Các dấu mốc chính trong cuộc đàm phán Hiệp định Paris

Hiệp định Paris được ký ngày 27/1/1973.

Các dấu mốc chính trong cuộc đàm phán Hiệp định Paris. (Nguồn: Getty Images)

01/1967: Hội nghị TW lần thứ 13 khóa III ra Nghị quyết: “Đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta”.

31/03/1968: Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra.

13/05/1968: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ bắt đầu đàm phán tại Paris.

01/11/1968: Hoa Kỳ chấm dứt hoàn toàn ném bom và mọi hành động chiến tranh trên toàn bộ lãnh thổ miền Bắc Việt Nam.

25/01/1969: Bắt đầu họp Hội nghị 4 bên về Việt Nam tại Paris, gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Hoa Kỳ và Chính quyền Sài Gòn.

08/05/1969: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đưa Giải pháp toàn bộ Mười điểm, nêu “vấn đề các lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam sẽ do các bên Việt Nam giải quyết”.

06/06/1969: Thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

08/06/1969: Hoa Kỳ tuyên bố bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam từ tháng 07/1969.

21/02/1970: Cuộc gặp riêng đầu tiên tại Paris giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy với Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Henry Kissinger.

14/09/1970: Đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra tuyên bố lập trường Tám điểm về giải pháp cho vấn đề Việt Nam.

18/10/1970: Tổng thống Hoa Kỳ đưa ra đề nghị Năm điểm, không đòi quân miền Bắc rút khỏi miền Nam Việt Nam.

10/12/1970: Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra tuyên bố Ba điểm về ngừng bắn, đòi quân Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam vào ngày 31/7/1971.

26/06/1971: Trong cuộc gặp Lê Đức Thọ - Henry Kissinger, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra đề nghị Chín điểm, yêu cầu thay người đứng đầu chính quyền Sài Gòn.

01/07/1971: Đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra đề nghị Bảy điểm về thời hạn rút quân Hoa Kỳ và thả tù binh, thành lập chính quyền Sài Gòn mới.

16/08/1971: Trong cuộc gặp Lê Đức Thọ - Henry Kissinger, Hoa Kỳ đưa ra Tám điểm, không muốn giải quyết toàn bộ vấn đề mà chỉ muốn giải quyết vấn đề quân sự, lấy được tù binh về.

25/01/1972: Tổng thống Hoa Kỳ đơn phương công bố “Kế hoạch hòa bình Tám điểm” và nội dung các cuộc gặp riêng Lê Đức Thọ - Kissinger.

31/01/1972: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố Giải pháp Chín điểm, chỉ ra Hoa Kỳ vi phạm thỏa thuận không công bố nội dung các cuộc gặp riêng.

06/04/1972: Tổng thống Hoa Kỳ hạ lệnh ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam.

08/10/1972: Trong cuộc gặp riêng, Lê Đức Thọ trao cho Kissinger bản Dự thảo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

20/10/1972: Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua bản Dự thảo Hiệp định Paris và thỏa thuận sẽ ký chính thức vào ngày 31/10/1972.

26/11/1972: Việt Nam công bố toàn văn bản Dự thảo Hiệp định Paris đã được Việt Nam và Hoa Kỳ thỏa thuận và lên án thái độ lật lọng của Hoa Kỳ.

18/12/1972: Hoa Kỳ bắt đầu dùng B52 ném bom Hà Nội và Hải Phòng và nhiều nơi ở miền Bắc Việt Nam, đồng thời gửi công hàm cho Đoàn đàm phán của ta ở Paris đề nghị nối lại đàm phán sau ngày 26/12/1972.

30/12/1972: Hoa Kỳ dừng ném bom trên vĩ tuyến 20 và đề nghị nối lại đàm phán.

08/01/1973: Nối lại đàm phán 4 bên ở Paris.

13/01/1973: Tại cuộc gặp riêng Lê Đức Thọ - Henry Kissinger cuối cùng, hai bên hoàn thành văn bản Hiệp định.

23/01/1973: Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn an ninh Henry Kissinger ký tắt Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

27/01/1973: Ký chính thức Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-dau-moc-chinh-trong-cuoc-dam-phan-hiep-dinh-paris-213252.html