Cá 'ướp' phoóc môn, gạo nhuộm màu, người tiêu dùng đặt niềm tin vào đâu?

Nhiều mẫu cá khoai tại Quảng Bình phát hiện có chứa phoóc môn, gạo Séng Cù nhuộm màu xanh làm người tiêu dùng 'hoang mang' bởi không biết đặt niềm tin vào đâu?

Cá “ướp” phoóc môn, gạo nhuộm phẩm màu

Ngày 14/11, thông tin từ Phòng Y tế huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị này đã tiến hành lấy mẫu để test nhanh cá khoai tại các chợ trên địa bàn gồm: Hoàn Lão, Hải Phú, Phong Nha và Troóc.

Kết quả test nhanh cho thấy các mẫu cá khoai ở các khu chợ nêu trên đều dương tính với phoóc môn. Đây là một chất cấm trong sản xuất, bảo quản và chế biến thực phẩm. Loại chất này khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây khó tiêu hóa, viêm loét thực quản, dạ dày, ruột… nếu nhiễm phải liều lượng cao có thể gây tử vong.

Ông Lê Khắc Đóa, Trưởng phòng Y tế huyện Bố Trạch cho biết, mùa này không phải mùa cá khoai tại tỉnh Quảng Bình. Đặc điểm của cá khoai khi đánh bắt đưa lên bờ trong khoảng 2 ngày sẽ dễ bị hư hỏng. Chính vì thế, để bảo quản cá khoai được lâu, người dân đã dùng phoóc môn để "ướp".

Cá khoai là loại cá hay bị "ướp" phoóc môn nhất do đặc điểm của cá khoai khi đánh bắt đưa lên bờ trong khoảng 2 ngày sẽ dễ bị hư hỏng

Đây không phải lần đầu, câu chuyện "ướp" cá khoai bằng phoóc môn được phát hiện. Trước đó, ngày 17/10/2023, Đội quản lý thị trường số 10 (Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa) phối hợp với kiểm tra, phát hiện xe ô tô tải kéo rơ moóc chở số lượng lớn cá khoai không rõ nguồn gốc. Kết quả test nhanh, phát hiện trong các thùng xốp chứa cá khoai có chất phoóc môn.

Hồi năm 2021, 72 công nhân một nhà máy chế biến rau quả xuất nhập khẩu ở Lào Cai phải nhập viện vì biểu hiện ngộ độc, nguyên nhân được chỉ ra là do món bánh phở chứa Formaldehyde (thành phần chính của phoóc môn).

Cũng mới đây, ngày 11/11, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất và phát hiện quy trình tạo ra gạo Séng Cù xanh giả bằng cách nghiền lá dứa để nhuộm xanh gạo Séng cù tại huyện Mường Khương - Lào Cai.

Lá dứa được băm nhỏ để nhuộm xanh hạt gạo trắng, thành gạo Séng Cù xanh, "lòe" người tiêu dùng với giá 400.000 đồng/kg.

Cụ thể, kiểm tra đột xuất gia đình ông Lục Đức Khón (ở thôn Na Đẩy, thị trấn Mường Khương), lực lượng chức năng phát hiện hộ kinh doanh này đang tổ chức xay xát gạo và sử dụng lá dứa để nhuộm xanh gạo, tạo ra gạo Séng Cù xanh.

Tại thời điểm kiểm tra, một lượng gạo lớn đã được xay xát sẵn để sẵn sàng nhuộm màu xanh, bên cạnh đó là một số chậu đựng lá dứa đã nghiền nhỏ.

Nhuộm lá dứa để tạo ra gạo Séng Cù xanh

Qua kiểm tra giấy phép kinh doanh, gia đình ông Khón không đăng ký hành nghề xay xát, chế biến mà chỉ hành nghề kinh doanh nông sản. Bên cạnh đó, cơ sở đã tự ý xay xát và nhuộm gạo Séng Cù không đúng quy định để bán ra thị trường.

Theo tường trình của ông Khón, ngày 8/11 có khách hàng đến đặt cơ sở của ông chế biến 20kg gạo Séng Cù màu xanh nên ông đã đi mua lá dứa về để chế biến, bán cho khách hàng. Khi chưa kịp trộn và đóng túi thì bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.

Niềm tin của người tiêu dùng biết đặt ở đâu?

Câu chuyện về cá khoai “ướp” phoóc môn, gạo trộn phẩm để ra màu xanh bắt mắt đánh lừa người tiêu dùng… không phải hiếm ở Việt Nam. Và như thường lệ, người ta lại nói về câu chuyện người tiêu dùng phải nâng cao nhận thức, phải là người tiêu dùng thông thái, phải lựa chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ cơ sở kinh doanh có uy tín…

Thực tế trên cho thấy một điều, niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm được coi là “đặc sản” càng ngày càng trở nên xa xỉ. Đến những đặc sản theo mùa, theo vùng, thậm chí được lên tận nơi mua, nhưng vẫn không tránh khỏi hóa chất độc hại, phẩm màu… Và chính người Việt đã dần đánh mất niềm tin của người tiêu dùng, “giết chết” hàng Việt, đặc sản Việt bằng những cách như thế này.

Luật sư Phạm Thanh Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Phạm Hoàng đưa ra ý kiến, thực tế các vụ việc vi phạm về chất cấm trong an toàn thực phẩm vẫn bị xử phạt quá nhẹ, chủ yếu là phạt hành chính, tịch thu tang vật, buộc tiêu hủy… nên chưa đủ sức răn đe. Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 cũng chỉ quy định một số điểm hết sức chung chung như: “Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật (tại Điều 6)”. Ngoài ra, một số mức phạt cũng chỉ ở mức không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm.

Một vấn đề khác cũng được Luật sư Phạm Thanh Tùng đề cập, đó là từ khi luật đi vào thực hiện đến nay, hầu như chưa có tổ chức, cá nhân nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự dù các vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng với mức độ gây nguy hại đến sức khỏe cho con người ngày càng lớn. Đối với quyền của người tiêu dùng thực phẩm, luật sư cũng cho rằng, mặc dù luật quy định người tiêu dùng được quyền yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thậm chí có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện. Thế nhưng, sau mỗi sự việc đáng tiếc xảy ra, người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.

Lê Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ca-uop-phooc-mon-gao-nhuom-mau-nguoi-tieu-dung-dat-niem-tin-vao-dau-285827.html