Các dấu hiệu cảnh báo cần bổ sung canxi

Canxi là khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể, là thành phần cơ bản cấu tạo nên xương và răng. Nếu cơ thể thiếu canxi có thể làm tăng nguy cơ bị loãng xương, gãy xương... Vậy, đâu là dấu hiệu cần bổ sung canxi?

1. Vai trò của canxi với cơ thể

Canxi là thành phần cơ bản để cấu tạo nên xương và răng, vô cùng quan trọng đối với cơ thể.

- Với trẻ em: Giúp trẻ phát triển chiều cao, tăng cường miễn dịch, loại bỏ những khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cơ thể; ngăn ngừa bệnh còi xương, chậm lớn, đau yếu cơ…

- Với người trưởng thành: Giúp xương, răng chắc khỏe, cải thiện co cơ, cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và hỗ trợ sức khỏe thần kinh. Đặc biệt, người già nếu thiếu canxi sẽ dễ bị ảnh hưởng đến hệ thần kinh với một số biểu hiện như trí nhớ kém, tinh thần không ổn định, đau đầu…

Bổ sung canxi cần tuân theo chỉ định của thầy thuốc.

2. Dấu hiệu nên cân nhắc bổ sung canxi

- Thường xuyên bị chuột rút vào ban đêm: Khi thiếu canxi, cơ thể sẽ bị mất cân bằng chất diện giải, hạn chế sự hoạt động của các bộ phận xương, cơ, từ đó khiến cơ thể xuất hiện tình trạng chuột rút nhiều lần.

- Móng tay giòn và dễ gãy: Canxi là khoáng chất quan trọng cấu tạo nên hệ khung xương, răng, tóc và móng. Vì vậy, khi thiếu canxi, móng tay sẽ trở nên yếu, giòn, dễ gãy hơn.

Móng tay giòn, dễ gãy là một trong những dấu hiệu của cơ thể thiếu canxi.

- Mất ngủ: Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất melatonin (hormone giúp cơ thể đi vào giấc ngủ). Khi cơ thể thiếu canxi, các xung thần kinh có thể bị ức chế và luôn ở trạng thái không ổn định. Từ đó sẽ gây ra tình trạng hưng phấn hoặc căng thẳng quá mức. Nếu để tình trạng thiếu canxi kéo dài, người bệnh sẽ bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc, giấc ngủ bị gián đoạn.

- Đau nhức ở vùng thắt lưng và đau chân: 99% canxi tồn tại trong xương, răng, móng, chỉ 1% còn lại ở các cơ bắp. Do đó, khi cơ thể không có đủ canxi cần thiết thì lượng canxi trong xương sẽ bị rút bớt ra để đảm bảo nồng độ canxi máu. Từ đó xương sẽ bị mềm và yếu hơn, nhất là xương vùng lưng và đây là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy mỏi và đau nhức.

Ngoài ra, thiếu hụt canxi có thể gây run tay chân, tê rần ở các đầu ngón tay hoặc ngón chân, da khô,…

3. Bổ sung canxi bao nhiêu một ngày là đủ?

Nếu cơ thể thiếu canxi có thể làm tăng nguy cơ bị gãy xương, khiến xương yếu hơn hoặc loãng xương. Tuy nhiên, nếu cơ thể thừa canxi lại làm tăng nguy cơ bị sỏi thận, tăng khả năng bị đau tim và các vấn đề về tim mạch khác, gây đau dạ dày, táo bón…

Do đó, lượng canxi bổ sung cần phụ thuộc vào giới tính và độ tuổi của mỗi cá nhân:

- Trẻ dưới 6 tháng: 300mg/ngày; trẻ 6-11 tháng: 400mg/ngày; trẻ 1-3 tuổi: 500mg/ngày; trẻ 4-6 tuổi: 600mg/ngày; trẻ 7-9 tuổi: 700mg/ngày.

- Trẻ 10-18 tuổi và người lớn từ 19 – 50 tuổi, phụ nữ mang thai/cho con bú: 1000mg/ngày.

- Đàn ông trưởng thành 51-70 tuổi: 1000mg/ngày.

- Phụ nữ trưởng thành từ 51-70 tuổi: 1200mg/ngày.

- Người lớn từ 71 tuổi trở lên: 1200mg/ngày.

- Thanh thiếu niên mang thai: 1300mg/ngày.

Có thể bổ sung canxi qua chế độ ăn uống. Những thực phẩm giàu canxi như: Sữa và các chế phẩm từ sữa, lòng đỏ trứng, các loại cá béo, tôm, cua, ốc, cá, các loại rau xanh lá, họ đậu… Bên cạnh đó, cần chú ý kết hợp bổ sung vitamin D để canxi được phát huy tác dụng tốt nhất.

Dấu hiệu cơ thể thừa vitamin D.

BS. Nguyễn Trọng Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-dau-hieu-canh-bao-can-bo-sung-canxi-16924040323490354.htm