Ca trù - gian nan nối mạch lưu truyền

Gần 15 năm được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, đến nay ca trù vẫn loay hoay chưa thoát khỏi tình trạng 'cần bảo vệ khẩn cấp'.

Câu lạc bộ Ca trù Hà Thành biểu diễn tại đình Bích Câu, Hà Nội. Ảnh: CTBC

Chồng chất khó khăn

Ngày 1.10.2009, ca trù được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Thời điểm đó, Việt Nam được UNESCO đánh giá rất cao vì có tầm nhìn toàn diện đối với việc bảo vệ di sản này. Bởi vì mặc dù đã được phục hồi trong 5 năm tính từ thời điểm làm hồ sơ (2005 - 2009) nhưng nguy cơ thất truyền những bài bản, thể cách của ca trù xưa vẫn đặt ra như là một thách thức không dễ gì giải quyết. Trong hồ sơ, kế hoạch hành động để bảo vệ di sản được trình bày khá tổng thể và có tính khả thi, các báo cáo thẩm định cũng chỉ ra nhiều biện pháp cụ thể, nhỏ mà hữu ích. Ca trù đã được kiểm kê và thuộc lĩnh vực quản lý chuyên môn của Viện Âm nhạc (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho thấy trách nhiệm và cam kết của quốc gia đối với bảo vệ di sản.

“Tuy nhiên trước mục tiêu đưa di sản ca trù thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp như cam kết của Việt Nam với UNESCO trong hồ sơ vẫn còn một số khoảng trống chưa được thực hiện với kết quả, hiệu quả tốt, liên tục. Danh hiệu ca trù là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vẫn chưa đạt tới bởi nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan”. Nhận định như vậy, PGS.TS. Lê Văn Toàn, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam lo lắng: Thách thức đặt ra gần 15 năm trước đến giờ vẫn còn, thậm chí chồng chất khó khăn do sự mai một của di sản theo thời gian.

Điểm lại lực lượng nòng cốt tạo sức sống cho ca trù chính là đội ngũ nghệ nhân, những "báu vật nhân văn sống", PGS.TS. Lê Văn Toàn cho biết, lớp nghệ nhân tiêu biểu, xuất sắc của ca trù như NSND Quách Thị Hồ, NNND Nguyễn Phú Đẹ, NNND Nguyễn Thị Chúc, NNND Nguyễn Văn Mùi, NNND Nguyễn Thị Vượng, đào nương Phan Thị Nga, Phan Thị Mơn… đã ra đi. Nhiều nghệ nhân hiện vẫn cố gắng giữ lửa ca trù nhưng tuổi cao, sức khỏe suy giảm như NNND Nguyễn Thị Khướu 97 tuổi, NNƯT Ngô Văn Đảm 96 tuổi, NNND Chu Chí Cang, NSND Phó Thị Kim Đức đều gần 90 tuổi… Lớp nghệ nhân tiếp nối có một số gương mặt tiêu biểu như NSƯT Bạch Vân, NNƯT Nguyễn Thúy Hòa, NSƯT Nguyễn Văn Khuê, NNƯT Vân Mai… nay đều ở độ tuổi trên 50 - 60.

“Chưa kể, sau khi ca trù được ghi danh, chúng ta chưa có những chính sách quan tâm đặc biệt dành cho loại hình nghệ thuật độc đáo trước nguy cơ thất truyền. Diện mạo ca trù nguyên gốc vẫn chưa được cộng đồng di sản phục hồi tốt; diện mạo ca trù cổ trong đời sống đương đại chưa thật sự hoàn chỉnh như từng có, từ hình thức đến nội dung… Không gian thực hành nghệ thuật ca trù cổ cũng chưa hoàn toàn tái tạo được đúng và đa dạng như ca trù cổ truyền”, PGS.TS. Lê Văn Toàn nói.

Lối đi nào cho di sản?

Mấy chục năm thực hành nghệ thuật hát ca trù, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Hà Thành, NNƯT Vân Mai bộc bạch nỗi niềm đau đáu trên hành trình giữ sức sống của di sản: “Nói ra thật buồn nhiều hơn vui. Có những bạn trẻ đến với ca trù hào hứng ban đầu rồi một thời gian “mất tích”, rơi rụng vì không học được. Người có năng khiếu lại không tin theo được nghiệp hát đến cùng. Các bạn tâm sự rằng hát giỏi như thầy cô còn khó kiếm sống bằng nghề thì trò học đến bao giờ mới đạt, huống chi còn nỗi lo cơm áo, gạo tiền…”.

Theo NNƯT Vân Mai, tuy khó khăn nhưng hiện tại nhiều nghệ nhân ca trù vẫn rất hăng hái, yêu nghề, tích cực hành nghề những mong sớm đưa ca trù thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Có điều trên thực tế, nhiều câu lạc bộ biểu diễn, truyền dạy ca trù chưa theo quy chuẩn, đàn hát không có phách. Ngoài số ít người may mắn được truyền dạy bởi lớp nghệ nhân lão thành, đại đa số đào kép tự mày mò học qua băng đĩa, học theo kiểu “cấp tốc”. Trong khi đó, ca trù là phải được đào luyện từ bé, mất ít nhất 10 năm mới có thể ra làm nghề.

“Như mấy năm trước, tôi đi dạy cho ca nương ở Hải Dương, Hưng Yên…, lớp học được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ nhưng một đợt truyền dạy như vậy tính ra chỉ vỏn vẹn 10 - 15 ngày nên cuối cùng kết quả cũng không được như kỳ vọng. Vì vậy, muốn di sản có được sức sống như xưa phải đặc biệt quan tâm vấn đề truyền dạy sao cho thật hiệu quả”, NNƯT Vân Mai cho biết.

Những năm trước đây, hát xoan cũng ở tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp nhưng chỉ trong thời gian ngắn phấn đấu và hành động quyết liệt, hiệu quả, đã nhanh chóng được UNESCO chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo PGS.TS. Lê Văn Toàn, từ thực tế thành công của di sản hát xoan cho thấy, sự chỉ đạo, lãnh đạo nhất quán, quyết tâm cao của các cấp lãnh đạo có vai trò hết sức quan trọng. Những chính sách đầu tư gắn với hành động, hoạt động cụ thể, khoa học được vạch ra phù hợp; sự gắn kết, chia sẻ, gánh vác chung của cộng đồng và toàn xã hội dành cho di sản là rất cần thiết. Thêm nữa, chỉ khi có sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị của di sản trong sự chia sẻ, đồng thuận cao của cộng đồng mới có thể giúp di sản sớm thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

“Để khôi phục di sản ca trù cần tiến hành đồng bộ các giải pháp trên. Lực lượng nghệ sĩ, nghệ nhân trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố có di sản cần được quan tâm, động viên kịp thời, đầy đủ để có thể tận tâm cống hiến, phát huy hết khả năng, năng lực trong bảo vệ, phát huy tốt nhất ca trù. Đặc biệt, thực tế bảo vệ di sản ca trù tại Hà Nội thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả. Cách làm này cần được nghiên cứu, từ đó lựa chọn mẫu hình tiêu biểu để nhân rộng, lan tỏa tới nhiều địa phương có di sản ca trù. Tổng hòa các nỗ lực này mới mong ca trù được nối mạch lưu truyền trong đời sống đương đại hôm nay”, PGS.TS. Lê Văn Toàn nhìn nhận.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/ca-tru-gian-nan-noi-mach-luu-truyen-i361477/