Cá tra vẫn khốn đốn vì đói vốn

Thị trường XK nhìn chung vẫn đang thuận lợi, vậy mà giá cá tra nguyên liệu đang liên tục giảm mạnh. Còn DN thì sản xuất cầm chừng. Tất cả chỉ vì quá thiếu vốn. Đó là nỗi bức xúc chung của các DN tại Hội nghị sơ kết ngành hàng cá tra Quý 1/2012, tổ chức ở TP HCM ngày 17/4.

>> Kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp cá tra

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý 1 năm nay, giá trị XK cá tra đạt trên 425 triệu USD. Như vậy so với cùng kỳ năm ngoái, XK cá tra trong 3 tháng qua đều tăng khá cả về giá trị lẫn sản lượng. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, nhận định, thị trường XK cá tra vẫn đang rất rộng mở, bởi cá tra là sản phẩm mang tính đặc thù và giá cả rất cạnh tranh so với các loại cá thịt trắng khác trên thế giới.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt của VASEP, cho rằng, năm nay XK cá tra sang Mỹ có thể tăng tới 30% so với năm ngoái. XK cá tra sang các thị trường châu Mỹ khác như Mexico, Brazil … cũng sẽ có sự tăng trưởng ấn tượng. Bởi vậy, nếu như việc XK cá tra sang EU được giữ như năm ngoái hoặc chỉ giảm nhẹ, thì cả năm nay, mục tiêu XK cá tra đạt 2 tỷ USD hoàn toàn có thể đạt được.

Dù vẫn đang có đầu ra, nhưng từ cuối tháng 3 đến giờ, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL lại liên tục giảm mạnh, hiện chỉ còn 23.000 đ/kg. Với mức giá này, theo bà Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long, người nuôi giỏi chỉ có thể hòa vốn vì giá thành cá tra năm nay là 23.000 đ/kg. Người nuôi dở hơn chắc chắn sẽ bị lỗ. Giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh, không phải do nguồn nguyên liệu quá nhiều.

Theo ông Trương Đình Hòe, cuối năm ngoái, khi xây dựng kế hoạch sản xuất cá tra năm nay, tổng hợp từ kế hoạch của các địa phương cho thấy sản lượng có thể đạt trên 1,4 triệu tấn. Nhưng thực tế cho thấy trong quý 1 vừa rồi, thống kê từ các tỉnh nuôi cá tra ở ĐBSCL, sản lượng chỉ đạt khoảng 300 ngàn tấn. Vì vậy, nhiều khả năng trong cả năm nay, sản lượng cá tra thực tế chỉ vào khoảng 1,2 triệu tấn. Còn theo ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, sản lượng 300 ngàn tấn mà các địa phương thống kê được trong quý 1 vẫn còn cao hơn sản lượng thực tế khá nhiều. Bởi trong quý này, các nhà máy đã phải nghỉ khoảng 1 tháng do lễ, tết. Thời gian sản xuất thực tế khoảng 2 tháng. Công suất chế biến bình quân của các nhà máy cá tra chỉ đạt khoảng 50%. Vì thế, mỗi tháng chế biến được tới 150 ngàn tấn (5.000 tấn/ngày) là phi thực tế.

Vậy giá cá giảm mạnh do đâu? Ông Dương Ngọc Minh cho rằng, nguyên nhân chính là do hiện nay các DN rất thiếu vốn để thu mua cá tra nguyên liệu. Theo ông Minh, rất nhiều DN cá tra hiện không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Những DN còn tiếp cận được nguồn vốn này thì lại không dám vay do lãi suất quá cao. Ông Minh khẳng định “DN không có vốn để thu mua, cá nguyên liệu đang từ mức 26.000 đ/kg giảm mạnh xuống còn 23.000 đ/kg là điều tất yếu”. Vụ nợ nần của Cty CP Thủy sản Bình An cũng đã khiến cho không ít DN cá tra bị vạ lây.

Theo ông Nguyễn Quang Trường, GĐ Cty Biển Đông (Cần Thơ), do cùng nằm trong khu công nghiệp với Cty Bình An, nên Cty này đã bị một ngân hàng áp dụng ngay các biện pháp mạnh như giảm ngay mức dư nợ tín dụng xuống chỉ còn 16 tỷ đồng, đồng thời thu hẹp mức tín dụng cho vay. Điều đó đó đã gây khó khăn lớn trong việc tổ chức nuôi cá và chế biến XK của Cty Biển Đông, bởi nếu muốn được vay mới, Cty buộc lòng phải ngưng việc nuôi, chế biến cá, để dồn tiền trả hết những khoản nợ xấu. Mà khi đã đem hết tiền đi trả nợ, thì chỉ còn nước bó gối ngồi chơi suông. Mặt khác, khi không hoạt động, sẽ không có những hợp đồng mới, không có ngoại tệ thu về, lại càng bị ngân hàng đánh giá tín nhiệm xấu hơn nữa. Trong khi đó, chỉ cần được ngân hàng cho dãn nợ, tiếp tục cho vay để đầu tư nguyên liệu chế biến, DN sẽ sớm trả được nợ cũ khi thị trường đang thuận lợi. Ông Trường than “Lâu nay, DN và ngân hàng vẫn đi chung một xuồng với nhau. Nhưng đến lúc khó khăn, ngân hàng đạp xuồng nhảy lên bờ, để mình DN bị chết chìm”.

Ông Trương Đình Hòe cho biết, vốn đầu tư cho 1 ha cá tra trong năm nay, lên tới 8 tỷ đồng. Vốn lớn như thế, chẳng người nuôi cá nào có được. Họ đành phải đánh liều đi vay. Nhưng nhiều ngân hàng vẫn ngoảnh mặt với người nuôi cá tra. Ngay cả những ngân hàng mà từ nhiều năm nay, ngành thủy sản là đối tác chủ lực, người nuôi cá tra vẫn không có cửa. Chẳng hạn, theo ông Trần Phú Minh, Phó TGĐ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, năm 2011, Ngân hàng này cho vay 20.000 tỷ đồng, thì lĩnh vực thủy sản chiếm tới 58%, nhưng trong đó không hề có đồng vốn nào cho người nuôi cá tra, đơn giản vì chưa có cơ chế cho vay với đối tượng này. Nhưng ngân hàng khác, mà người nuôi cá tra có thể vay vốn, thì muốn có được vốn ngân hàng, buộc lòng phải qua trung gian. Nếu không, chỉ có nước đi vay vốn từ các nguồn khác. Chính vì không được tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn ngân hàng, nhất là vốn ưu đãi lãi suất 16%, nên giá thành sản xuất cá tra năm nay bị đội lên tới 23.000 đ/kg. Ông Dương Ngọc Minh cho rằng nếu ngân hàng cho vay trực tiếp tới người nuôi cá tra, giá thành có thể giảm đi 10%.

Bởi vậy, theo ông Trương Đình Hòe, ngoài việc giảm lãi suất cho vay, điều mong mỏi nhất hiện nay của VASEP cũng như các DN cá tra là các DN được cơ cấu lại nợ nần với sự trợ giúp trực tiếp của các ngân hàng. Có như vậy, những DN vẫn đang làm ăn tốt hay vẫn có hướng phát triển thuận lợi trong thời gian tới, sẽ có cơ hội tiếp cận được những nguồn vốn vay lãi suất thấp hơn lãi suất chung hiện nay, nhằm tiếp tục đầu tư nuôi cá hay thu mua nguyên liệu chế biến XK...

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/15/93498/ca-tra-van-khon-don-vi-doi-von.aspx