Các đạo sắc phong cổ gần 200 năm tuổi tại đình Bình Mỹ

Trong số các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn TP Tuy Hòa thì đình Bình Mỹ (thuộc phường 4) là nơi còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị. Hiện đình đang phụng thờ 9 đạo sắc phong cổ từ thời các vua triều Nguyễn ban tặng. Đây là những cổ vật quý hiếm có niên đại gần 200 năm tuổi được người dân địa phương bảo quản gìn giữ qua nhiều đời.

Vùng đất và đình Bình Mỹ

Bình Mỹ là vùng đất được hình thành từ việc sáp nhập 2 làng Mỹ Lợi và Bình Thản từ những năm 40 thế kỷ XX, khi chính quyền Phủ Tuy Hòa thực hiện cuộc cải lương hương chính lần thứ hai của chính phủ An nam Trung Kỳ. Bình Mỹ cũng là một trong năm phường (Bình Nhạn, Bình Tịnh, Bình An, Bình Mỹ, Bình Hòa) của TP Tuy Hòa, thuộc Phủ Tuy Hòa. Địa giới hành chính của phường Bình Mỹ phần lớn là diện tích thuộc phường 4 ngày nay.

Theo tài liệu của Trường Viễn Đông bác cổ còn lưu lại về việc khảo cứu lịch sử các tiền hiền có công xây dựng vùng đất Bình Mỹ được biên chép năm 1942 do Trưởng phường Bình Mỹ thu thập thì người có công khai khẩn tạo lập vùng đất này là hương mục Trần Công Thạc và tri thâu Trần Hữu Vĩnh. Trước năm 1945, hai vị này được nhân dân nhớ ơn công lao khai mở đất đai nên tôn là tiền hiền, được thờ phụng tại đình làng. Hiện nay, bài vị của hai ông còn lưu giữ tại đình.

Theo trí nhớ của các bậc cao niên ở địa phương, đình Bình Mỹ được xây dựng theo kiến trúc nhà lá mái và được trùng tu, sửa chữa, bảo tồn qua nhiều thế hệ cho đến nay. Trải qua thời gian, ngôi đình không còn bảo tồn kiến trúc như ban đầu. Năm 1968, đình Bình Mỹ được đại trùng tu theo kiến trúc hiện đại của nhiều ngôi đình hiện có trên địa bàn TP Tuy Hòa. Trong chánh điện, ngoài bàn thờ thần ở giữa, hai bên có thờ tả ban và hữu ban là những vị tiền hiền có công khai khẩn, mở mang vùng đất. Trong đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như sắc phong, bài vị, hương án...

Nằm kề về phía đông của đình là lẫm Bình Mỹ cũng được xây dựng trong năm 1968 và đến năm 1980 được tu sửa, sử dụng làm nơi sinh hoạt của cộng đồng cư dân địa phương.

Đình Bình Mỹ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của người dân địa phương. Lễ hội hàng năm được tổ chức ngày 18/3 và ngày 13/8 âm lịch với các nghi lễ rước kiệu sắc phong, tế thần, tế âm hồn, và các trò chơi dân gian như đánh cờ, ném bóng, xin chữ... Buổi tối có các gánh hát tuồng, hát dân ca bài chòi tại sân đình...

Sắc phong Thành Hoàng chi thần cho làng Bình Thản năm Tự Đức thứ 33 (1880)

Lưu giữ 9 đạo sắc phong cổ - báu vật vô giá của tiền nhân

Đình Bình Mỹ không phải là ngôi đình bề thế về mặt kiến trúc nhưng có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa. Hiếm thấy ngôi đình nào ở TP Tuy Hòa còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như đình Bình Mỹ, trong đó phải nói tới 9 đạo sắc phong cổ dưới triều các vua Nguyễn từ Tự Đức đến Khải Định. Đạo sắc thứ nhất ban tặng vào ngày 29/11 năm Tự Đức thứ 5 (1852), phong cho thần Thành Hoàng làng Mỹ Lợi. Đạo sắc thứ hai ban tặng vào ngày 29/11 năm Tự Đức thứ 5 (1852), phong cho Thành Hoàng làng Bình Thản là Bảo an Chính trực Hữu thiện Đôn ngưng chi thần. Đạo sắc thứ ba ban tặng vào ngày 24/11 năm Tự Đức thứ 33 (1880), phong cho thôn Mỹ Lợi theo lệ cũ phụng thờ thần Thành Hoàng Bảo an Chính trực Hữu thiện Đôn ngưng chi thần vì thần đã có công giúp nước, che chở muôn dân. Đạo sắc thứ tư ban tặng vào ngày 24/11 năm Tự Đức thứ 33 (1880), phong cho thôn Bình Thản trước đây đã thờ Bảo an Chính trực Hữu thiện Đôn ngưng Thành Hoàng chi thần. Đạo sắc thứ 5 ban tặng vào ngày mồng 1/7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1886), phong cho thôn Mỹ Lợi theo lệ cũ phụng thờ Thành Hoàng, nguyên được gia tặng danh hiệu Bảo an Chính trực Hữu thiện Đôn ngưng chi Thần. Đạo sắc thứ 6 ban tặng vào ngày mồng 1/7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1886), phong cho thôn Bình Thản theo lệ cũ phụng thờ Bảo an Chính trực Hữu thiện Đôn ngưng Thành Hoàng chi thần, được tặng thêm mỹ tự là Dực bảo Trung hưng chi thần. Đạo sắc thứ 7 ban tặng vào ngày 11/8 năm Duy Tân thứ 3 (1909), phong cho thôn Mỹ Lợi, theo lệ cũ phụng thờ Bảo an Chính trực Hữu thiện Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng Thành Hoàng chi thần. Đạo sắc thứ 8 ban tặng vào ngày 11/8 năm Duy Tân thứ 3 (1909), phong cho thôn Bình Thản theo lệ cũ phụng thờ Bảo an Chính trực Hữu thiện Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng Thành Hoàng chi thần. Đạo sắc thứ 9 ban tặng ngày 25/7 năm Khải Định thứ 9 (1924), phong cho thôn Bình Thản theo lệ cũ phụng thờ thần Thành Hoàng vốn được phong tặng Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng tôn thần.

Các đạo sắc phong làm bằng chất liệu giấy dó dày có màu vàng nhạt, dai và bền có kích thước khoảng 133cm x 53cm. Đây là một loại giấy được sản xuất bằng kỹ thuật cổ truyền đặc biệt. Loại giấy này quý, để làm được đòi hỏi rất nhiều công phu, nguyên liệu dùng để vẽ lên bề mặt giấy là bạc và kim nhũ. Nhờ nguyên liệu này mà giấy sắc ở đình Bình Mỹ có hình thức và màu sắc đẹp, bền. Các đạo sắc ở đây đã tồn tại gần 200 trăm năm mà vẫn còn bảo lưu được gần như nguyên vẹn. Giấy sắc ở đình Bình Mỹ được các nghệ nhân vẽ theo kiểu vẽ chạy và vẽ đồ. Vẽ chạy là vẽ ra hình rồng mây, hình triện, hoa văn. Vẽ đồ là theo nét vẽ chạy mà tô kim nhũ, bạc…

Trên mỗi sắc phong ở đình Bình Mỹ dưới các đời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định... đều trang trí hình triện hoa chanh và hồi văn ở viền sắc, mặt trước vẽ một con rồng lớn, ẩn trong mây, gọi là Long ám, mặt sau vẽ hình Tứ linh (Long - Ly - Quy - Phượng), ở bốn góc vẽ hình chữ Thọ, chính giữa vẽ hai chữ Thọ liền nhau gọi là song Thọ. Trong mỗi bản sắc ở cuối văn bản có ghi niên đại tuyệt đối đến tận ngày, tháng, năm. Niên đại của sắc phong được ghi gồm niên đại triều vua ban sắc, tháng ngày ban sắc. Nội dung các sắc phong ca ngợi thần Thành Hoàng đã phù hộ nhân dân có cuộc sống an lành, làm ăn phát đạt và được triều đình gia tăng các mỹ tự theo phẩm trật của thần vào các dịp vua đăng quang hoặc tròn tuổi chẵn. Thông qua nội dung sắc phong ở đình Bình Mỹ có thể cho ta hiểu biết về địa lý, lịch sử, văn hóa dân gian của vùng đất con người nơi đây; đồng thời còn thể hiện đặc trưng của thư pháp Hán Nôm và sự biến đổi qua các thời kỳ lịch sử.

Trải qua bao biến cố lịch sử cùng với những tác động của thiên tai, các đạo sắc phong ở đình Bình Mỹ còn được lưu giữ rất cẩn thận, được xem là báu vật vô giá của tiền nhân truyền lại cho cộng đồng cư dân nơi đây. Trước năm 1945, đình được cúng tế mỗi năm hai lần vào mùa xuân và thu gọi là xuân kỳ thu tế. Ngày nay theo quy định của ban quản lý đình, nghi thức cúng xuân và thu truyền thống được duy trì, kinh phí do ban quản lý đình quyên góp từ các nhà hảo tâm và nhân dân. Mỗi dịp tế tự tại đình là thời gian để các tầng lớp nhân dân tập trung trao đổi kinh nghiệm làm ăn, ôn lại truyền thống của địa phương, đặc biệt là tinh thần đoàn kết giữa người dân trong cộng đồng được củng cố.

Theo quan niệm của cư dân địa phương, sắc phong là những hiện vật có giá trị linh thiêng, do đó chỉ được mở hộp tráp đựng sắc để kiểm tra và hong sắc khỏi ẩm khi làng tổ chức tế tự vào xuân thu nhị kỳ, ban quản lý đình và các bậc cao niên đức cao vọng trọng mới được tiếp cận sắc phong trong dịp này. Chính sự cẩn trọng được duy trì trong nhiều năm nên sắc phong đình Bình Mỹ được gìn giữ nguyên vẹn dù trải qua gần 200 năm với bao thăng trầm thời cuộc.

Có thể nói sắc phong đình Bình Mỹ là những hiện vật quý, có giá trị linh liêng trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân địa phương. Việc giữ gìn các sắc phong có niên đại gần 200 năm tuổi và phát huy giá trị trong đời sống hiện nay được các cấp chính quyền và nhân dân nơi đây rất quan tâm. Điều này không chỉ có ý nghĩa góp phần bảo tồn giá trị di sản quý báu của dân tộc, mà còn là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng đất Bình Mỹ trong dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

TS ĐÀO NHẬT KIM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/94/271066/cac-dao-sac-phong-co-gan-200-nam-tuoi-tai-dinh-binh-my.html