Cả xã vi phạm pháp luật vì… thiếu đất

GD&TĐ - Từ trụ sở UBND xã Ia Kreng (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cho tới phần lớn nhà ở và đất sản xuất của 434 hộ dân, với gần 1.900 nhân khẩu (đa phần là lao động nông nghiệp), đều đang tọa lạc và canh tác trên đất đã có chủ, thậm chí là đất cấm xây dựng nhà ở và khai thác nông nghiệp.

Gần như toàn bộ xã bị liệt vào diện xâm chiếm đất rừng phòng hộ, nghĩa là vi phạm pháp luật nếu chiếu theo quy định. Thế nhưng, ngoài đơn vị quản lý phần đất bị xâm lấn đó thì hầu như không ai quan tâm đến việc vi phạm này.

Vô tư… phạm luật

Hầu hết địa bàn xã Ia Kreng, nơi người dân sinh sống và canh tác lâu nay, thuộc về phần đất sở hữu của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly. Thậm chí, theo đại diện Ban Quản lý, ngay cả trụ sở UBND xã Ia Kreng, từ khi thành lập cũng xây trên phần đất không phải thuộc về xã.

Điều lạ là, mặc dù các hộ dân sử dụng, canh tác trên phần đất được cho là lấn chiếm này nhưng rất ít người biết. Dĩ nhiên là họ không hề có một giấy tờ gì chứng minh mảnh đất bao đời mình sử dụng là của mình.

Trải qua nhiều thế hệ thừa kế, hiện ông Siu Đir (trú tại làng Dóch 1, xã Ia Kreng) có 2 ha đất rẫy và vườn. Năm nay đã gần 50 tuổi, ông Siu Đir cũng không thể nhớ nổi 2 ha đất trên, gia đình có từ bao giờ.

Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc mảnh đất này, ông đều khẳng định đó là đất gia đình do cha ông để lại, trước như thế nào nay vẫn vậy, không hề lấy đất của ai nên càng không có chuyện đang vi phạm pháp luật. Tuy nhiên khi được hỏi về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ có giá trị tương tự, ông Siu Đir thừa nhận là chưa có.

Ông cũng khẳng định không chỉ riêng gia đình ông mà mọi gia đình khác trong làng đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dù một số người cũng đã lên xã hỏi nhiều lần.

Khi được cho biết phần đất đang được sử dụng là thuộc về đất rừng phòng hộ, có đơn vị quản lý cụ thể, ông Siu Đir và một số người dân trong làng Dóch 1 đều khẳng định điều đó chưa được ai thông tin và bao đời người dân sinh sống ở đây cũng không có cơ quan quản lý nào đến để chứng minh đất này thuộc họ sở hữu.

Điều đáng nói hơn, việc mua bán đất đai, nhà cửa của người dân vẫn diễn ra thường xuyên, theo hình thức tự lập giấy tờ thỏa thuận mua bán đôi bên. Bà Trần Thị Lệ Thu (trú làng Dóch 2, xã Ia Kreng) - người khá am hiểu về lịch sử đất đai ở đây cho biết, phần lớn người dân xã này là người đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu biết về đất đai còn hạn chế.

Khi mua bán đất ở trong xã, phần lớn người mua hỏi bìa đỏ của đất, dân ở đây vẫn rất bình thản trả lời: Đất của ông bà, cha mẹ mình để lại. Ai dám vào lấy, bìa đỏ làm gì nữa?

Không riêng gì các hộ gia đình ở làng Dóch 1, Dóch 2, mà gần như các hộ dân trong xã Ia Kreng cũng rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật mà không hay biết.

Trao đổi với chúng tôi, hầu hết người dân đều khẳng định đất đai do cha mẹ để lại, đã sinh sống và canh tác ổn định qua nhiều đời. Thậm chí nhiều người khi nghe nói về rừng phòng hộ, về Ban Quản lý rừng, còn hỏi lại: Đó là cái gì vậy?(!)

Rối thêm bởi sự quy hoạch

Việc người dân sinh sống và canh tác trong khu vực rừng phòng hộ như ở Ia Kreng cũng là điều dễ hiểu nếu tìm hiểu ngược về lịch sử vùng đất và thói quen sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Có điều, thay vì làm rõ để người dân hiểu và có kế hoạch di dân hoặc phương án bảo tồn rừng phòng hộ để tránh việc bị xâm phạm thêm, chính công tác quy hoạch của địa phương lại làm rối thêm vấn đề này.

Cụ thể vào đầu năm 2009, UBND xã Ia Kreng được thành lập, thế nhưng lại không có sự xác định ranh giới hành chính, chỉ có nhiệm vụ quản lý dân. Toàn bộ địa bàn dân sinh sống mà xã Ia Kreng được giao quản lý ấy, với diện tích khoảng hơn 11.000 ha, đều thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly.

Nhìn thấy bất cập này, ngay trong tháng 3/2009, UBND tỉnh Gia Lai đã có quyết định thu hồi 55 ha đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để giải quyết đất sản xuất cho người dân.

Đến tháng 5/2010, UBND tỉnh tiếp tục thu hồi 175,3 ha, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để giải quyết đất sản xuất cho người dân làng Díp.

Do vậy, sau khi được giao đất, hiện xã chỉ quản lý phần diện tích ít ỏi này, phần đất còn lại (trong tổng số diện tích 11.000ha) là đất lâm nghiệp và đất khác vẫn thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly.

Do không có một quy hoạch rõ ràng và không bố trí được khu vực cấp đất sản xuất cho người dân nên trong những năm qua, UBND xã Ia Kreng nhiều lần đề nghị UBND tỉnh phân định rõ đất giữa xã và Ban Quản lý rừng phòng hộ để thuận tiện trong việc quản lý và đáp ứng nhu cầu sử dụng đất lâu dài, ổn định của người dân địa phương. Thế nhưng, đến nay vẫn chỉ mới có hơn 230,3 ha trong tổng số hơn 11.000 ha được phép chuyển mục đích sử dụng theo đề xuất.

Ông Rơ Chăm Tâm - Chủ tịch UBND xã Ia Kreng không khỏi trăn trở khi trao đổi với chúng tôi: UBND xã nhiều lần có văn bản đề nghị huyện sớm phân định ranh giới giữa đất lâm nghiệp và nông nghiệp để xã quản lý, thế nhưng từ năm 2009 đến nay mà vẫn chưa có kết quả.

Do vậy, ngay cả trung tâm xã với 434 hộ dân, gần 1.900 khẩu đều “nương nhờ” trên phần đất lâm nghiệp thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly. Xét về luật là sai, nhưng quả thực không có cách nào khác.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ca-xa-vi-pham-phap-luat-vi-thieu-dat-2407184-b.html