Các anh về mở đường no ấm

QĐND - Tháng 9-2008, sáng kiến “Công tác dân vận của LLVT tỉnh Hòa Bình trong giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn” đã tạo được tiếng vang lớn khi giành giải nhất trong Hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật của LLVT Quân khu 3. Đầu năm 2009, sáng kiến này tiếp tục đoạt giải khuyến khích cấp toàn quân và được Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình nâng cấp thành Đề án "Xây dựng làng, bản văn hóa-quốc phòng”. Hiện đề án đang được triển khai thí điểm ở hai xã đặc biệt khó khăn của tỉnh…

Đề án ... độc nhất vô nhị Một ngày giữa tháng 9, chúng tôi may mắn được đi cùng chuyến xe của Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình về hai xã đặc biệt khó khăn, được chọn làm mô hình thí điểm Đề án "Xây dựng làng, bản văn hóa-quốc phòng”, đó là Đú Sáng của huyện Kim Bôi và Độc Lập của huyện Kỳ Sơn. Với cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình, cung đường này đã trở nên quen thuộc, bởi phía trước là những bản, làng đang “khát” đường, “khát” nước sạch, “khát” khoa học kỹ thuật nuôi trồng… Câu chuyện của Thượng tá Nguyễn Hồng Sơn-Phó chủ nhiệm Chính trị và Trung tá Đinh Bảo Toàn-Trưởng ban Tuyên huấn Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình về đề án được coi là… độc nhất vô nhị trong toàn quân tính đến thời điểm hiện nay, đã cuốn hút chúng tôi trên suốt hành trình về Đú Sáng. Hòa Bình là tỉnh miền núi, có 7 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 63,4% dân số. Hiện toàn tỉnh có 79 xã đặc biệt khó khăn, với đường làng, ngõ xóm phần nhiều là đường đất, năng suất lao động thấp, tình trạng ăn ở mất vệ sinh vẫn còn khá phổ biến, tỷ lệ hộ nghèo có nơi vẫn chiếm 30 đến 35%... Trăn trở trước cái đói, nghèo của bà con, Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình quyết tâm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng làng, bản văn hóa-quốc phòng”. Bởi, theo cách nói của Thượng tá Nguyễn Quốc Bảo, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh: “Muốn khu vực phòng thủ huyện, tỉnh ngày càng vững mạnh thì phải xây dựng được xã, phường vững mạnh, phải làm cho bà con bớt đói, bớt khổ. Có như thế mới xây dựng được thế trận lòng dân”. Đề án “Xây dựng làng, bản văn hóa-quốc phòng” có tổng thời gian thực hiện trong 2 năm (từ 2009 đến 2011). Hai huyện Kim Bôi và Kỳ Sơn được chọn làm thí điểm để rút kinh nghiệm. Sau đó sẽ triển khai rộng trên toàn tỉnh. Mục tiêu mà đề án hướng tới là làm cho làng, bản ấm no không còn nghèo đói; sạch đường, đẹp ngõ, không có dịch bệnh; gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền; làng xóm yên vui. Triển khai thực hiện đề án, Cơ quan quân sự các cấp của LLVT tỉnh Hòa Bình đã chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo lồng ghép các dự án đầu tư của các ngành, các lĩnh vực vào từng mục tiêu của đề án. Đồng thời, kêu gọi tài trợ kinh phí từ các cơ quan, doanh nghiệp. Không dừng lại ở đó, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS các huyện và lực lượng dân quân tự vệ các xã còn cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, đóng vai trò nòng cốt, “đầu tàu” trong từng công việc… Bộ đội nói là làm Về xóm Bãi Tam (xã Đú Sáng), chúng tôi thấy tấm biển “Mô hình làng, bản văn hóa-quốc phòng” được đặt trân trọng bên mép phải con đường bê tông dẫn về xóm. Đây là con đường thuộc đề án, được khánh thành giữa tháng 11 năm ngoái. Thượng tá Phạm Đình Phương, Chính trị viên Ban CHQS huyện Kim Bôi cho biết, qua khảo sát, Ban CHQS huyện thấy Bãi Tam là xóm khó khăn nhất của Đú Sáng, với 41% hộ nghèo, nên chọn làm thí điểm thực hiện đề án. Ông Bạch Công Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Đú Sáng phấn khởi nói: - Trước khi được chọn thực hiện đề án, việc đi lại của nhân dân Bãi Tam khó khăn lắm, do đường đất trơn, dốc, cây mọc chắn lối. Nhưng anh thấy đấy, đường giao thông của Bãi Tam nay đã khác xưa nhiều rồi. Trước đây, dân Bãi Tam không mặn mà lắm với chương trình “cứng hóa nông thôn”, dù bao đời nay, họ vẫn mơ về một con đường bê tông sạch sẽ. Không mặn mà bởi họ không đủ tiền mua cát, sỏi, cho dù Nhà nước đã hỗ trợ xi măng. Thêm nữa, bà con không biết cách làm. Vậy mà khi bộ đội “đem” đề án về, mọi chuyện đã đổi thay nhanh chóng. Ông Bạch Công Quỳnh chia sẻ tiếp: - Bộ đội về đã tạo niềm tin đối với bà con, bởi các anh đã nói là làm, mà làm đến nơi đến chốn. Các anh làm mẫu, bà con làm theo, càng làm càng thấy hiệu quả, bà con lại càng tin. Ban đầu, Đú Sáng chỉ “dám” mạnh dạn “xin” huyện 200m đường bê tông, song qua khảo sát địa bàn, Ban CHQS huyện Kim Bôi đã tham mưu với huyện cấp kinh phí cho Đú Sáng làm 2,2km đường. Nhờ đó, xóm Bãi Tam có 1,2km; xóm Suối Thản và xóm Suối Chuộn cùng được 500m. Bà Bùi Thị Xiên, 64 tuổi (đội 2, xóm Bãi Tam), xúc động nói với chúng tôi: “Mừng lắm vì cuối đời rồi tôi lại được đi trên con đường đẹp thế này. Công bộ đội lớn lắm đấy. Từ ngày có con đường này, đi đêm không phải mang đèn nữa, chú à”. Anh Bùi Văn Nuôi, 39 tuổi, nhà cũng ở Đội 2, chỉ lên con dốc cao ngất bên cạnh vườn nhà, kể: Ngày chưa có đường, đi qua con dốc này vất vả lắm, mùa mưa trượt ngã là chuyện thường, nhất là người già và trẻ con. Dốc cao, đường đất nên chuyện làm ăn của 9 hộ dân ở phía trên con dốc cũng rất khó khăn. Ngày mùa, họ phải đánh vật để đưa lúa, bắp về nhà; khi muốn bán nông sản thì phải gồng gánh xuống đường liên xã, bởi không chủ hàng nào “hứng thú” vượt qua con dốc ấy vào nhà họ mua hàng. Giờ đây, về Bãi Tam, cảnh người trên nhà sàn, trâu bò buộc dưới cũng không còn. Có được sự chuyển biến ấy cũng nhờ sự vận động tích cực của bộ đội. Ông Bùi Văn Nhím, 66 tuổi, nhà ở Đội 2, chỉ vào gầm nhà sàn sạch sẽ, nơi để hai chiếc xe máy, khoe với chúng tôi: Từ khi di chuyển trâu, bò ra nơi ở mới, ruồi muỗi trong nhà ít hẳn, sốt rét, sốt xuất huyết cũng không còn, bà con phấn khởi lắm. Chúng tôi ngược lên bể cái, nơi thu nước từ bể đầu nguồn, để từ đây nước được dẫn về 6 bể con phục vụ nhân dân xóm Bãi Tam. Dọc đường đi, những ống nhựa mềm nằm ngổn ngang, có ống đã thủng, nước phun tung tóe. Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Đú Sáng Bùi Văn Nghít giải thích: - Hệ thống đường ống dẫn từ bể cái về các bể con bị tắc nên bà con phải lấy nước như vậy đó, hiệu quả không cao mà lại tốn tiền mua ống. Anh Nghít cho chúng tôi biết thêm, đang là mùa mưa nên việc lấy nước của bà con còn dễ do nước còn về được đến bể cái. Nhưng nếu là mùa khô, bà con phải kéo dây lên tận bể đầu nguồn phía trên núi, bởi chiếc bể đó bị trận lũ cách đây 3 năm đùn cát về lấp phần lớn bể, không có nước dẫn về bể cái vào mùa khô. Tuy nhiên, theo tiến độ thực hiện đề án, chỉ ít ngày nữa, hệ thống đường ống bị tắc và bể đầu nguồn sẽ được khơi thông. Độc Lập - "Công trường" ấm tình quân, dân Rời Bãi Tam, chạy tiếp chừng hơn 1,5km, chúng tôi có mặt ở xóm Nội (Độc Lập, Kỳ Sơn), nơi cũng được chọn thực hiện thí điểm đề án. Cả xóm Nội ngổn ngang như một công trường. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là con đường đất đỏ chạy vào xóm đã được san ủi phẳng phiu; nguyên, vật liệu được tập kết ngay đầu xóm. Thượng tá Nguyễn Phú Oai, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Kỳ Sơn, chân mang đôi ủng bết bát đất đỏ, tâm sự: - Đã một tháng nay, gần 30 cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện “cắm chốt” ở xóm Nội, cùng lực lượng dân quân đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình như làm đường, xây nhà vệ sinh kiểu mới, cải tạo ao nuôi cá, vườn tạp giúp nhân dân. Ngày mai chúng tôi sẽ đổ bê tông con đường dài 220m này. Bên chiếc ao cá của gia đình ông Nguyễn Văn Bồng, ở xóm Nội, mọi người đang đánh vữa, vận chuyển đá hộc để kè ao, tiếng nói cười rộn rã. Nữ dân quân Nguyễn Thị Dung, tay đánh vữa, miệng tươi cười nói với chúng tôi: - Mệt đấy nhưng vui vì bà con có ao mới để chăn nuôi phát triển kinh tế, xóm làng cũng thêm khang trang, sạch đẹp. Kể từ khi đề án được triển khai ở xóm Nội đến nay, 1 nhà văn hóa đã được xây dựng, 27 công trình vệ sinh được làm mới, 1 ao cá được cải tạo và xây kè. Song trước đó, khó khăn không hề nhỏ, mà trước hết là kinh phí thực hiện. Theo tính toán của Thượng tá Nguyễn Phú Oai, để hoàn thành đề án, kinh phí ước tính 300 triệu đồng. Nhờ sự tham mưu tích cực của Ban CHQS huyện, huyện Kỳ Sơn đã nhất trí hỗ trợ phần lớn kinh phí; các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn cũng hỗ trợ một phần không nhỏ; thêm nữa là phần đóng góp của nhân dân… Như vậy, khó khăn về kinh phí bước đầu đã được giải quyết. Cái khó tiếp đến là phải thuyết phục sao cho nhân dân đồng ý làm nhà vệ sinh kiểu mới. Bao đời nay, cầu tiêu của người dân xóm Nội là một cái hố được đào tạm bợ. Đó cũng là nơi trú ngụ, phát triển của ruồi muỗi, nguy cơ gây dịch bệnh rất cao, nhất là vào mùa mưa. Trong khi đó, bà con vẫn quả quyết làm thế là hợp vệ sinh vì nó…cách xa nhà. Cùng với kiên trì vận động, thuyết phục, gia đình Bí thư chi bộ xóm Nội đã gương mẫu làm điểm nhà vệ sinh kiểu mới. Khi hoàn thiện, bà con được mời đến tham quan, thấy ưng, bà con mới làm theo. Đến nay, 100% số hộ đã đăng ký làm nhà vệ sinh kiểu mới. Anh Nguyễn Văn Dứng, 38 tuổi, người dân tộc Mường, chỉ vào nhà vệ sinh kiểu mới của gia đình đang xây, khoe với chúng tôi: "Nhà mình sắp có nhà vệ sinh mới rồi, vừa sạch sẽ lại không phải đi xa nhà". Khi nhắc đến con đường của xóm sắp được đổ bê tông, chị Nguyễn Thị Dích, hàng xóm của anh Dứng nói: “Có đường mới, đi lại làm ăn cũng dễ mà hai đứa trẻ nhà mình đi học cũng không sợ bẩn hoặc trượt ngã như ngày xưa nữa”. Theo ông Nguyễn Hồng Binh, Bí thư Đảng ủy xã Độc Lập, bộ đội về không chỉ giúp nhân dân thực hiện đề án, mà cách sinh hoạt khoa học của bộ đội cũng dần làm thay đổi nếp sống lâu nay của bà con. Ông Binh nói: - Bộ đội về ở nhà dân, thấy bộ đội sống gọn gàng, ngăn nắp, bà con cũng học được cách sống ngăn nắp của bộ đội. Ý thức sống gọn gàng, sạch sẽ của bà con xóm Nội đã thay đổi nhiều rồi. Trên đường trở về thành phố Hòa Bình tôi nhớ đến tâm sự của Đại tá Nguyễn Thế Dân, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình: Không có tham vọng về những điều to tát, đề án chỉ hướng đến những việc làm hết sức cụ thể, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con. Với sự thay đổi nhanh chóng ở Đú Sáng và Độc Lập, chúng tôi thêm tin, tỉnh Hòa Bình sẽ có nhiều hơn nữa những làng, bản ấm no - những “Làng, bản văn hóa-quốc phòng”. Hòa Bình, tháng 9 năm 2010 Ghi chép của Phạm Hoàng Hà

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/56/57/57/125060/Default.aspx