Các chính phủ Đông Nam Á hỗ trợ nông dân ứng phó El Ninõ

Các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia đang hỗ trợ nông dân và người dân trong bối cảnh hiện tượng thời tiết El Ninõ gây khó khăn cho sản xuất, và lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ làm thắt chặt nguồn cung gạo, khiến giá tăng cao.

Một đồng lúa khô cằn ở làng Pajukukang, huyện Maros, tỉnh Nam Sulawesi, Indonesia hồi tháng 6-2023. Ảnh: Jakarta Post

Tác động của El Ninõ chưa lên đỉnh điểm

Mudzakir, một nông dân trồng lúa ở huyện Probolinggo, tỉnh Đông Java, Indonesia, dự kiến sẽ thất thu vài tấn lúa trong vụ thu hoạch cuối năm nay do cây lúa héo úa trong thời tiết khô hạn. Trong những năm được mùa, những nông dân trong nhóm của ông thu hoạch ít nhất 6-7 tấn lúa trên mỗi hecta.

Nhưng khi hiện tượng thời tiết El Ninõ gây ra các điều kiện khô hạn bất thường, Mudzakir chuẩn bị đón nhận điều tồi tệ nhất. Ông dự báo, chỉ sản xuất được 5 tấn lúa/hecta trong năm nay.

Từ đảo Java của Indonesia đến vùng vựa lúa Isaan của Thái Lan và vựa lúa Nueva Ecija của Philippines, El Ninõ đang quay trở lại. Các chuyên gia cho rằng hiện tượng thời tiết gây khô hạn này có thể sẽ gây thiệt hại cho cây lúa, nguồn lương thực thiết yếu cho người dân châu Á. El Ninõ làm biển ấm lên và mang đến sâu bệnh, hạn hán và lũ lụt cho những người trồng trọt ở lục địa châu Á vốn đang bên bờ vực của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Sự kiện El Ninõ hiện tại, liên quan đến chu kỳ nóng lên của Thái Bình Dương, bắt đầu vào tháng 6 năm nay và đã đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức chưa từng thấy trong mùa hè qua. Các chuyên gia cho rằng cường độ của El Ninõ vẫn chưa lên đỉnh điểm.

“Có 75-85% khả năng El Ninõ lần này sẽ mạnh”, giáo sư Benjamin Horton, giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore, nói và cho biết thêm, tác động của hiện tượng thời tiết này đối với nông nghiệp sẽ đặc biệt rõ ràng vào đầu năm 2024 khi vụ sản xuất lúa đông xuân bị ảnh hưởng.

Các chính phủ và người tiêu dùng trong khu vực đang đối mặt với những cú sốc về giá, tình trạng thiếu nguồn cung gạo.

Sự kiện El Nino vào giai đoạn 2014-2016 khiến sản lượng lúa gạo ở Đông Nam Á giảm 15 triệu tấn trong hai năm, đẩy hàng triệu người ở khu vực sản xuất khoảng 30% sản lượng gạo của thế giới rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực.

Gấp rút hỗ trợ

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), với giá gạo toàn cầu năm nay cao hơn 28% so với năm 2022 và dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa, chính phủ các nước phụ thuộc vào nhập khẩu gạo gấp rút hỗ trợ người dân.

Khi giá toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong 12 năm do tác động từ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati của Ấn Độ, các nước ASEAN đã đưa nhiều biện pháp nhằm bình ổn thị trường, bao gồm chương trình phân phát gạo cho các hộ gia đình có thu nhập thấp ở Indonesia, dự kiến dài đến mùa hè năm sau.

Hồi tháng 10 năm nay, Malaysia triển khai chương trình trợ cấp cho gạo nhập khẩu ở hai tiểu bang. Trong khi đó, Philippines áp mức trần giá gạo trong một tháng hồi tháng 9 sau khi giá gạo trong nước tăng lên mức cao nhất trong 14 năm.

Nhưng chính những nông dân sản xuất nhỏ trong khu vực mới thực sự đối mặt nhiều khó khăn nhất do kiểu thời tiết khó lường gây ra.

Họ không chỉ phải chịu thiệt hại mùa màng vì các đợt nắng nóng mà còn bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi thất thường của thị trường và chính sách của chính phủ.

Các chính phủ trong khu vực cũng cố gắng giúp đỡ nông dân vượt qua khó khăn. Ví dụ, Manila đã công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 12,7 tỉ peso (228 triệu đô la) cho 2,3 triệu nông dân trồng lúa để ứng phó tác động của El Ninõ và chi phí sản xuất tăng.

Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, thu về hơn 87 tỉ baht (2,4 tỉ đô la Mỹ) từ xuất khẩu gạo trong 7 tháng đầu năm nay, khi nước này tận dụng khoảng trống xuất khẩu mà Ấn Độ để lại.

Giới chức trách Thái Lan yêu cầu nông dân trồng lúa giảm sản xuất vì lo ngại tình trạng thiếu nước sắp xảy ra.

Người phát ngôn chính phủ Thái Lan, Radklao Inthawong Suwankiri cho biết, hôm 14-11, chính phủ đã phê duyệt khoản chi 1,55 tỉ đô la các biện pháp hỗ trợ nông dân trồng lúa, bao gồm khoản hỗ trợ 1.000 baht (28 đô la) cho mỗi rai (0,16 hecta) đất trồng lúa của nông dân. Kế hoạch hỗ trợ dự kiến tiếp cận gần 4,7 triệu hộ gia đình nông dân. Bên cạnh đó, hồi đầu tháng 11, chính phủ Thái Lan cũng phê duyệt chương trình cho vay trị giá 55 tỉ baht, bao gồm các khoản vay dành cho nông dân trì hoãn trồng lúa trong 5 tháng cũng như các khoản vay dành cho các hợp tác xã can thiệp thị trường bằng cách mua lúa để giữ giá ổn định.

Nông dân cần hỗ trợ để hiện đại hóa sản xuất

Theo chuyên gia an ninh lương thực Elyssa Ludher, Đông Nam Á không phải là hoàn toàn thụ động trước El Ninõ lần này, với các nước phụ thuộc vào nhập khẩu đã đẩy mạnh mua gạo dự trữ trong những tháng gần đây.

“Tuy nhiên, lạm phát lương thực dự kiến tiếp tục tăng do sản lượng giảm”, Ludher, nhà nghiên cứu an ninh lương thực tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nói.

Bà nói thêm, việc một số nước như Ấn Độ áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu gạo có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát lương thực vốn đã cao trên toàn khu vực.

“Điều này sẽ tác động đến các doanh nghiệp thực phẩm định hướng xuất khẩu và gây ra tình trạng thiếu lương thực ở các nước khác”, bà cảnh báo.

Nhưng nông dân trồng lúa trong khu vực sẽ cần nhiều sự hỗ trợ hơn để giúp họ hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp và quản lý rủi ro khí hậu.

Sản xuất nông nghiệp là công việc đầy thách thức, vì dù có thể có sản phẩm tốt, bạn cũng không thể kiểm soát thị trường”, Tiến sĩ Rex Navarro, chuyên gia nông nghiệp ở Viện Giống cây trồng thuộc Đại học Philippines Los Banõs, nói.

Ông nói thêm, những thách thức lớn nhất cản trở nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu là cơ sở hạ tầng, nguồn vốn và xây dựng năng lực. Theo Navarro, công nghệ giám sát sâu bệnh và năng suất cùa cây trồng đã có nhưng vấn đề là phải mở rộng quy mô.

Là một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, Philippines đang đẩy mạnh mở rộng quy mô sản xuất gạo trong nước và đặt kế hoạch tham vọng nhằm tự cung tự cấp gạo vào năm 2028.

Mục tiêu này đòi hỏi sản lượng lúa đạt khoảng 7 tấn/hecta, trong khi hầu hết nông dân ở Philippines chỉ sản xuất trung bình khoảng 4,2 tấn/hecta và nhu cầu lương thực do tăng trưởng dân số cũng vượt xa tốc độ sản xuất lúa gạo.

Dù hệ thống thủy lợi giúp nông dân ứng phó lượng mưa không lường trước được nhưng các cơ sở vật chất cũ kỹ và hỏng hóc thường là vấn đề. Chẳng hạn, một đánh giá năm 2018 của Bộ Công trình công cộng và nhà ở Indonesia cho thấy, 46% hệ thống thủy lợi của đất nước “bị hư hỏng từ trung bình đến nặng” .

Theo SCMP

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-chinh-phu-dong-nam-a-ho-tro-nong-dan-ung-pho-el-nino/