Ca sĩ lập kỷ lục bán hết 5.000 cuốn sách sau 2 ngày phát hành là ai?

Bán hết 10.000 cuốn sách, doanh thu cũng chưa bằng một đêm đi hát. Tuy vậy Jun Phạm khô chùn bước trong sự nghiệp viết lách mà không ngừng tạo động lực sáng tác.

- Mọi người thường quan niệm làm ca sĩ là công việc dễ “hái ra tiền” vậy mà thời gian qua bạn có vẻ “hờ hững” đi hát để dành nhiều thời gian cho viết lách. Vì sao bạn lại có sự thay đổi này?

- Bởi viết lách là sở thích từ nhỏ, tôi viết nhiều truyện ngắn từ hồi lớp 7. Thói quen này không thể bỏ được, một phần nó cũng giúp cho tôi được là chính mình chứ không phải diễn một nhân cách hoàn hảo khác. Tôi thích bản thể đó nên không muốn nó mất đi.

- Có phải vì sở hữu đội ngũ fan khá lớn lúc còn làm ca sĩ nên bạn tự tin khi lấn sân sang văn chương sẽ luôn có một lượng độc giả ủng hộ nhiệt thành?

- Đó là lý do ban đầu để tôi dám ra mắt quyển sách đầu tiên. Thực sự 10 năm trước, tuy thích viết nhưng ra mắt sách là điều gì đó rất lớn lao. Với tôi thời điểm đó nếu không phải là một thành viên của một nhóm nhạc chắc không đủ can đảm giới thiệu với độc giả "đứa con tinh thần" đầu lòng.

Nhưng sau khi cuốn Nếu như không thể nói nếu như ra đời, nhiều fan nhỏ tuổi mua sách đọc khiến tôi có ý thức hơn trong việc xem đây là một nghề chứ không chỉ là một cuộc dạo chơi. Từ đó, tôi cẩn thận hơn với từng câu chữ cũng như nội dung cho các tác phẩm sau đó.

- Bạn từng tiết lộ bán hết 10.000 cuốn sách thì doanh thu cũng chưa bằng một đêm đi hát, vậy sao không ‘cày sô’ như nhiều ca sĩ khác?

- Sự chênh lệch là đúng nhưng điều đó không làm cho tôi chùn bước trong sự nghiệp viết lách mà càng có thêm động lực để sáng tác những cuốn sách hay hơn, có nhiều người đọc hơn. Mong là ước mơ và mục tiêu đó của tôi sẽ thành hiện thực vào một ngày nào đó. Hướng đi của tôi vẫn là truyện ngắn, tiểu thuyết.

- Người trẻ ngày nay có nhiều mối quan tâm và điện thoại thông minh, công nghệ số phát triển lấn át văn hóa đọc. Gần đây, một số người trẻ đưa ra quan điểm rằng xã hội bây giờ chỉ cần kiếm được tiền, việc đọc hay học nhiều không phải là điều quan trọng. Góc nhìn của bạn ra sao?

- Tôi cho rằng ngoài kiếm tiền thì vẫn phải đọc. Đọc ở đây không phải nhất thiết là đọc sách giấy mà chúng ta có rất nhiều nguồn từ sách mạng, nghe sách nói, đọc báo chí online... Vì chỉ có đọc và nghe nhiều mới chọn lọc thông tin nào là đúng - là sai, hoặc ít nhất dù chưa biết được 100% sự thật nhưng sẽ có vốn kiến thức nhất định để đối chiếu với thông tin khác. Từ đó, giúp mỗi người tự tin hơn trong mọi công việc, nhất là những việc đòi hỏi kỹ năng giao tiếp hoặc dùng mạng xã hội.

Kiến thức phổ thông vẫn là nền tảng vững chắc cho tư duy sáng tạo của tất cả các ngành nghề.

- #BookTok đã đồng hành với bạn để ra mắt tiểu thuyết ‘Xứ sở miên man’ và nhanh chóng tạo tiếng vang khi bán hết 5.000 cuốn sau 2 ngày, tái bản 10.000 cuốn. Bạn có bất ngờ về sự thành công này?

- Thực sự rất bất ngờ và hạnh phúc, với tôi tiểu thuyết dù sao cũng là một thể loại khó bán vì đòi hỏi người đọc phải kiên nhẫn. Có thể độc giả mua vì tôi hoặc vì bề ngoài của quyển sách nói chung nhưng tôi vẫn rất tự hào vì tác phẩm có cơ hội được đến tay thật nhiều bạn đọc đủ mọi lứa tuổi nhờ TikTok.

- Có ý kiến cho rằng sách của Jun Phạm không quá xuất sắc nhưng được truyền thông tốt và hiệu ứng lan tỏa trên TikTok rất mạnh nên mới đắt hàng như vậy?

- Tôi nghĩ ý kiến đó hoàn toàn đúng nhưng thực tế sách cũng chưa đắt hàng là mấy! Văn phong của tôi khá dung dị nên chỉ có thể đồng cảm với một bộ phận nhỏ. Và đó cũng là những động lực để tôi tự trau dồi kỹ năng và cảm xúc nhiều hơn ở các tác phẩm sau.

- Bạn có kế hoạch phát triển văn hóa đọc trên kênh TikTok chứ?

- TikTok cũng giống như bao nền tảng trên mạng xã hội là công cụ phục vụ con người từ giải trí đến công việc và cuộc sống. Bởi vậy xấu - tốt là do hành vi của người sử dụng. Tôi hay follow những Tiktoker có nội dung tích cực như: sách, báo chí, nấu ăn, khoa học, thời trang, âm nhạc... bởi họ giúp tôi có thêm nhiều kiến thức tổng hợp ngắn gọn và bổ ích. Viết là đam mê của Jun nên chắc chắn tôi sẽ có những việc làm tích cực hơn để quảng bá văn hóa đọc nói chung, các cuốn sách của mình nói riêng. Tôi lựa chọn TikTok để hiện thực hóa điều này.

- Người ta đọc sách và nghĩ rằng mình nắm vững kiến thức nhưng rõ ràng kinh tế và thị trường luôn thay đổi. Nhiều người đọc sách làm giàu và cố làm theo rồi dẫn đến thất bại. Cuốn sách nào mà bạn tâm đắc nhất và muốn chia sẻ?

- Cái gì mà không thay đổi? Ngay cả những người mình yêu thương nhất còn biến mất huống hồ kinh tế và thị trường? Tôi nghĩ chúng ta chỉ nghĩ thất bại là một điều tiêu cực cần tránh né. Thật ra thành công và thất bại là hai mặt của một vấn đề. Không có cái này sẽ mãi chẳng có cái kia và ngược lại.

Tôi thích nhất tác phẩm Đời thay đổi khi ta thay đổi, cuốn sách đó thay đổi lối suy nghĩ một chiều. Thất bại cũng có những giá trị xứng đáng. Hầu hết những kỷ niệm đẹp mà chúng ta kể lại đều là trải nghiệm đắng cay, khó khăn, vất vả.

- Viết sách và viết kịch bản, theo bạn có điểm gì giống và khác nhau? Bạn có ấp ủ một kịch bản mới nào?

- Jun nghĩ đây là hai thể loại khác nhau hoàn toàn. Viết sách rất cần cảm xúc, sử dụng nhiều biện pháp tu từ, thể hiện cách viết riêng của từng tác giả. Còn biên kịch chủ yếu tập trung vào nội dung thú vị để mời gọi nhà đầu tư - sau đó là đến phần thoại. Kịch bản không nhất thiết phải tả sâu sắc một hiện tượng hay cảm xúc gì đó. Những thứ đó hãy để cho đạo diễn và diễn viên sáng tạo.

Tôi đang ấp ủ dự án sách nhiều hơn là kịch bản vì với sách mình được toàn quyền quyết định mọi khâu, kể cả số phận của nhân vật.

- Mải mê với những con chữ, có lẽ nào Jun Phạm “cắt duyên” với âm nhạc và phim ảnh?

- Hiện tại, tôi mới hoàn thành xong vai diễn mới trong bộ phim Bảy năm chưa cưới sẽ chia tay. Series 25 tập này lần đầu tiên tôi đảm nhận vai phản diện nên bản thân cũng kỳ vọng nhiều. Bên cạnh đó, tháng 6 năm nay, tôi sẽ tham gia chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai. Một lần nữa hy vọng chương trình sẽ giúp tôi trở lại với niềm đam mê âm nhạc.

- Bạn được đánh giá là nghệ sĩ đa tài khi thể hiện tốt ở nhiều vai trò như: ca sĩ, diễn viên, nhà văn, biên kịch... Nhưng có khi nào bạn nghĩ mình đang quá ôm đồm và mất phương hướng?

- Theo quan niệm sống và làm việc của tôi có lẽ sẽ hơi nghệ sĩ tính một chút. Làm gì phù hợp không quan trọng, quan trọng nhất là phải vui vẻ. Tôi luôn sống và làm việc theo cảm xúc của mình. Làm việc chỉ là một phần của cuộc sống chứ không phải sống để làm việc.

Tôi chỉ thấy quá may mắn vì có nhiều tài lẻ thôi chứ ít khi mất phương hướng. Trong tương lai, tôi vẫn thích được thể hiện khả năng ở các lĩnh vực khác nhau và học thêm nhiều điều mới mẻ.

- Tôi đọc nhiều bài phỏng vấn và thấy Jun Phạm chỉ thích nói về sách, âm nhạc, phim ảnh, đời sống… và gần như ‘né’ chuyện tình cảm. Trong khi đa số các anh chàng showbiz khác thích ‘chinh phục tình yêu’ thì bạn có vẻ như nép mình vào sự thinh lặng. Bạn khó tính quá hay ưa thích sự cô đơn?

- Tôi chưa bao giờ né tránh chuyện tình cảm mà ngược lại rất hào hứng, chỉ vì những lĩnh vực khác nổi trội hơn nên mọi người quan tâm thôi. Nhưng như vậy cũng tốt, khán giả nhìn nhận tôi đang làm nghề nghiêm túc và mình an tâm lao động nghệ thuật hơn.

Quan điểm của tôi khá đơn giản. Ở một mình mà vẫn thấy hạnh phúc thì khi yêu mới làm đối phương hạnh phúc được. Không thể lao vào tình yêu bởi vì mình quá cô đơn! Tình yêu xuất phát từ sự vị kỷ đó sớm muộn gì cũng dẫn đến đổ vỡ hoặc chiến tranh lạnh.

Có thể do trải qua nhiều sự mất mát nên tôi hiểu được nỗi cô đơn chẳng qua là do mình tưởng tượng mà thôi. Một mình không phải là cô đơn, không phải là tự kỷ. Một người tiêu cực và tự kỷ thì không thể có nhiều bạn bè như Jun được đâu. Tôi luôn tự biết tạo niềm vui cho chính mình bằng cách làm nhiều nghề, học nhiều điều mới, đọc hoặc nghe sách mỗi ngày, tập thể dục đều đặn, ăn chơi chừng mực.

- Jun rất yêu bố và tâm sự rằng nhờ sống gần bố những năm tháng cuối đời của ông mà có cảm hứng hoàn thành tiểu thuyết ‘Xứ sở miên man’. Chắc hẳn bố bạn quá đặc biệt?

- Thật ra bố quá đặc biệt là vì mẹ mất từ khi tôi còn nhỏ nên bố đóng hai vai vừa làm cha vừa làm mẹ để nuôi tôi nên người. Càng lớn tôi lại thấy một người đàn ông có thể làm được việc đó không hề đơn giản chút nào. Bố luôn yêu đời - yêu người cho đến phút cuối cùng là điều không bao giờ quên với tôi.

- “Trưởng thành là hành trình học cách nhỏ bé lại” - tôi rất thích câu nói này của bạn, hãy giúp tôi và độc giả hình dung rõ nét hơn về một Jun Phạm đã trưởng thành của ngày hôm nay?

- Trẻ con có thể xây một lâu đài cát trên bãi biển và luôn hài lòng, tin tưởng nó là sự thật. Dù cho sóng làm lâu đài cát ấy vỡ vụn thì các bé chỉ buồn một chút rồi lại xây một chiếc khác với niềm vui thích ban đầu.

Tôi của hiện tại là vậy. Vẫn chăm chỉ xây dựng lâu đài cát trong mơ nhưng nếu lỡ có một ngày cuộc đời vùi dập đánh đổ thì sẽ cảm thấy bình yên như trẻ nhỏ mà làm lại từ đầu không chút hoài nghi. Ta chỉ sống một cuộc đời, thà thất bại chứ đừng không chịu làm gì!

Linh Đan, Sơn Hà, Cúc Phạm/Vietnamnet

Nguồn Znews: https://znews.vn/ca-si-lap-ky-luc-ban-het-5000-cuon-sach-sau-2-ngay-phat-hanh-la-ai-post1474576.html