Các bộ, cơ quan đã đẩy mạnh truyền thông, đưa nội dung luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống

Theo báo cáo của Chính phủ, trên cơ sở nền tảng các ứng dụng báo chí trên mạng xã hội, các website, các bộ, cơ quan ngang bộ cũng có những biện pháp để đẩy mạnh truyền thông, đưa nội dung luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Ngày 7/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trình bày báo cáo của Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại hai kỳ họp này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.

27/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch, công văn hướng dẫn phổ biến các luật, nghị quyết mới

Tại hai kỳ họp nêu trên, Quốc hội đã thông qua 9 luật, 11 nghị quyết quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước (Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 14/2/2024); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 14/2/2024) và dự kiến sẽ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai,…

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành kế hoạch thực hiện các luật: Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…

Đối với các luật, nghị quyết còn lại, dự kiến trong tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cũng sẽ ban hành các kế hoạch triển khai thi hành.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, đa số các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện lồng ghép nội dung chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến luật, nghị quyết mới trong kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024. Bên cạnh đó, đã có 27/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch, công văn hướng dẫn phổ biến các luật, nghị quyết mới. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã tổ chức các hội nghị tập huấn, biên soạn tài liệu phục vụ việc phổ biến, giới thiệu luật, nghị quyết đến người dân và doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản phối hợp với các bộ, ngành chủ trì tham mưu xây dựng luật, pháp lệnh mới biên soạn tài liệu giới thiệu 7 luật. Đối với Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo văn bản phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc biên soạn tài liệu giới thiệu; phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo các luật tổ chức biên soạn tài liệu giới thiệu nội dung cơ bản các luật mới.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đã nhận được 7/9 tài liệu giới thiệu 7 luật và đã tổ chức biên tập, đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia. Bên cạnh đó, trên cơ sở nền tảng các ứng dụng báo chí trên mạng xã hội, các website, các bộ, cơ quan ngang bộ cũng có những biện pháp để đẩy mạnh truyền thông, đưa nội dung luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Để quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại hai kỳ họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ ban hành 56 văn bản, trong đó có 29 nghị định, 5 quyết định, 22 thông tư...

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trình bày báo cáo của Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại hai kỳ họp này.

Chính phủ yêu cầu công khai tình hình soạn thảo và chậm, nợ ban hành văn bản

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nêu rõ: Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Chính phủ về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ và phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật.

Chính phủ yêu cầu công khai tình hình soạn thảo và chậm, nợ ban hành văn bản trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ; thường xuyên có văn bản đôn đốc công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh; tổ chức các buổi làm việc, kiểm tra liên ngành và tổ chức các cuộc họp với các bộ, cơ quan ngang bộ nhằm trao đổi, thảo luận, đề ra các biện pháp xử lý một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác.

Trong quá trình triển khai thi hành luật, nghị quyết, Báo cáo của Chính phủ cho thấy còn một số khó khăn, vướng mắc như nội dung giao quy định chi tiết là khá lớn, thời gian ban hành gấp dẫn đến khó khăn trong việc bảo đảm có hiệu lực đồng thời của văn bản quy định chi tiết với luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành.

Hoạt động phổ biến các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới tại một số bộ, ngành, địa phương còn triển khai chưa kịp thời. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức phổ biến các luật, nghị quyết mới thông qua ở một số thời điểm chưa thường xuyên, chặt chẽ.

Còn tình trạng chờ hướng dẫn của cấp trên trong triển khai hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật thực hiện các luật, nghị quyết; nhiều địa phương chưa chủ động triển khai phổ biến các văn bản pháp luật mới.

Nguồn lực bảo đảm cho công tác thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế: cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật, cán bộ pháp chế còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều công việc, năng lực chuyên môn còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc tham gia công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật còn ở chừng mực nhất định.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-bo-co-quan-da-day-manh-truyen-thong-dua-noi-dung-luat-nghi-quyet-som-di-vao-cuoc-song-post287118.html