệm, cần gửi kết quả về Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc. Đồng thời duy trì công tác tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ từ 9-12 tháng và vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 18-24 tháng, bảo đảm không bỏ sót đối tượng.

Tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi, rubella. Ảnh: Phong Lan

Liên quan đến chùm ca bệnh sởi tập trung tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 28-3, đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vào Hà Tĩnh để cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh đánh giá lại nguy cơ và đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng đã thông báo ghi nhận ca mắc rubella đầu tiên trên địa bàn trong năm 2024. Đây là bé gái 7 tuổi ở huyện Đan Phượng, đã được tiêm chủng 2 mũi vaccine phòng bệnh rubella.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết mũi họng của bệnh nhân khi người bệnh ho, hắt hơi. Bệnh sởi làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể cho nên thường kèm theo những biến chứng nặng như viêm phổi, viêm tai, tiêu chảy, viêm não... Những bệnh này khi mắc cùng bệnh sởi thường có diễn biến rất nặng. Còn bệnh rubella ở trẻ em thường nhẹ, ít biến chứng. Tuy nhiên, nếu người mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu, hội chứng rubella bẩm sinh (CRS) và nhiễm rubella bẩm sinh ở trẻ khi sinh ra.

Hội chứng rubella bẩm sinh bao gồm các dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh... và nhiều trường hợp mắc đa dị tật. Vì vậy, tiêm vaccine sởi - rubella giúp phòng bệnh cho trẻ, đồng thời giảm nguy cơ biến chứng.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây ra. Để chủ động phòng bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Theo QĐND

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/cac-dia-phuong-can-tang-cuong-giam-sat-benh-soi-rubella-5004019.html