Các cuộc tìm kiếm trong thị trường lao động

SGTT.VN - Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao, công trình nghiên cứu về sự thất nghiệp và những cản trở trong quá trình tìm việc của người lao động và tìm nhân lực của nhà tuyển dụng đã giúp ba nhà kinh tế Peter A. Diamond (MIT), Dale T. Mortensen (Northwestern University) và Christopher A. Pissarides (London School of Economics) đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay.

Ba nhà kinh tế (từ trái qua: Peter Diamond, Dale Mortensen, Christopher Pissarides Ảnh: internet Ba nhà kinh tế này nhìn nhận, tình trạng thất nghiệp của nền kinh tế từ góc độ hành vi cá nhân của người tìm việc và nhà tuyển dụng trong thị trường lao động, để trả lời câu hỏi vì sao kể cả trong thời kỳ kinh tế thịnh vượng, vẫn có những người thất nghiệp và những doanh nghiệp thiếu nhân lực. Trong thị trường lao động, mỗi người mua và người bán đều có đặc điểm hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, cần rất nhiều thời gian và công sức để tìm được một “cặp vừa ý”. Quá trình tìm kiếm này có rất nhiều trở ngại. Vì vậy, không một nền kinh tế nào đạt được trạng thái thất nghiệp hoàn toàn bằng không. Hiện tượng thất nghiệp do những trở ngại về cơ cấu của thị trường lao động này được gọi là thất nghiệp cơ cấu (structural unemployment), khác với hiện tượng thất nghiệp đi đôi với chu kỳ thăng giáng của nền kinh tế, được gọi là thất nghiệp chu kỳ (cyclical unemployment). Lý thuyết kinh tế học truyền thống mô tả thị trường trong sự vận hành của cung và cầu. Khi có một mặt hàng khan hiếm, giá hàng sẽ tăng lên cho tới khi được phân bổ vào tay những người sẵn sàng chi trả cao nhất. Tương tự như vậy, khi có quá nhiều hàng dư thừa, giá sẽ giảm cho tới khi nhà cung cấp tìm được khách hàng đặt giá trị cao nhất đối với sản phẩm của họ. Trong thị trường lao động, điều này trở nên phức tạp hơn. Bởi lẽ, các doanh nghiệp rất khác nhau về nhu cầu, tiêu chuẩn, chính sách tuyển dụng, hình thức quảng cáo, trong khi người tìm việc cũng phát các kênh tín hiệu rất khác nhau về năng lực, trình độ, cũng như khác nhau về sở thích, nỗ lực và các đòi hỏi trong quá trình tìm việc. Sự tương tác giữa tất cả những yếu tố đó khiến cho quá trình tìm kiếm song phương này không dễ dàng kết thúc với kết quả là một cặp đôi tương hợp giữa người và việc. Công trình nghiên cứu của Diamond, Mortensen và Pissarides nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của những cản trở này trong cuộc tìm kiếm đó, và các hành vi của người lao động và chủ lao động trong thị trường lao động nói chung lên mức độ thất nghiệp của nền kinh tế. Công trình của ba nhà kinh tế góp phần giúp xã hội không còn nhiều người thất nghiệp nữa. Ảnh: internet Peter Diamond cho rằng, các chính sách vĩ mô kích thích nền kinh tế từ cả hướng tiền tệ lẫn tài khóa đều có thể hỗ trợ thị trường lao động và thúc đẩy tăng trưởng việc làm. Sự hồi phục của nền kinh tế đến càng chậm, người ta càng mất dần kỹ năng và trở nên uể oải hơn với quá trình tìm kiếm việc làm mới. Quá trình tìm kiếm bị trễ nải sẽ khó tạo được việc làm, và khi đó sự hồi phục kinh tế lại càng khó khăn. Trong các nghiên cứu trước, Diamond đã mô hình hóa quá trình tìm kiếm trong đó có sự cân nhắc theo thời gian (khác với các mô hình “tĩnh”, khi người lao động chỉ đưa ra quyết định tại một thời điểm). Các mô hình tìm kiếm này đóng vai trò quan trọng trong lý thuyết kinh tế vĩ mô về việc làm và thất nghiệp của cả nền kinh tế trong mối quan hệ với tổng cầu. Công trình của ba nhà kinh tế này cũng cho thấy các chính sách nhằm hỗ trợ người thất nghiệp cũng có thể có những hệ quả không mong đợi. Ví dụ, ở Bắc Âu, khi nhà nước cung cấp các gói bảo trợ phúc lợi hào phóng và chính sách hỗ trợ thất nghiệp trong một thời gian dài, khiến thất nghiệp ảnh hưởng không quá nặng nề đến người lao động, khiến họ ít nỗ lực tìm việc làm mới hơn. Hệ quả không mong đợi của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là khi càng có nhiều hỗ trợ của chính phủ, tình trạng thất nghiệp càng có thể tiếp tục kéo dài. Nghiên cứu của họ cũng giải thích tại sao thị trường lao động ở các nước châu Âu lại chặt chẽ và ít biến động hơn ở Mỹ. Nếu việc tuyển dụng nhân lực mới, hay việc nhảy việc của người lao động được kiểm soát chặt chẽ, thị trường lao động sẽ tạo ra nhiều việc làm ổn định và có tính lâu dài hơn. Tương tự, chính sách hỗ trợ thất nghiệp cũng có thể giúp quá trình tìm việc và tìm người diễn ra hiệu quả hơn, khi có thể hạn chế các ngoại tác trong thị trường lao động. Công trình nghiên cứu về quá trình tìm kiếm giữa nhà tuyển dụng và người xin việc trong thị trường lao động được cả ba nhà kinh tế kết hợp với nhiều nghiên cứu quan trọng khác về chính sách kinh tế vĩ mô. Những nghiên cứu thời gian đầu của Diamond là về mô hình tăng trưởng và các mô hình tích lũy vốn, nợ quốc gia, cơ chế thuế tối ưu, và các chính sách phúc lợi xã hội của chính phủ. Cũng phải nói thêm rằng, Peter Diamond là một người có nhiều đặc điểm thú vị. Một học trò của Diamond, Steven Levitt, tác giả cuốn Freakonomics (Kinh tế học hài hước) kể lại những ngày Diamond là thầy của Levitt ở MIT. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là Diamond thường rất hay ngủ gật trong các buổi seminar, và cũng là người đưa ra những nhận xét sắc sảo nhất khi ông tỉnh giấc. Diamond có thể suy nghĩ trong tích tắc những vấn đề mà người khác phải mất vài ngày hay vài tuần mới nghĩ ra. Diamond không chỉ là một giáo sư uyên bác mà còn là một người thầy rất tận tình với sinh viên của mình. Nghiên cứu của ba tác giả giải Nobel năm nay không chỉ ứng dụng trong thị trường lao động, mà ở hầu hết các thị trường, trong đó những người mua có đặc điểm rất khác nhau, và người bán cũng vậy. Điều này thực tế được nhìn thấy trên rất nhiều thị trường, nơi mà cả người mua và người bán đều phải trả những chi phí nhất định để “tìm được nhau”. Những cuộc tìm kiếm để đạt được kết quả giao dịch thành công có đặc tính như vậy có thể thấy từ việc tìm mua nhà cho đến tìm một người bạn đời. Ứng dụng gần gũi nhất là trong các vấn đề về hôn nhân và ly dị, trong đó ly hôn có thể được xem là kết quả của một sự “từ chức” hay “sa thải”. Sự tan và hợp của một gia đình cũng có những đặc điểm và hậu quả giống như trong thị trường lao động: nếu việc ly hôn trở nên khó khăn và có ít ly hôn hơn, các cặp vợ chồng không hạnh phúc có thể sẽ cân nhắc kỹ hơn về sự chia tay của mình, bởi vì sẽ chỉ còn rất ít lựa chọn cho họ ngoài kia nếu họ quyết định không ở bên nhau nữa.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/khoa-giao/131151/cac-cuoc-tim-kiem-trong-thi-truong-lao-dong.html