Các đại gia Trung Quốc liệu có thể 'thở phào' nhẹ nhõm vào năm 2023?

Đối với những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, năm ngoái là năm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Các hạn chế liên quan đến Covid-19 và sự giám sát chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân đã kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dẫn đến sự sụt giảm kỷ lục về tài sản.

"Ông trùm" bất động sản Wang Jianlin, Chủ tịch Tập đoàn Đại Liên.

Cánh cửa chính sách hé mở...

Đến cuối năm 2022, đầu năm 2023, các nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu đảo ngược nhiều chính sách nghiêm ngặt để thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm cả việc từ bỏ zero-Covid, hỗ trợ ngành công nghệ và bất động sản bị thiệt hại nặng nề trong 2 năm qua bằng các gói chính sách mới.

Giờ đây, khi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên một tầm cao mới, cách tiếp cận trước đây tập trung vào hệ tư tưởng và kiểm soát dường như đã bị hạn chế đi nhiều.

Thay vì cố gắng kiểm soát toàn bộ các doanh nghiệp trong "tầm ngắm", Bắc Kinh giờ đây tìm cách sở hữu "cổ phần vàng", tức các loại cổ phần chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng có các loại đặc quyền cho phép các quan chức đưa ra các quyết định kinh doanh quan trọng.

Về bản chất, việc sở hữu "cổ phần vàng" không thay đổi quá nhiều so với việc kiểm soát hoàn toàn một doanh nghiệp. Tuy nhiên, xét về lợi ích, điều này vẫn cho các công ty không gian để vận hành, cũng như có cơ hội để quay lại đường đua sau những năm lụi bại.

Jack Ma, tỷ phú Alibaba gần đây nhất được phát hiện tung tích tại Hong Kong, đã chứng kiến khối tài sản của ông tăng thêm 2,3 tỷ USD lên mức 25,6 tỷ USD kể từ đầu năm nay, mặc dù tài sản của ông vẫn giảm gần 50% so với năm 2021.

Ngoài ra, các nhà chức trách cuối cùng đã phê duyệt kế hoạch gây quỹ 1,5 tỷ USD của Ant Group, cánh tay tài chính của Alibaba, sau khi đột ngột hủy bỏ đợt IPO trị giá 35 tỷ USD của gã khổng lồ fintech vào cuối năm 2020 sau lời chỉ trích của ông Ma đối với hệ thống ngân hàng của Trung Quốc.

Vị tỷ phú 58 tuổi cũng đã đồng ý giảm quyền biểu quyết của mình ở Ant xuống còn khoảng 6,2% từ hơn 50%, sau khi công ty hoàn thành quy trình "tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp".

Với lĩnh vực bất động sản, nhiều nguồn tin cho rằng các nhà chức trách đang xem xét nới lỏng chính sách "ba lằn ranh đỏ" lần đầu tiên sau hơn 2 năm. Ngoài ra, hàng loạt biện pháp hỗ trợ bao gồm cho phép gia hạn thời gian trả nợ và cam kết tín dụng mới hàng trăm tỷ USD cũng được áp dụng.

Nhờ những dấu hiệu từ phía chính quyền, cổ phiếu của một số công ty bất động sản bắt đầu tăng điểm trở lại, giúp các tỷ phú bất động sản phần nào bớt khó khăn. Trong đó, tỷ phú đồng sáng lập công ty Longfor, ông Wu Yajun đã cộng thêm 282 triệu USD vào khối tài sản của mình; đồng chủ tịch tỷ phú Dương Huệ Nghiên của nhà phát triển Country Garden, cũng kiếm được thêm 465 triệu USD kể từ đầu năm.

Các doanh nhân Trung Quốc gần đây cũng đã bày tỏ triển vọng tích cực của họ đối với nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng, bao gồm Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang, Chủ tịch tỷ phú của Tập đoàn Wahaha Zong Qinghou và tỷ phú sáng lập Chiết Giang Chint Electrics Nan Cunhui đều bày tỏ sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng nhanh chóng của đất nước.

...nhưng cũng có thể đóng lại bất kỳ lúc nào

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, những hỗ trợ về mặt chính sách này chỉ mang tính tạm thời, và không thể đảm bảo lợi ích lâu dài cho các công ty cũng như người kinh doanh đã bị ảnh hưởng trong thời gian qua.

Theo dự đoán của các nhà phân tích chính sách được Forbes đăng tải, một khi điều kiện kinh tế Trung Quốc trở nên ổn định hơn, các chính sách hỗ trợ sẽ một lần nữa bị xem xét lại, hoặc loại bỏ.

Ông Victor Shih, phó giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học California, bày tỏ quan điểm rằng việc nới lỏng quy định của chính phủ với lĩnh vực công nghệ gần đây rất đáng mong chờ, nhưng để tiếp tục phát triển, các đại gia Trung Quốc không thể không tiến sâu vào các lĩnh vực mà chính phủ kiểm soát, chẳng hạn như lĩnh vực nội dung hay thanh toán. Do đó, "một cuộc đụng độ khác giữa công nghệ và chính quyền gần như không thể tránh khỏi".

Chen Zhiwu, giáo sư tài chính tại Đại học Hong Kong, cho biết: “Một khi các điều kiện kinh tế ổn định, tôi kỳ vọng tình hình sẽ trở lại như những gì đã xảy ra trước tháng 11/2022". Ông Chen đề cập đến cuộc đàn áp năm ngoái gần như xóa sạch tăng trưởng doanh thu tại nhiều gã khổng lồ công nghệ lớn nhất của đất nước và gây ra làn sóng vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng của các nhà phát triển.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích cũng thống nhất rằng chính sách xoay trục ủng hộ thị trường dù sao cũng sẽ giúp Trung Quốc thúc đẩy nền kinh tế của mình. Vào tháng 12, nhà kinh tế Lu Ting của Nomura đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của đất nước trong năm nay từ 4% lên 4,8%, cho biết trong một lưu ý nghiên cứu rằng ông đã xem xét việc nới lỏng các chính sách zero-Covid của đất nước, các hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản.

Nhưng trong một cuộc họp với các quan chức chống tham nhũng gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cảnh báo chống lại “bất kỳ sự xâm nhập vốn nào" nhằm làm suy yếu hệ thống chính trị cũng như môi trường phát triển kinh tế, một lần nữa nhấn mạnh ý định liên tục của ông nhằm kiềm chế các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất quốc gia.

Điều này chắn sẽ không giúp các doanh nhân Trung Quốc nới lỏng cảnh giác, hay thở phào nhẹ nhõm trong năm 2023.

Quỳnh Anh

Theo Forbes

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/cac-dai-gia-trung-quoc-lieu-co-the-tho-phao-nhe-nhom-vao-nam-2023-20180504224279992.htm